13/08/2017 14:12 GMT+7

Từ trại tị nạn tới chuyến bay vòng quanh thế giới

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Sinh ra trong một trại tị nạn ở Afghanistan 30 năm trước, Shaesta Waiz không thể nghĩ rằng hôm nay cô là nữ phi công, có cơ hội được bay đi khắp nơi trên thế giới.

Phi công Shaesta Waiz trong buồng lái máy bay tại sân bay quốc tế Cairo, Ai Cập ngày 2-7 - Ảnh: CNN
Phi công Shaesta Waiz trong buồng lái máy bay tại sân bay quốc tế Cairo, Ai Cập ngày 2-7 - Ảnh: CNN

Trong chia sẻ với CNN, nữ phi công 30 tuổi người Mỹ gốc Afghanistan này bảo lần đầu tiên cô trông thấy chiếc máy bay là trong một bản tin nói về vụ tai nạn hàng không. Cô nhớ lại: “Tôi bảo với mẹ là con hi vọng sẽ không bao giờ phải đi trên máy bay”.

Nhưng giờ đây, Waiz đã là phi công có chứng chỉ hành nghề và đang trong hành trình một mình với chiếc Beechcraft Bonanza A36 một động cơ bay vòng quanh thế giới. Tính tới thời điểm hoàn thành hành trình của mình vào tháng 9 năm nay tại Daytona Beach, bang Florida, cô đã có hơn 20 lần hạ cánh tại 18 quốc gia và vượt qua 25.000 dặm bay.

Nữ phi công hi vọng hành trình đó sẽ “truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác trên toàn thế giới có những ước mơ lớn và gặt hái nhiều thành tựu hơn”.

“Âm mưu” đeo đuổi giấc mơ

Quả thật hành trình bay của Waiz là một câu chuyện đầy cảm hứng khi nó không chỉ là một thành tựu đặc biệt của một nữ phi công, mà còn là sự vượt thoát đầy nỗ lực khỏi những trắc trở của số phận và vô số rào cản của văn hóa, định kiến xã hội.

30 năm trước, Waiz chào đời trong một trại tị nạn ở Afghanistan. Không lâu sau đó, cả gia đình cô phải di tản tới Mỹ để tránh cuộc chiến tranh bùng nổ năm 1987. Cùng với năm chị em gái, cô lớn lên ở vùng Richmond, California. Chưa bao giờ cô nghĩ mình sẽ làm phi công.

Waiz chia sẻ: “Tôi từng rất chật vật khi nghĩ về những ước mơ. Tôi nghĩ với một người phụ nữ như mình, chuyện tốt nhất nên làm là sinh ra những đứa con...”.

Lúc nhỏ, gia đình Waiz không sống gần sân bay. Cũng không ai trong gia đình cô từng được đi máy bay. “Chúng tôi không có tiền để đi máy bay - cô kể - Đó là chuyện ngoài tầm với và cũng là điều rất đáng sợ”.

Nhưng ký ức về lần đầu tiên Waiz được đi máy bay thì không bao giờ cô quên. Đó là lúc cô bé tuổi teen bay từ California tới Florida. “Nó thật sự lãng mạn” - cô nhớ lại.

Thế rồi trong những năm tháng tiếp theo, Waiz “âm mưu” đeo đuổi giấc mơ của mình. Từ một trường cao đẳng cộng đồng, cô theo học lên một trường đại học hàng không.

Song song với việc học, Waiz cũng bắt đầu phải thuyết phục mọi người trong gia đình ủng hộ ước mơ bị cho là “kỳ quái”. Bác cô bảo phụ nữ không phải là người của buồng lái. Còn bà cô thì hỏi cháu gái: “Có người đàn ông Afghanistan nào muốn cưới một cô vợ lái máy bay không hở cháu?”

Suốt trong giai đoạn trưởng thành, Waiz luôn phải “đánh đu” giữa hai nền văn hóa. Cô học trường Mỹ nhưng lại nói tiếng Farsi và Pashto ở nhà.

Cô kể: “Lớn lên ở Mỹ nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình là người Mỹ. Cha mẹ luôn nhắc tôi là người Afghanistan, không phải người Mỹ. Nhưng đôi khi, lúc nói chuyện với các anh chị họ tại Afghanistan, họ lại nghĩ tôi là người Mỹ. Tôi luôn bối rối không biết mình thuộc về đâu”.

Nhưng các chuyến bay đã thay đổi điều đó. “Khi ngồi trên máy bay, tất cả những nỗi hoang mang đó biến mất - Waiz nói - Chiếc máy bay chẳng quan tâm tới chuyện này. Nó chỉ quan tâm tới kỹ năng của người lái. Trên trời, tôi có thể là bất cứ ai tôi muốn”.

Cổ vũ các thế hệ phi công nữ tương lai

Hành trình bay của Waiz tới nay đã đưa cô tới Canada, châu Âu, Trung Đông và châu Á. Đặc biệt nhất là tháng trước, cô đã có cơ hội ghé lại thủ đô Kabul của Afghanistan ba ngày. Đó cũng là lần đầu tiên cô trở về quê hương kể từ khi sinh ra.

Trong lần đó, Waiz được gặp tổng thống và thủ tướng Afghanistan, được kết nối lại với những thành viên trong gia đình lớn của mình và bắt đầu mơ về những việc cô sẽ làm trong tương lai.

Waiz chia sẻ: “Tôi đã có cơ hội gặp nhiều anh em họ của mình, rất nhiều bạn gái trẻ. Tôi nhận ra là những cô gái ấy rất giàu khát vọng, họ khao khát được làm một việc gì đó”.

Waiz đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Dreams Soar để cổ vũ các thế hệ phi công nữ tương lai và ủng hộ những người phụ nữ tham gia các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Sau chuyến đi tới Kabul, Waiz mơ ước có thể xây dựng một ngôi trường đào tạo các lĩnh vực khoa học công nghệ cho các cô gái ở đây, “để họ có thể đi tới bất cứ nơi đâu và vận dụng tài năng của họ”.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên