Sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing trao đổi về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm, ứng xử phỏng vấn.. - Ảnh: Như HÙng |
* Anh Nguyễn Quang Phú (27 tuổi, giám đốc nghệ thuật Công ty Publicis VN):
Nỗ lực học để tự hoàn thiện
|
Nhớ lại thời điểm mới rời giảng đường đại học, tôi đã gặp rất nhiều cú sốc, lo lắng khi được nhận vào làm tại một công ty nước ngoài bởi tự thấy bản thân thiếu rất nhiều thứ từ ngoại ngữ đến kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn... dù học hành khá nghiêm túc.
Tôi nhận thấy không thể cùng lúc cải thiện được nhiều thứ nên đã phân chia thời gian để hoàn thiện từng phần. Xác định tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành là “bước đệm” quan trọng hàng đầu, tôi đã dành thời gian đi học thêm, đọc nhiều tài liệu và quan sát, học hỏi đồng nghiệp để cải thiện hạn chế này.
Còn các kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm khác... thì tôi tích lũy dần sau đó, bổ sung từ thực tế cuộc sống. Chúng ta phải chủ động “tự thân vận động” bởi giáo trình đại học ở Việt Nam phần lớn chưa kịp cập nhật hơi thở của cuộc sống, chỉ có thể cung cấp nền tảng ban đầu.
Hiện tại, dẫu khá tự tin về khả năng ngoại ngữ lẫn kiến thức chuyên môn nhưng tôi dự tính sẽ học thêm tiếng Nhật để tăng cơ hội cho bản thân trong một xã hội mới, hội nhập và đầy cạnh tranh như AEC.
Năng lực chuyên môn của lao động trẻ người Việt không hề thua kém người nước ngoài khi được đào tạo bài bản, chỉ có điều tầm nhìn, khả năng quản lý, điều phối và kỷ luật... của chúng ta còn hạn chế so với họ.
Dĩ nhiên trách nhiệm một phần nằm ở nhà trường, tuy nhiên giới trẻ cũng phải có ý thức tìm giải pháp cho chính mình. Chẳng hạn trong thời đại công nghệ hiện nay, rất nhiều giáo trình hay có thể dễ dàng tìm được trên mạng và hoàn toàn miễn phí.
* Anh Trần Hùng Thiện (34 tuổi, CEO Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM):
Tăng tính chuyên nghiệp, bớt đòi hỏi
|
Từng làm lãnh đạo ở cả môi trường đa quốc gia lẫn trong nước, tôi quan sát và cho rằng lao động trẻ Việt Nam hiện được phân thành ba nhóm rõ rệt: xuất sắc, rất dở và trung bình, tiếc là nhóm xuất sắc chiếm thiểu số.
Nhóm xuất sắc có những phẩm chất của người lao động mà công ty nào cũng cần và đánh giá cao (chuyên nghiệp, giao tiếp ngoại ngữ thành thạo, siêng năng và sáng tạo), đây cũng là nhóm không gặp khó khăn khi hội nhập.
Tuy nhiên, như đã nói, nhóm này chiếm tỉ lệ quá ít nên phần nhiều lao động trẻ Việt sẽ rất chật vật khi chúng ta thật sự hội nhập, dễ rơi vào “chiếu dưới” so với lao động trong khu vực.
Từ kinh nghiệm cá nhân lẫn tìm hiểu từ bạn bè, tôi cho rằng những điều dưới đây sẽ giúp các bạn tăng tính cạnh tranh khi hội nhập: tập làm việc chuyên nghiệp, bớt đòi hỏi, thẳng thắn soi rọi bản thân và vạch ra yếu kém để sửa chữa, không ngừng cống hiến.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết điểm mạnh của giới trẻ các quốc gia trong khu vực để từ đó học hỏi, vạch ra lộ trình phù hợp để tăng cơ hội việc làm vào những nước mình “nhắm” tới. Cá nhân tôi cho rằng: lao động Thái Lan, Malaysia có khả năng ngoại ngữ tốt, độ tin cậy cao; lao động Philippines giỏi tiếng Anh và cực kỳ chịu khó, thu nhập rất cạnh tranh; lao động Singapore làm việc rất chuyên nghiệp và có “sức mạnh” đáng kể trong giao tiếp quốc tế (do họ sử dụng hai ngôn ngữ phổ biến hàng đầu là tiếng Anh và tiếng Hoa).
* Chị Sridevi Tố Hải (chủ tịch HĐQT Công ty Trái Tim Vàng):
Thay đổi tư duy tích cực
|
Cần thay đổi tư duy lo sợ hội nhập bằng tư duy cơ hội hội nhập. Bản thân mình tư duy tích cực thì hành động mới tích cực. Khả năng làm việc phụ thuộc vào kiến thức nền và thu thập kiến thức bên ngoài.
Một người trẻ nên đi nhiều, đi tất cả các vùng đất mới đều mở ra một chân trời mới về tri thức. Đặc biệt, ra nước ngoài càng nhiều, sự tự tin và vốn hiểu biết sẽ tăng lên.
Nhiều bạn ngại đi vì sợ không đủ tiền. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên tôi đi Thái Lan chỉ với một số tiền ít ỏi không đủ sống một tuần tại Việt Nam.
Tôi vừa làm vừa đi cho đến khi học được thứ mình cần thì tôi quay về tiếp tục bổ sung cho công việc còn thiếu lúc bấy giờ của tôi. Chính lần đi đó, tôi càng khao khát hơn nữa con đường kinh doanh quốc tế.
Để đến nay tôi đã mở được hai học viện thiền và yoga của người Việt đầu tiên tại Ấn Độ, cung cấp huấn luyện viên yoga người Việt ở nhiều nước khác.
Từ chính kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy thiếu tự tin chỉ làm mình tụt hậu và người khác xem thường. Đặc biệt, khi ra nước ngoài, sự tự tin bản thân cộng với lòng tự hào dân tộc đã khiến người bản địa nể phục hơn và chào đón mình dễ dàng hơn.
* Chị Thi Anh Đào (giám đốc điều hành Công ty Emerald): Phải tự xác định các điểm yếu
Hầu hết các lần trao đổi trải nghiệm với sinh viên tôi đều nhận được câu hỏi “em bị gặp khó khăn ở vấn đề ABCD... chị chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua những giới hạn đó như thế nào?”, nhưng khi hỏi chi tiết vấn đề, các bạn không biết được mình vướng ở đâu. Ngoại ngữ có nghe-nói-đọc-viết mà mình không xác định “hổng” ở phần nào, kiến thức chuyên ngành sau bốn năm đại học không biết thiếu ở đâu... thì không ai có thể giúp các bạn. Đặt câu chuyện đó vào bối cảnh kinh tế hội nhập sẽ thấy thị trường lớn hơn, sự cạnh tranh không còn ở góc sinh viên này với sinh viên kia mà lao động nước này với lao động nước khác. Vậy nên, phải xác định mục tiêu từ A đến B thì đầu tiên phải biết A là đâu mới tính được bằng cách nào để đi đến B. Những kiến thức các bạn đang khó khăn chỉ là những bề nổi. Phần cốt lõi để tạo nên sự thành công của mỗi người khác nhau, nằm ở việc thấy được bản thân mình và không ngại thể hiện bản thân mình. Khi ra các nước, bạn dễ dàng nhận thấy hạn chế của giới trẻ Việt là ngại tiếp xúc, không dám thể hiện chính kiến trong các hoạt động nhóm, so với giới trẻ các nước khác. Không cần xét đến hạn chế của hệ thống giáo dục từ gia đình đến trường học, các bạn phải tự làm chủ cuộc đời mình bằng việc thấy được điểm yếu ở đâu để khắc phục. Bạn muốn thành công nhưng không dám từ bỏ thói quen ngủ nướng, được bảo bọc, yêu thương... thì lấy gì để thành công? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận