Cần giữ Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổGìn giữ giá trị văn hóa còn sót lại
Phóng to |
Phòng đọc sách của Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ (nay là Thư viện Khoa học xã hội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ trước tiên là một thiết chế khoa học văn hóa xuất hiện ở VN hầu như lần đầu tiên nửa sau thế kỷ 19. Về phương diện kiến trúc là một loại hình kiến trúc văn hóa công cộng, cũng là một trong những công trình đặc trưng của thời kỳ hội nhập về văn hóa và khoa học của nước Việt với phương Tây.
Kho sách có giá trị vô song
Công trình này xuất hiện với sự mới mẻ, cũng chưa từng có ở nước ta y hệt như các công trình biểu diễn như nhà hát lớn ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng; cũng như các viện Pasteur ở Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn; các thư viện, hòa nhạc thính phòng, rạp chiếu bóng, bảo tàng... Đó là những thiết chế văn hóa công cộng, thiết chế văn hóa khoa học chuyên ngành mà trước đây ở VN hầu như chưa có.
Sự hiện diện hệ thống những công trình như thế dù to dù nhỏ, dù ở dạng ban đầu, song chúng chứng tỏ từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở nước ta đã hình thành cả một hệ thống thiết chế khoa học văn hóa công ích khá hoàn chỉnh. Hệ thống này vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là đời sống văn hóa và khoa học tại VN ngay thời đại hôm nay.
"Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ là niềm tự hào về tinh hoa, trầm tích, là điểm sáng về văn hóa, khoa học, về sự hội nhập của VN ở thời kỳ cận đại. Thủ đô không thể không giữ" |
Chúng ta đã kỷ niệm 100 năm Nhà hát lớn Hà Nội một cách rầm rộ với đầy đủ sự nhận thức ý nghĩa như vậy, thì vì sao chúng ta lại không giữ lại tòa nhà thư viện và kho sách có giá trị vô song của Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ ở Hà Nội - một thiết chế văn hóa, khoa học quan trọng không kém phần?
Cho đến ngày nay chúng ta còn thấy thiếu sự nhận thức về vai trò quan trọng của tư liệu khoa học đối với rất nhiều nghiên cứu của chúng ta: rất nhiều nghiên cứu dựa trên những kiến thức cập nhật phần ngọn mà thiếu phần sâu xa của sự tích lũy, của tầng tầng lớp lớp tri thức, dữ liệu, dữ kiện, của những gì tưởng chừng thuộc về dĩ vãng. Những kho tư liệu như của Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ là sự tích tụ trí thức, là nền tảng cơ bản cho phát triển khoa học, cho những khám phá.
“Không thể không giữ”
Tôi đặc biệt lưu ý đến hai vốn liếng vô cùng quý ở Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ mà phần lớn cộng đồng, ngay cả trí thức trẻ, cũng ít biết đến. Đó là hàng vạn bản dập văn bia của các thời lịch sử VN đã được tổ chức dập từ cả trăm năm trước, trong đó có việc dập bia nơi phát tích nhà Lê ở Lam Sơn. Rất nhiều bia cổ trong số đó đã bị đưa đi nung vôi, bị đập phá, thất lạc, dùng làm cầu ao, kê đường... và hàng vạn phim âm bản bằng kính gồm cả nghìn bản chụp di sản văn hóa kiến trúc Chăm thực hiện giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tiếc là những phim đó đã bị hư hỏng do chúng ta thiếu điều kiện bảo quản trong những năm chiến tranh.
Ngoài ra là sự tập hợp vô cùng nhiều sách vở của phương Tây, của người Pháp cùng các giai đoạn tích lũy của chúng ta.
Một thư viện vô cùng quý báu như thế không phải nơi đâu cũng có. Ở những thành phố lịch sử, đặc biệt như thủ đô Hà Nội, lẽ ra phải xem những thiết chế khoa học văn hóa sớm sủa như Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ là niềm tự hào về tinh hoa, trầm tích, là điểm sáng về văn hóa, khoa học, về sự hội nhập của VN ở thời kỳ cận đại. Thủ đô không thể không giữ. Cố nhiên ở đây chỉ có thể giữ kho sách, tư liệu quý báu của Học viện Viễn Đông bác cổ trong chính ngôi nhà cổ kính này. Và ngôi nhà cũng cần phải được trùng tu, nâng cấp để tạo điều kiện tốt nhất cho những độc giả, những nhà nghiên cứu, những anh em sinh viên đến, trong một bầu không khí không thể có được ở những thư viện mới.
Mọi người đến đây không chỉ vùi đầu vào mò mẫm khám phá kho tri thức không thôi, mà còn trong một niềm tự hào về các thế hệ tiền nhân đã tạo lập và tích lũy nối tiếp.
“Chuyển đi nơi khác, nó sẽ lạc lõng”
Tôi vẫn nghĩ cùng với việc trùng tu nâng cấp thì phải lập những bia đá hoặc biển đồng vinh danh những học giả người Pháp cũng như người Việt từng tạo lập, nghiên cứu, làm việc ở đấy. Tôi còn nhớ trong những năm chiến tranh, Bộ trưởng - nhà khoa học, nhà thông thái Tạ Quang Bửu hễ có dịp rảnh rỗi là đến thư viện này ngồi đọc sách...
Nếu ghi lại những điều đó cũng là một niềm tự hào về một thiết chế văn hóa khoa học có tuổi tác, rất hiếm hoi...
Vì nhiều lý do như thế nên nhất thiết phải hiểu cho được giá trị và bênh vực cho được thiết chế văn hóa, khoa học, kiến trúc Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ, để thiết chế văn hóa này tiếp tục cuộc sống vĩnh cửu của nó. Nếu chuyển đi chỗ khác, dù có hiện đại bao nhiêu đi nữa, chắc chắn nó sẽ bị lạc lõng. Và biết đâu chừng người ta sẽ ít lai vãng đến đó!
Trong khi ở đây có thể giữ được cả ngôi nhà, cả không gian kỷ niệm, cả địa điểm đáng nhớ, đồng thời giữ lại được cả sưu tập vô cùng quý giá ngay tại nơi chúng gắn bó từ thuở khai sinh và những truyền thống làm khoa học theo lối hàn lâm.
Nếu giữ Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ thì xã hội hết sức có lợi, đồng thời đây là một cử chỉ văn hóa xứng đáng với một công trình văn hóa lâu đời!...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận