Phóng to |
Một góc Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ (nay là Thư viện Khoa học xã hội) -Ảnh: Nguyễn Khánh |
* PGS.TS Nguyễn Văn Huy (ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, con trai cố GS Nguyễn Văn Huyên - giám đốc người Việt đầu tiên của Học viện Viễn Đông bác cổ):
Cần tổng kiểm kê việc sử dụng các tòa biệt thự cổ ở Hà Nội
"Chúng ta đã để xuống cấp, đã để bị mất đi quá nhiều công trình đẹp đẽ do không ý thức được giá trị vô giá của nó" PGS.TS NGUYỄN VĂN HUY |
Cá nhân tôi cho rằng tất cả đều là “sự đã rồi”: tư liệu, sách ảnh đã được chuyển đi, đã thuộc về quản lý và sở hữu của các cơ quan khác. Muốn giữ lại nguyên trạng cũng là bất khả. Tôi có hỏi bên Viện Khoa học xã hội VN (Viện Lớn) thì được anh Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc viện - trả lời là chưa có kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng phần diện tích mà thư viện vừa dọn đi này. Giám đốc cam kết chắc chắn sẽ không có chuyện phá tòa nhà cũ đi để xây công trình hiện đại lên trên.
Nhưng một vấn đề rộng hơn, lâu dài hơn mà tôi muốn nói nhân vụ việc này: đó là cần có một cuộc tổng kiểm kê và có quy hoạch chi tiết về việc sử dụng các tòa biệt thự cổ có kiến trúc thuộc địa ở Hà Nội. Đó chính là một trong những di sản văn hóa - kiến trúc lớn nhất của thành phố này (cùng với những giá trị lịch sử ngàn năm mà cha ông để lại). Chúng ta đã để xuống cấp, đã để bị mất đi quá nhiều công trình đẹp đẽ do không ý thức được giá trị vô giá của nó, mà chỉ đong đếm bằng vàng, đôla thời sốt đất sốt “nhà mặt phố”.
Vừa rồi, công luận cũng lên tiếng về việc Bộ GTVT đổi tòa nhà trụ sở đẹp tuyệt vời ở phố Trần Hưng Đạo cho một công ty để lấy tiền xây dựng trụ sở mới, hiện đại. Tôi biết ý tưởng của chúng tôi nêu ra sẽ khiến nhiều nhà kinh tế ngồi... cười, nhưng hầu hết các thành viên trong Hội đồng di sản quốc gia đều mong muốn những tòa biệt thự Pháp cổ như vậy được chuyển đổi mục đích sử dụng thành... bảo tàng. T
òa nhà trụ sở Bộ GTVT có thể thành bảo tàng hỏa xa hay bảo tàng giao thông, với những quy hoạch khoa học về trình bày hiện vật từ tàu, xe, thuyền, bè... của nguời Việt qua các thời kỳ phát triển. Đừng chỉ nhìn vào giá trị nhất thời của nhà đất, bất động sản, hãy nhìn xa hơn, vì con cháu. Các nước phát triển ở châu Âu cũng đã dời trụ sở làm việc của các cơ quan chính quyền ra ngoại ô từ lâu, nhưng là để chuyển đổi công năng sử dụng của các tòa nhà có kiến trúc đẹp đẽ, cổ kính trong nội đô thành các thiết chế văn hóa: bảo tàng, nhà hát, nhà lưu niệm, câu lạc bộ... Những thiết chế đó về lâu dài cũng sẽ đẻ ra tiền, mà là đồng tiền bền vững.
Một minh chứng sống động cho xu hướng chuyển đổi công năng trong các trụ sở cơ quan nhà nuớc là một phần của trụ sở Ngân hàng Nhà nước (nguyên là trụ sở Nhà băng Đông Dương - một kiến trúc nhà băng tiêu biểu thế kỷ 19) hiện đã được dùng để làm một phòng trưng bày tiền tệ VN. Trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước sẽ có trụ sở mới và sẽ dành toàn bộ tòa nhà có kiến trúc đẹp, có lịch sử lâu đời này để làm bảo tàng chuyên về tiền tệ. Các chuyên gia chúng tôi bày tỏ sự khâm phục và cảm kích với tầm nhìn và cách ứng xử của những người lãnh đạo cơ quan này.
* Nhà sử học Dương Trung Quốc (phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN):
Giữ lại không gian lưu dấu những kỷ niệm về một “lâu đài” khoa học
"Bài học quan trọng nhất là cảnh báo để những sai lầm tương tự như việc chuyển đổi chủ sở hữu và mục đích sử dụng của Thư viện Viễn Đông bác cổ đừng lặp lại với các di tích văn hóa khác trên khắp đất nước" Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC |
Hiện nay chủ quyền của Viện Khoa học xã hội với khu đất và tòa nhà này không còn nguyên vẹn nữa, nên chúng ta cũng khó mà bàn đến việc phải lưu giữ và phục hồi nguyên trạng kiến trúc cũng như chức năng vốn có của tòa nhà này.
Mặt khác, kho thư tịch Hán Nôm của Thư viện Viễn Đông bác cổ đã chuyển giao cho Viện Hán Nôm lưu giữ, kho ảnh cũng đã chuyển về trụ sở mới của Trung tâm thông tin Khoa học xã hội ở Liễu Giai... Thực chất, tại khu 26 Lý Thường Kiệt này hầu như không còn gì để có thể lưu giữ hay phục hồi nguyên trạng.
Điều mà các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử và công luận có thể làm một cách thiết thực và hữu ích để cứu vãn phần nào thực trạng của tòa nhà mang nhiều dấu ấn lịch sử này là: kiến nghị để không cho phép phá tòa nhà cũ cho dù chủ sở hữu mới là ai. Vì bản thân tòa nhà đã là một di tích kiến trúc - lịch sử - văn hóa, và trong khu phố Pháp, chỉ cách hồ Gươm không đầy 300m thì không thể có thêm một công trình cao tầng.
Tiếp đó là kiến nghị chủ sở hữu mới để lại một không gian nhỏ làm một khu lưu giữ những dấu ấn, kỷ niệm về một “lâu đài” khoa học đầu tiên của giới khoa học xã hội VN: dựng tượng các nhà khoa học Pháp có nhiều đóng góp với khoa học VN, các nhà khoa học VN như Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên...; trưng bày những hình ảnh tư liệu quý về những năm hoạt động đầu tiên của Học viện Viễn Đông bác cổ...
Sau nữa, bài học quan trọng nhất là cảnh báo để những sai lầm tương tự như việc chuyển đổi chủ sở hữu và mục đích sử dụng của Thư viện Viễn Đông bác cổ đừng lặp lại với các di tích văn hóa khác trên khắp đất nước. Hội Khoa học lịch sử VN sẽ lên tiếng chính thức về vấn đề này. Tôi được biết Hội Di sản, Hội Hán Nôm cũng sẵn sàng lên tiếng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận