Trong những bữa cỗ thịnh soạn có mổ lợn, bên cạnh những món ăn cổ truyền, chúng ta thường thấy có một số món ăn còn sống như nem, chạo, tiết canh, và có khi cả những khoanh giò, miếng thịt còn lòng đào, những miếng thịt lợn luộc chưa thật chín.
Lòng, thịt và tiết lợn nấu chưa chín kỹ, nếu con vật khỏe mạnh, chế biến hợp vệ sinh thì không sao, trường hợp không may gặp con lợn mắc bệnh, ta dễ bị lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm. Trong các bệnh của loài lợn truyền cho người, có một bệnh giun đặc biệt nguy hiểm do ăn tiết canh và lòng lợn luộc chưa chín kỹ gây nên: bệnh giun xoắn.
Đây là một bệnh rất nguy hiểm, vượt hẳn ra ngoài giới hạn của các bệnh sán thông thường. Nó cũng là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu, có thể làm người ta nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét...
Nhiều giống vật có thể nhiễm giun xoắn, nhưng chủ yếu vẫn là loài lợn. Giun xoắn (Trichinella spiralis) rất nhỏ, mắt thường không nhìn thấy. Thường con đực chỉ dài 1,4-1,6mm, chiều ngang 40 micromet; giun cái lớn hơn dài 3-4mm, ngang khoảng 60 micromet. Chúng sống chủ yếu trong ruột non. Trong tử cung giun cái chứa những trứng nhỏ li ti. Sau khi giao phối, giun cái đẻ ra ấu trùng. Khi đẻ ra, ấu trùng giun xoắn chỉ dài 90-100 micromet. Chúng theo máu đi khắp cơ thể rồi dừng lại ở các cơ và thành kén trong cơ. Trong kén này (còn gọi là bào nang) có một ấu trùng cuộn tròn lại sống rất dai dẳng.
Người ta mắc bệnh giun xoắn do ăn thịt lợn bị nhiễm giun xoắn chưa nấu chín, nhất là món lòng lợn đun nấu chưa kỹ và món tiết canh vì trong thành ruột non, các hạch ruột non và máu những con vật này rất nhiều giun xoắn và ấu trùng. Đây là một bệnh nặng khó chữa, dễ chết người.
Bệnh có thể chia làm nhiều thời kỳ tương ứng với sự phát triển của giun xoắn trong cơ thể:
Trong thời kỳ đầu (giun xoắn ở ruột) người bệnh bị viêm ruột dữ dội, đại tiện lỏng như đi tả, nôn, đau bụng, sốt cao tới 40-41 độ C. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể chết ngay trong thời kỳ này.
Khoảng một tuần lễ sau, ấu trùng từ niêm mạc ruột non xâm nhập hàng loạt vào máu hoặc hạch bạch huyết. Bệnh nhân vẫn sốt cao, mê mệt, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là hai mí mắt.
Vào giữa tuần lễ thứ ba, ấu trùng bắt đầu thành kén trong các cơ khiến bệnh nhân đau nhiều ở các cơ, cử động bị trở ngại. Bệnh nhân lúc này gầy yếu, cơ thể suy sụp vì không ăn được và do độc tố của giun.
Trong những thể trung bình, bệnh kéo dài 3-4 tuần lễ, có khi 2-3 tháng. Bệnh nhân thường chết vào giữa tuần lễ thứ hai và tuần lễ thứ bảy, ít khi trước hoặc sau thời gian trên (theo Brumpt).
Tỷ lệ tử vong từ 10 đến 30% tùy theo số lượng thức ăn có giun bệnh nhân ăn phải nhiều hay ít. Phần nhiều chết do cơ thể suy nhược cực độ, do những biến chứng phổi hoặc loét da. Trường hợp may mắn khỏi bệnh, người bệnh vẫn còn thấy đau các cơ rất khó chịu trong nhiều tháng sau.
Để phòng bệnh, cần ăn chín uống sôi, không ăn các món ăn tái, sống như: nem chạo, tiết canh, thịt tái...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận