24/03/2015 08:51 GMT+7

​Tự hào với giọt mồ hôi nhỏ bé

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Năm năm trước, khi ấy mới 30 tuổi, Lê Duy Bình đã là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo thuốc phóng 12/7 dùng cho đạn pháo 122-Đ30.

Đại úy Lê Duy Bình làm việc trong phòng thí nghiệm - Ảnh: My Lăng

Đồng thời, Lê Duy Bình (phụ trách phòng công nghệ tổng hợp hóa chất đặc chủng của Viện Thuốc phóng thuốc nổ) cũng tham gia nghiên cứu chế tạo thỏi thuốc mồi cho động cơ hành trình tên lửa R13M.

Những đề tài này thuộc dạng bí mật trong chế tạo vũ khí quân sự của các quốc gia nên công nghệ này không bao giờ được chuyển giao trong các giao dịch vũ khí quân sự.

“Chiến đấu” với mác thuốc phóng 12/7

Tháng 3-2010, Lê Duy Bình được chọn giao làm chủ nhiệm đề tài chế tạo mác thuốc phóng 12/7 dùng cho đạn pháo 122-Đ30. Khi đó Lê Duy Bình mới 30 tuổi, rất trẻ để có thể đảm đương vai trò của một “tổng công trình sư” tầm cỡ Bộ Quốc phòng.

“Cậu ấy là một trong những người xuất sắc nhất của khóa cao học Học viện Kỹ thuật quân sự với điểm 9,4 cho đề tài cao học. Cơ hội này cũng là một thử thách để thể hiện bản lĩnh của một người trẻ” - PGS.TS Ngô Văn Giao (phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Bộ Quốc phòng) nói.

Ông cũng cho biết thêm: “Thường thì tất cả phần thuốc phóng của nước ngoài không chuyển giao vì đây là bí mật quốc gia.

Chúng ta đã tự sản xuất được phần lớn mác thuốc phóng cho đạn dược nhưng chưa làm chủ hoàn toàn những mác thuốc phóng còn lại nên phải nhập một vài mác thuốc phóng còn thiếu. Các đối tác nước ngoài đều đòi giá rất cao, có những mác thuốc phóng lên đến cả triệu USD”.

Không có tài liệu nào nói về tỉ lệ hóa học của các thành phần trong thuốc phóng dùng cho đạn pháo 122-Đ30.

Vì vậy kỹ sư Lê Duy Bình cùng nhóm nghiên cứu mất một tháng trời lặn lội tới các kho đạn dược của Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng) khảo sát, xin mẫu về phân tích.

Nhóm nghiên cứu “giam” mình trong phòng thí nghiệm từ ngày này qua ngày khác để khảo sát các nguyên liệu sẵn có trong nước để tìm ra nguyên liệu ban đầu thích hợp chế tạo thuốc phóng 12/7.

Sau hơn mười tháng miệt mài làm việc bất kể ngày đêm, nhóm đã tìm ra được nguyên liệu ban đầu, tính toán thiết kế đơn thành phần cho thuốc phóng 12/7.

“Làm trong môi trường thuốc phóng thuốc nổ sống chết lúc nào không biết. Bình cũng như các đồng nghiệp phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, có thể hi sinh nếu gặp rủi ro.

Chúng tôi luôn nhắc phải đảm bảo an toàn lên hàng đầu. Trang thiết bị chưa phải là tốt nhất, lương chưa phải là cao nhưng Bình cũng như các cán bộ trẻ của chúng tôi được đào tạo rất bài bản, yêu nghề, bản lĩnh, làm việc rất có tâm.

Bình có mặt trong phòng thí nghiệm đến 8 - 9g tối. Thứ bảy, chủ nhật làm tới khuya, lên nhà máy làm ngoài giờ đến khi đường vắng mới về là chuyện bình thường” - PGS.TS Ngô Văn Giao kể.

Tháng 8-2011, một lượng thuốc phóng 12/7 đã được chế thử. Sau vài lần chế thử đều cho kết quả tốt, các tính năng kỹ chiến thuật tương đương với của nước ngoài.

Các chế độ công nghệ đã xác lập hoàn toàn tương thích với dây chuyền sản xuất hiện có.

Nhóm tác giả cũng xây dựng xong bộ tài liệu quy trình công nghệ, điều kiện kỹ thuật chế tạo thuốc phóng 12/7 trên dây chuyền công nghiệp tại một nhà máy của Bộ Quốc phòng.

Từ triệu USD còn vài trăm triệu VND

Tốt nghiệp năm 2006 thì đầu năm 2009, Bình được tin tưởng giao làm chủ nhiệm một đề tài cấp viện. Ngay sau khi hoàn thành xuất sắc đề tài này, Viện Thuốc phóng thuốc nổ giao tiếp cho anh làm “tổng công trình sư” đề tài chế tạo thuốc phóng 12/7.

Trong khi đề tài này sắp thành công thì đơn vị lại tiếp tục giao cho anh chủ trì đề tài tiếp theo và hiện nay Bình đã hoàn thành xuất sắc đề tài này.

“Những kỹ sư như Bình đã làm chúng tôi ngày càng tự tin hơn khi giao những đề tài quan trọng cho người trẻ. Đề tài nào do Bình làm chủ nhiệm cũng được cho triển khai sản xuất công nghiệp phục vụ quốc phòng và an ninh” - PGS.TS Ngô Văn Giao cho biết.

Tháng 6-2012, Viện Thuốc phóng thuốc nổ đã được đề nghị chuyển giao công nghệ để sản xuất loạt thuốc phóng 12/7 vào năm 2013.

“Việc nghiên cứu chế tạo thành công mác thuốc phóng 12/7 tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước so với nhập khẩu. Một mác thuốc phóng chuyển giao ít nhất phải mất 1 triệu USD trong khi kinh phí thực hiện đề tài chỉ vài trăm triệu đồng!” - PGS.TS Ngô Văn Giao khẳng định.

“Thú thật lúc đầu tôi thấy lo vì tài liệu ít và mình còn trẻ quá - anh Bình chia sẻ - Đôi lúc tôi cũng thấy mệt mỏi, nhất là giai đoạn tạo mẫu trong phòng thí nghiệm. Để tạo được một mẫu thuốc phóng 12/7 cần ít nhất 5-7 ngày.

Thời gian tạo mẫu kéo dài triền miên, có hôm anh em trong nhóm nghiên cứu phải thay nhau thức thâu đêm để trông coi mẫu (nếu lơ là sẽ gây mất an toàn, chẳng hạn như ở công đoạn sấy chỉ cần nhiệt độ sấy tăng đột ngột hay sấy quá thời gian sẽ dẫn đến cháy nổ).

Tôi không bao giờ nghĩ đến giờ hành chính vì chỉ có 8 tiếng đồng hồ, không đáp ứng được tiến độ công việc, không có chuyện đang làm bỏ về chỉ vì đã hết giờ làm việc. Như thế ngày mai vào phải tư duy lại”.

Chưa hết, “khi tổng hợp thuốc nổ, nếu phân tâm là nguy hiểm ngay. Làm vũ khí đạn dược nếu rút kinh nghiệm là cho những người đi sau chứ không phải cho mình” - Bình tâm sự về nghề của mình.

“Nhưng phải làm mới có kinh nghiệm - Lê Duy Bình khẳng định - Với tôi, đề tài nào cũng có thú vị riêng. Tôi thấy tự hào vì một số vũ khí, đạn trong trang bị quân sự của đất nước có mồ hôi của mình”. 

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên