26/04/2013 10:29 GMT+7

Từ tin vịt trên Twitter của AP, mặt trái của "thông tin lập tức"

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Một mẩu tin “vịt” vỏn vẹn 12 chữ đã khiến thị trường chứng khoán Dow Jones lớn nhất thế giới chao đảo.

LjzPH4Nq.jpgPhóng to
Chỉ một mẩu tin “vịt” trên Twitter làm thị trường Mỹ mất 200 tỉ USD trong nháy mắt - Ảnh: Reuters

Ngoài cảnh báo về an ninh cho các mạng xã hội và hãng tin, người sử dụng cũng cần rút ra bài học về cách gửi niềm tin trong thời đại “thông tin ngay lập tức”.

Ngày càng nhiều tổ chức tin tức, doanh nghiệp và nguyên thủ quốc gia, bao gồm tổng thống Mỹ, sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với công chúng. Do vậy, vấn đề an ninh ngày càng trở nên quan trọng, nhất là khi, như cố vấn an ninh

J.D. Sherry của Hãng Trend Micro cảnh báo, việc đột nhập tài khoản Twitter như của AP hôm 23-4 có thể được thực hiện rất dễ dàng. Tin tặc chỉ cần vào thế giới ngầm trên mạng, sắm tên và mật khẩu của một nhân viên AP là có thể vào được tài khoản của hãng. Một khi nắm được tài khoản của một nguồn tin quan trọng, tin tặc có thể làm được nhiều việc từ việc gián đoạn hoạt động kinh doanh hay phao tin đồn gây náo động.

“Nguy cơ của việc sử dụng mạng xã hội là rất cao. Các nhóm tin tặc có thể phá hoại chỉ với một mẩu tweet 140 ký tự” - luật sư công nghệ Claudia Rast thuộc Hãng luật Butzel nhận định.

Tiện lợi hay an toàn?

"Đừng bao giờ tin vào những thông tin ban đầu. Hãy kiểm chứng, hãy kiểm tra"

Nhà báo Dan Gillmor cho rằng báo chí cần có một sự chậm rãi nhất định trong thông tin, bởi với tốc độ và khối lượng thông tin tăng lên thì nhà báo và công chúng sẽ dễ bị sai lầm khi đưa ra những quyết định quan trọng theo một tốc độ tương ứng như vậy

Vụ tin “vịt” của AP cũng diễn ra trong thời điểm nhạy cảm sau khi các mạng xã hội bị chỉ trích đã tiếp tay truyền tải các thông tin sai lệch về kẻ đánh bom khủng bố ở Boston. Bên cạnh đó là nạn đánh cắp tài khoản ăn theo vụ đánh bom khi nhiều người bị tin tặc lừa vào các đường dẫn được quảng cáo là các đoạn phim quay cảnh khủng bố. Số tài khoản truyền thông xã hội rao bán trên các diễn đàn ngầm tăng mạnh trong tuần qua. Thành công trước đó của các mạng xã hội như giúp tìm kiếm người sống sót trong thảm họa động đất - sóng thần Nhật Bản 2011 cũng không cứu vãn nổi sự hoang mang của người dùng.

“Đây là một trong những trường hợp chúng ta gặp thường xuyên và nó đang trở nên khó chịu - giảng viên báo chí Robert Quigley của Trường ĐH Texas nhấn mạnh trên Reuters - Điều các hãng tin cần làm là buộc Twitter xây dựng một trang web an toàn hơn”.

Tuy nhiên, an ninh cũng là một vấn đề tranh cãi khi các mạng xã hội có thể sẽ phải đánh đổi sự tiện lợi của mình. Mark Risher, nhà sáng lập tổ chức cố vấn an ninh cho các công ty truyền thông xã hội như Pinterest hay Tumblr, cho biết việc áp dụng biện pháp xác nhận hai nhân tố có thể khiến Twitter trở nên rườm rà khó dùng và làm giảm số lượng người sử dụng, một yếu tố quyết định doanh số quảng cáo.

Giám đốc điều hành Dick Costolo của Twitter cho biết trách nhiệm cơ bản của mạng này là tạo nên một nền tảng hơn là đóng vai trò biên tập để lọc những tin nhắn mà người dùng chia sẻ. Nhưng ông nhấn mạnh các cuộc tấn công tương tự như vụ tin “vịt” AP có thể khiến mạng này đánh mất niềm tin của người dùng. “Luôn có sự đánh đổi giữa sự tiện lợi và an toàn. Nhưng vấn đề an ninh sẽ làm tổn hại đến thương hiệu của Twitter” - ông nhấn mạnh.

Cẩn trọng với mạng xã hội

Thông tin sai trên mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, thậm chí khiến công ty bị kiện, theo Nick Economidis thuộc Công ty Beazley chuyên bán bảo hiểm rò rỉ thông tin. “Nhà truyền thông có thể bị kiện vì bất cẩn nếu những gì chuyển tải dưới tên họ không chính xác hoặc họ không có các bước thích hợp để ngăn việc chuyển tải thông tin sai” - Economidis phản ứng.

Dù vậy, Jeff Jarvis - giảng viên báo chí Đại học thành phố New York - cho biết những rắc rối gần đây không phải là bản án dành cho các mạng xã hội. Sự lớn mạnh của các mạng xã hội có nghĩa là “bạn sẽ nghe nhiều tranh cãi và suy đoán hơn trước đây nhưng không có nghĩa là bạn nên tin vào chúng nhiều hơn”.

Vụ tin “vịt” của AP cũng là lời nhắc nhở các phóng viên phải kiểm chứng thông tin. “Đây là vấn đề mà truyền thông phải đối mặt hôm nay - giảng viên Dominic Lasorsa khoa báo chí Đại học Texas nhắc nhở các hãng tin - Các hãng tin cần hiểu rõ: thật khó để đi trước cộng đồng tin tặc [nhưng] danh tiếng là tất cả những gì chúng ta có”.

Một số chuyên gia khác cũng đồng tình rằng cần siết chặt các biện pháp bảo vệ trên mạng xã hội hơn là xóa sổ chúng. “Không phải là việc Twitter có đáng tin cậy hay không mà là người ta làm gì với nó” - giảng viên báo chí Đại học bang Arizona Dan Gillmor đưa ra ý kiến. Trong khi đó, giám đốc Trung tâm thực hành phần mềm thuộc đại học Western Australia David Glance cho rằng bài học mà người dùng mạng xã hội cần rút ra là nên cẩn trọng với thông tin nhận được cho đến khi nó được kiểm chứng.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên