Người con trai nói: "Tôi vẫn mong mẹ sống với vợ chồng tôi, bởi mẹ đã già yếu rồi. Mẹ có giận thì tôi cũng không bao giờ bỏ mẹ, bởi mẹ sinh tôi ra".
TAND TP Đà Nẵng vừa tuyên buộc vợ chồng anh N.N.B. phải ra khỏi căn nhà cấp bốn ở đường An Thượng 5 (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để trả lại ngôi nhà cho mẹ. Sau ngày tòa tuyên án, đêm nào anh B. cũng khóc...
Mẹ chỉ có mình con...
Ngồi bệt giữa căn nhà cũ kỹ, anh B. kể trong nước mắt: "Mẹ tôi chỉ có duy nhất mình tôi. Từ khi sinh ra đến giờ, tôi không biết cha mình là ai. Từ nhỏ, mẹ bươn chải làm ăn nên tôi ở với bà ngoại. Hoàn cảnh nghèo nên vừa hết lớp 2 tôi phải nghỉ học lăn lộn giữa đời kiếm ăn. Tôi làm bất cứ việc gì mà người ta thuê mướn để sống cho đến lúc trưởng thành. Rồi tôi cưới vợ. Vợ tôi vừa nghèo vừa mù chữ".
Theo anh B., trước năm 2010, mẹ anh là bà T. (69 tuổi) không có nhà, phải ở chung với bà ngoại anh. Tháng 6-2010, bà T. góp 370 triệu đồng, vợ chồng anh góp 200 triệu đồng mua lô đất ở phường Mỹ An. Sau đó, anh B. đứng ra ký hợp đồng xây dựng và mua vật liệu hết 150 triệu đồng. Xây nhà xong, anh B. làm thủ tục cho mẹ đứng tên trên sổ.
"Tôi để mẹ đứng tên một mình vì nghĩ tài sản của mẹ cũng là của tôi, vì tôi là con duy nhất. Nếu một mai mẹ có qua đời thì cũng để lại cho tôi nên tôi cứ côi cút làm ăn, không để ý" - anh B. nói.
Đầu năm 2018, không hiểu bị ai tác động mà bà T. yêu cầu gia đình con trai phải ra khỏi nhà. "Nhưng bổn phận làm con, vợ chồng tôi cố nín nhịn vì cứ nghĩ mẹ tuổi già nên chướng, đổi tính. Sau đó, có người làm hộ đơn cho mẹ gởi đi nhiều nơi cho rằng tôi lừa đảo chiếm nhà và có hành vi ngược đãi đuổi mẹ ra khỏi nhà. Cơ quan chức năng đến xác minh và kết luận việc tố cáo đó là sai sự thật" - anh B. tấm tức khóc.
Cũng thời gian này, anh B. đột ngột mắc căn bệnh hiểm nghèo, sút cân tiều tụy, da dẻ vàng vọt. Bác sĩ bảo anh bệnh gan rất nặng. Cùng lúc với nỗi buồn bệnh tật, anh B. bất ngờ nhận được giấy triệu tập của tòa mà người kiện lại chính là mẹ mình.
Đừng để vật chất làm mất tình máu mủ
Anh B. nói khi vợ chồng anh dọn về ở chung với mẹ được một thời gian thì mẹ con lục đục, tổ dân phố đã nhiều lần hòa giải.
"Lúc đó, tôi tha thiết nói với mẹ nếu vợ chồng tôi có gì sai thì mong mẹ tha thứ bỏ qua. Tôi cũng không muốn để mọi người nhìn thấy cảnh mẹ con kiện tụng đòi nhà, nhưng mẹ vẫn khăng khăng không chịu. Nghĩa mẹ con thì tôi không bao giờ dứt bỏ được. Nhưng giá như lúc này tôi không có vợ con gì thì sẵn sàng khăn gói ra đi, chứ giờ vợ con nheo nhóc mà dọn ra ngoài thì khốn khổ lắm" - anh B. tâm sự.
Từ ngày phát hiện bị bệnh gan, dáng người anh vốn đã ốm yếu nay gầy tong teo. Đứng nép mình bên hành lang trụ sở tòa án trước khi vào phiên xử, anh B. nói như muốn khóc: "Cả tháng nay không đêm nào ngủ được. Từ ngày tôi ngã bệnh, bao nhiêu tiền bạc tích cóp đã đổ hết vào việc chạy chữa thuốc thang. Hai năm nay tôi đau ốm nên chả ai thuê làm vì không đủ sức khỏe. Vợ tôi chạy ngược xuôi tối mặt làm osin thời vụ cũng không lo đủ cơm cháo cho cả nhà".
Phiên tòa chuẩn bị bước vào giờ xử thì bà T. xuất hiện. Anh B. muốn bước đến thật gần mẹ để nói một điều gì đó nhưng không dám. "Tôi vẫn muốn nói với mẹ rằng phận làm con nếu có điều gì làm trái ý thì mong mẹ tha thứ bỏ qua. Tôi vẫn mong mẹ về sống với vợ chồng tôi, vì mẹ tuổi cũng đã già yếu rồi. Mẹ có giận tôi điều gì chăng nữa thì tôi cũng không bao giờ bỏ mẹ, bởi mẹ sinh tôi ra. Tôi là đứa con duy nhất của mẹ, mai này mẹ nằm xuống không lẽ tôi đứng nhìn".
Đứng trước tòa, chị H. - vợ anh B. - nói với mẹ chồng: "Đến giờ phút này, con vẫn xin mẹ thấu hiểu tình cảnh của vợ chồng con. Con mong mẹ tha lỗi nếu vợ chồng con có làm điều gì mà mẹ không hài lòng. Mẹ hãy nói hết cho nhẹ lòng và để chúng con biết đường sửa sai". Nhưng bà T. dứt khoát: "Giờ thì đã muộn màng rồi. Tôi đề nghị tòa yêu cầu vợ chồng B. dọn ra khỏi nhà".
Tại phiên tòa, bà T. nói rằng căn nhà do bà bỏ tiền ra mua đất, đứng tên quyền sở hữu. Giờ bà muốn con trai phải ra khỏi nhà, trả lại căn nhà cho bà ở.
HĐXX nhận định toàn bộ quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nộp thuế đều đứng tên bà T.. Mặc dù vợ chồng anh B. cho rằng nguồn gốc thửa đất là do vợ chồng anh góp vốn cùng mua, nhưng anh không xuất trình được bất cứ chứng cứ gì để chứng minh. Như vậy, quyền sở hữu nhà đất này thuộc về bà T., nên tòa tuyên buộc vợ chồng anh B. phải dọn ra khỏi căn nhà để trả nhà đất cho mẹ. Còn bà T. có trách nhiệm hỗ trợ anh B. 146 triệu đồng.
Tòa tuyên xong, mẹ con tỏa hai hướng ra về. Nhìn dáng đi xiêu vẹo của người mẹ già và đứa con trai bệnh tật quắt queo dần bước xa nhau ra phía cổng tòa, tôi thấy chất chứa một câu chuyện buồn về tình nghĩa gia đình, đạo lý ở đời. Ông bà ta có câu "muốn sang thì phải bắc cầu, muốn ăn quả ngọt bảo nhau vun trồng". Qua câu chuyện mẹ con và căn nhà, thật buồn cho người mẹ đơn thân một đời lam lũ.
Cũng chỉ vì ăn ở không phải lòng nhau, tài sản của mẹ con không rõ ràng mà dẫn đến tranh chấp rồi đưa nhau ra tòa. Tôi chỉ ước mong sao người mẹ vẫn bảo bọc con như ngày xưa, còn người con vẫn hiếu thảo, không toan tính như lúc xây nhà cùng mẹ.
Người xưa nói "sống cái nhà, già cái mồ", vậy mà tình mẫu tử có nguy cơ chia lìa ở chính ngôi nhà của họ. Cái giá phải trả quá đắt, khi người mẹ già và đứa con trai duy nhất đang mang trọng bệnh chia lìa nhau vì căn nhà.
Cái đọng lại là tình chứ không phải vật chất. Mong sao mẹ con bà T. đừng để vật chất ngoài thân làm mất đi tình máu mủ ruột thịt...
Theo luật sư Trần Xuân Vinh, việc góp vốn trong gia đình để cùng mua tài sản thì không thể có chứng từ gì để thể hiện vì lúc đó gia đình êm ấm thuận hòa, hơn nữa lại là mẹ con ruột với nhau. Việc bà T. đứng tên quyền sở hữu tài sản vì anh B. nghĩ rằng mẹ chỉ có mình anh là con trai duy nhất có thể là sự thật. Vì vậy, tòa án nên cân nhắc nhiều mặt để có phán quyết hợp lý nhất, tránh thiệt thòi cho anh B..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận