chức trẻ Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên quan thủ tục doanh nghiệp của người dân - Ảnh: Q.L.
Theo một báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến tháng 12-2019, một công chức ở TP phục vụ 346 người dân, cao hơn gấp đôi so với mặt bằng chung của cả nước (một công chức phục vụ 152 người).
Nhìn từ góc độ một công chức trẻ, anh Nguyễn Đăng Khoa bày tỏ: "Mức độ áp lực trong công việc rất lớn. Do vậy việc tinh giản biên chế phải xét đến yếu tố hoàn thành tốt nhiệm vụ, ưu tiên nâng chất việc phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn chứ không đơn thuần giảm về số lượng cán bộ, công chức".
* Áp lực rất lớn mà anh vừa đề cập là gì?
- Quan sát thực tế công việc, tôi thấy nếu xét về quy mô dân số hiện có của TP chúng ta so sánh với mặt bằng lao động chung giữa cán bộ, công chức của TP.HCM với các đơn vị khác, có thể thấy áp lực ở hai góc độ.
Thứ nhất, khối lượng công việc của TP thường rất nhiều. Tùy đặc thù từng sở, ngành với lĩnh vực phụ trách khác nhau nên khối lượng công việc của mỗi cán bộ, công chức của các sở, ngành cũng rất khác nhau. Thứ hai, áp lực công việc cũng rất lớn nếu xét ở vị trí cán bộ, công chức làm công tác tham mưu cho lãnh đạo cấp trên hoặc tiếp dân trực tiếp.
Chỉ lấy ví dụ điển hình với các ngành y tế, xây dựng, tài nguyên - môi trường... sẽ thấy một công chức mỗi ngày phải tiếp xúc với số người đến liên hệ công tác, thủ tục hành chính nhiều thế nào. Kèm theo đó sẽ thấy số lượng đầu việc, mức độ phức tạp của công việc cần giải quyết hằng ngày lớn thế nào. Đó là chưa tính đến thái độ, ứng xử trong quá trình tiếp dân cũng bị đánh giá nữa.
* Vậy cách nào để giảm áp lực đó song song với yêu cầu đảm bảo hiệu quả công việc?
- Cá nhân tôi cho rằng nâng cao trình độ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc. TP từng có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trước đây là một cách nâng cao trình độ cán bộ, công chức. Chính phủ cũng có những quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có chiến lược thu hút con người, nhất là người tài tham gia bộ máy chính quyền chứ không chỉ dừng ở việc tuyển dụng việc làm. Thực tế nhiều bạn có năng lực nhưng chưa tha thiết cống hiến trong môi trường Nhà nước mà chọn làm doanh nghiệp, cả xuất khẩu lao động. Phải làm sao để những bạn trẻ này có cách nhìn khác.
TP đã có chương trình đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tôi mong vẫn tiếp tục chương trình này. Theo tôi, cần tiếp cận với du học sinh chọn trở về nước, các bạn học sinh, sinh viên giỏi ngay khi còn đang học ở trường, chủ động tìm kiếm chứ không đợi đến lúc các bạn ra trường. Nghĩa là cần chuyển từ tuyển dụng qua tìm kiếm, đào tạo nhân lực, xa hơn là tiếp cận nhân tài từ sớm.
* Là một công chức trẻ, anh nghĩ cách nào để nâng chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay?
- Thành đoàn đã có các giải thưởng, hội thi dành cho cán bộ, công chức trẻ nhưng có vẻ phù hợp với cán bộ, công chức các sở, ngành nhiều hơn trong khi tôi thấy cần đầu tư cho nhóm cán bộ, công chức quận, huyện thêm nữa. Các bạn này chính là những người hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với người dân nhiều nhất, mà người dân thường đánh giá hiệu quả công việc, kết quả cải cách thủ tục hành chính của chính quyền thông qua đội ngũ này.
Tổ chức Đoàn có thể cùng cấp ủy giúp các bạn trau dồi bản lĩnh chính trị, kỹ năng, kinh nghiệm nghiệp vụ công tác. Bồi dưỡng để các bạn có bản lĩnh chính trị vững vàng trước khi hỗ trợ trang bị kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cần thiết cho công tác là điều quan trọng. Có nhiều cách để hỗ trợ, có thể là hành trình chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước như một cách truyền lửa yêu nghề cho đội ngũ trẻ.
Cán bộ, công chức trẻ cần sự khích lệ, động viên kịp thời cũng như môi trường rèn luyện, thử thách bên cạnh thước đo quan trọng là sự đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Suy cho cùng, mục tiêu hướng đến của cán bộ, công chức không gì khác ngoài sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thái độ phục vụ và hiệu quả công việc dành cho họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận