Diễn viên Thu Quỳnh - Ảnh: GIA TIẾN
Thu Quỳnh gây ấn tượng với vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (vở đoạt huy chương vàng Liên hoan kịch nói toàn quốc tháng 4-2018 tại TP.HCM, Thu Quỳnh cũng đoạt huy chương vàng cá nhân với vai chính).
Vở này cùng với vở Ai là thủ phạm? của Lưu Quang Vũ và chương trình Đời cười được Nhà hát Tuổi Trẻ phục vụ công chúng thành phố từ ngày 13 đến 21-12.
Với đông đảo khán giả truyền hình, Quỳnh là gương mặt quen thuộc với những bộ phim chất lượng trên sóng VTV. Ở lĩnh vực kịch nói, cô gái trẻ ấy đã có gần 10 năm làm nghề và là gương mặt triển vọng của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Thu Quỳnh trong vở 'Hoa cúc xanh trên đầm lầy' - Video: GIA TIẾN
Sân khấu là môi trường rèn nghề cực tốt
* Từ bao giờ Thu Quỳnh ý thức mình yêu nghệ thuật?
- Mẹ tôi là nghệ sĩ Cao Nga của Đoàn kịch nói Quân đội, bố tôi từng là diễn viên múa. Vì vậy, từ nhỏ tôi được sống trong ánh đèn sân khấu, xem mãi mà tôi yêu sân khấu lúc nào không biết.
Đến khi tốt nghiệp trung học, tôi chọn duy nhất khoa diễn viên sân khấu - điện ảnh của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội để thi.
Khoảng đầu năm hai, cô Lê Khanh về trường chọn sinh viên tham gia lớp tốt nghiệp đạo diễn của cô và tôi may mắn được cô giao cho một vai thứ. Đến năm thứ ba, tôi đã về cộng tác với Nhà hát Tuổi Trẻ.
Trailer phim Quỳnh búp bê
* Có cha mẹ làm trong nghề, lại sớm có cơ hội tham gia một đoàn kịch chuyên nghiệp, khởi đầu của bạn có vẻ quá thuận lợi?
- Ôi, không đơn giản như thế đâu. Thời gian đầu tôi cũng phải đối diện với khủng hoảng. Kinh nghiệm còn non nên sự thay đổi giữa môi trường học và môi trường làm nghề khiến tôi lúng túng.
Thời đấy khoảng đầu năm 2011, mỗi tuần nhà hát thường có hai suất diễn vào thứ bảy, chủ nhật, bọn diễn viên trẻ như tôi được giao phát tờ rơi trước mỗi buổi diễn, đón khách vào xem rồi đóng một vai quần chúng, mỗi suất được lãnh 90.000 đồng và chưa có lương. Cứ như thế, tôi đâm tâm tư và đã có lúc định bỏ nghề.
Nhưng rõ khổ vì mình trót yêu ánh đèn, yêu sân khấu nên mới nghỉ một tuần ở nhà mà tôi đã nhớ, đã khóc hết nước mắt. Thấy thế, bố kêu tôi lại và nói: "Khi sinh con ra, để bảo đảm kinh tế gia đình nên bố đã rời xa nghiệp múa chuyển sang kinh doanh.
10 năm theo nghề dù kinh tế là số 0, đối với bố đó là 10 năm hạnh phúc mà không tiền bạc nào có thể mua được. Con bây giờ may mắn hơn bố là biết được đam mê của mình và đang theo đuổi đam mê đó. Đó chính là hạnh phúc, muốn đạt được hạnh phúc con phải gạt bỏ tất cả trở ngại, cố gắng vượt qua để sau này không hối tiếc". Nghe bố khuyên thế, tôi đứng lên và tiếp tục.
Qua từng vai diễn, tôi thấy mình trưởng thành hơn. Cũng may tôi lại nhận được những lời mời từ phim ảnh, làm MC... Từ từ, tôi cân bằng được cuộc sống và đến nay có thể tự tin nói mình có thể sống được với nghề.
* Môi trường lao động nghệ thuật ở sân khấu rất vất vả và thu nhập không cao, điều gì đã níu kéo bạn ở lại?
- Sân khấu với tôi là môi trường rèn nghề cực tốt, giúp cho tôi có tiếng nói sân khấu tốt, hiểu và đo lường được khán giả, giúp tôi nhạy bén và xử lý được nhiều tình huống. Việc khóc cười với một nhân vật suốt hơn hai giờ của một vở diễn khiến tôi vững vàng hơn trong việc duy trì tâm lý nhân vật, đào sâu tâm lý nhân vật.
Vì vậy, khi bước sang phim ảnh, làm MC tôi không gặp nhiều khó khăn. Và trên hết, đó là đam mê nên đâu dễ rời xa ánh đèn sân khấu.
Thu Quỳnh đoạt huy chương vàng cá nhân với vai Liên trong vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy - Ảnh: GIA TIẾN
Khán giả từng dọa đánh My sói
* Mỗi đợt vào TP.HCM, bạn có đi xem kịch ở các sân khấu TP.HCM?
- Lần nào tôi cũng đi xem. Tôi từng có cơ hội làm việc với anh Đình Toàn của sân khấu Idecaf, khi anh ra Hà Nội dựng lại vở kịch thiếu nhi Hoàng tử gấu và hạt đậu thần cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Tôi đóng vai Công chúa lớn của chị Mỹ Duyên. Ban đầu đạo diễn có đưa đĩa cho xem trước, nhưng tôi không dám xem vì sợ bị ảnh hưởng.
Sau khi tập xong, tôi mới bật xem lại rút kinh nghiệm và... nổi da gà vì thấy các anh chị quá giỏi, từ anh Thành Lộc đến chị Lê Khánh liên tục hát, nhảy múa, bày ra không biết bao nhiêu trò thu hút khán giả nhí. Có thể nói năng lượng tích cực của những nghệ sĩ đã lan tỏa mạnh mẽ đến người xem khiến buổi diễn thật sinh động, cuốn hút.
Là nghệ sĩ, tôi cũng mong muốn mình có nhiều năng lượng tích cực như thế để lan truyền đến khán giả. Mới đây, nhà hát chúng tôi biểu diễn vở Cậu Vania, có thể nói diễn xong vở, buông ra, ai nấy đều thở không ra hơi.
Mệt lắm nhưng vui và hạnh phúc vì thấy bên dưới khán giả xem chăm chú, suốt hai giờ không một ánh đèn điện thoại sáng lên, khán giả đã quên mất điện thoại để cộng hưởng cùng nghệ sĩ, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.
Thu Quỳnh và Thanh Sơn trong vở 'Hoa cúc xanh trên đầm lầy' - Video: GIA TIẾN
* Trở lại với My Sói - vai diễn gây chú ý của Thu Quỳnh trong bộ phim "Quỳnh búp bê" gây sốt gần đây, Quỳnh nhận phản ứng như thế nào từ khán giả?
- Ba nhân vật nữ của phim, nếu Quỳnh búp bê có màu sắc nội tâm, sâu lắng; Lan có sự đau khổ, giày vò thì cay nghiệt, thủ đoạn, thậm chí độc ác đều dồn vào My Sói.
Vì vậy, trong quá trình phát sóng bộ phim, đã có những khán giả ghét tới mức dọa đánh, đốt nhà tôi khiến đạo diễn phải gọi điện thoại hỏi: Cháu có ổn không? Tuy nhiên, đó chỉ là bộ phận nhỏ và họ chỉ ghét My Sói, chứ không phải Thu Quỳnh (cười)!
* Bạn từng làm quen với dạng nhân vật này?
- Tôi chưa từng được thể hiện dạng nhân vật này trên phim ảnh lẫn sân khấu. Vì vậy, khi được mời tôi nhận luôn mà không đắn đo, vì đây là cơ hội tốt để mình khai thác đa dạng khả năng.
Trong quá trình làm phim, cũng có lúc tôi hoang mang lắm vì không biết xây dựng nhân vật như thế nào. Tôi ý thức được nhân vật quá ác, một chiều, không có nốt trầm nào cả. Có thể người ta sẽ không chấp nhận được và đặt câu hỏi tại sao cô ấy lại cay nghiệt như thế?
Thế rồi tôi đọc kỹ kịch bản và khai thác những chi tiết liên quan đến tình yêu, gia đình để nhân vật có cơ hội bộc lộ nội tâm. Có khi chỉ hai, ba câu thoại nhỏ chỗ này chỗ kia, mình đọc và ghi nhớ lúc diễn phải nhấn như thế nào để nhân vật sâu sắc hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận