21/05/2011 21:20 GMT+7

Từ chuyện "mẹ Hổ", đi tìm cách dạy con trẻ Việt

  Thạc sĩ tâm lý LÊ THỊ LINH TRANG
  Thạc sĩ tâm lý LÊ THỊ LINH TRANG

TTO - Những tranh luận trái chiều xoay quanh câu chuyện về dạy con kiểu "mẹ Hổ" Amy Chua trong những ngày gần đây phần nào phản ánh thực trạng người ta đang quan tâm nhiều đến phương pháp giáo dục con cái của cha mẹ. Nói rộng hơn, đo là sự quan tâm đến việc đào tạo con người từ góc độ gia đình.

qriuFa7L.jpgPhóng to

Bà Amy Chua cùng hai con gái: Sophia (đang chơi đàn piano) và Lulu (chơi đàn violin) - Ảnh: blogspot.com

Tuy nhiên, nhiều người hoang mang không biết nên dạy con theo kiểu nào đây vì có quá nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí có những ý kiến trái ngược nhau, người thì cực lực lên án, phản đối "mẹ Hổ" tối đa, người lại ủng hộ hết mình và cố gắng noi theo...

Vậy dạy con kiểu Tây hay kiểu Trung Hoa thì phù hợp với người Việt? Có lẽ tốt nhất là cố gắng tìm ra "kiểu Việt Nam" để phù hợp với con cái chúng ta!

Những kiểu dạy con “made in Việt Nam” đáng suy ngẫm

1. Ngay trước cổng trường tiểu học K.Đ. (Q.3, TP.HCM) vào giờ tan trường, hai vợ chồng chạy xe SH đến đón con. Đứa con trai học lớp 3 chạy ra. Đáp lại lời thưa của trẻ: “Thưa ba mẹ …” là 1 tràng tiếng Anh từ người mẹ.

Đứa bé ấp úng: “Nhưng mà mẹ ơi…” thì lại nghe tiếp những câu tiếng Anh của mẹ cùng với gương mặt phùng mang trợn mắt. Sau vài câu qua lại, mẹ hết kiên nhẫn quát to bằng tiếng Việt: “Mẹ đã dặn Tony nhiều lần rồi, nói chuyện tiếng Việt hoài làm sao khá tiếng Anh? Lần sau còn vậy nữa là mẹ cho ăn đòn đó ngen!”.

Dạy con theo kiểu nào: Đông hay Tây?Cha mẹ "siết", con muốn "đào tẩu"?Tôi "bung" quyết liệt vì ba mẹ hà khắc

2. Tổng kết học kỳ 2 ở trường N.Đ.C. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cô giáo báo cáo: "Lớp 1/2 có 1 em bị lưu ban vì sức học rất kém và hạnh kiểm cũng kém, thường xuyên đánh bạn và ăn cắp vặt trong lớp".

Nhiều phụ huynh thắc mắc, sao nhà trường không phối hợp với cha mẹ em ấy từ đầu để điều chỉnh, để đến kết quả này thì tội nghiệp cháu quá.

Cô giáo chia sẻ: đã từng gửi thư mời nhiều lần mà phụ huynh không đến gặp, gọi điện thoại nhà thì không ai bắt máy, gọi điện thoại di động khi thấy số cô giáo thì tắt luôn, nhưng ngay sau đó cô dùng số máy lạ gọi vào thì nghe a lô, và đến khi nhận ra giọng cô giáo thì sau đó... ò í e!

3. Trong căn nhà cao tầng trong một con hẻm có bảng Khu phố văn hóa, hai vợ chồng đang bàn nhau việc gặp ban giám hiệu nhà trường theo thư mời mà cậu con trai học lớp 8 cầm về.

Ông chồng cao giọng dặn vợ: “Vô trong đó nói cho họ biết, con nít thì phải để nó phát triển tự do thoải mái thì nó mới nhanh trưởng thành chứ. Cái gì cũng gò bó ép uổng thằng nhỏ. Con mình nó quen ở nhà muốn làm gì thì làm rồi. Em nói với bả là dạy được thì dạy, dạy hổng được thì nghỉ đi bán vé số, chứ đừng hở chút là mời phụ huynh!”

Có thể nói, ngẫu hứng, không mục tiêu, thiếu định hướng, yếu phương pháp là mẫu số chung cho nhiều kiểu dạy con thường thấy hiện nay. Dù người Việt đều biết cái gì thái quá đều không tốt, nhưng rất nhiều người khi làm cha mẹ lại lơi lỏng quá, hoặc nguyên tắc quá, hoặc thụ động quá, hoặc bạo lực quá, hoặc quá kỳ vọng vào con cái.

Học gì từ “mẹ Hổ”?

Đó chính là có quan điểm rõ ràng trong việc dạy con; sự hoạch định mục tiêu, định hướng tương lai cho con; xây dựng và thực hiện hệ thống các chuẩn mực cần tuân thủ; chăm sóc con cái.

F5ma9g3R.jpgPhóng to

Bìa cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother (tạm dịch: Khúc tráng ca của mẹ hổ) của bà Amy Chua

Riêng khoản chăm sóc con thì phụ huynh Việt Nam làm tốt rồi. Mỗi nhà mỗi kiểu nhưng ai cũng muốn dành cho con những gì tốt nhất.

Điểm đến cuối cùng là gì?

Với câu hỏi: “Anh /chị muốn con mình trở thành người như thế nào?”, hơn 50 phụ huynh tham gia sinh hoạt chuyên đề ở Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM chỉ trả lời chung chung, mơ hồ như: “Trở thành người tốt”, “Là người giỏi”... mà không thể thao tác hóa cụ thể tốt là tốt thế nào, giỏi là giỏi cái gì? Không ai dám trả lời: "Con tôi sẽ vào Havard", "Con tôi sẽ trở thành tài năng âm nhạc!".

Tầm nhìn và hoạch định là điểm còn hạn chế của cha mẹ đối với con cái nói riêng và là hạn chế của nhiều người Việt Nam nói chung.

Khi đưa con đến trường cha mẹ nào cũng biết định hướng trước, tìm đường đi nhanh nhất, phương tiện thuận lợi nhất, an toàn nhất cho con. Nhưng để dẫn dắt con trên cả đoạn đường đời thì lại chưa có sự định hướng rõ rệt.

Đành rằng để con cái phát triển tự nhiên là tốt, nhưng chắc chắn là trẻ con không thể biết rõ cái gì không tốt hay tốt, hay tốt hơn cho chúng bằng cha mẹ. Người lớn luôn có kinh nghiệm nào đó, và vì vậy họ cần phải dùng kinh nghiệm đó giúp trẻ, không thể phó mặc cho số phận. Ở Việt Nam, các bậc phụ huynh có thể học tập cách dạy con này trong gia đình của GS Trần Văn Khê, GS Ngô Bảo Châu…

Và để cùng với con cái đạt được mục tiêu, cha mẹ cần xác định quan điểm chung thống nhất, rõ ràng trong chuyện dạy con. Quan niệm dạy con theo kiểu Trung Hoa và bài bác kiểu phương Tây của "mẹ Hổ" có thể đúng hoặc chưa đúng, nhưng trên hết, từ quan niệm đó "mẹ Hổ" đã có những nguyên tắc của mình.

Quan điểm và nguyên tắc rõ ràng sẽ giúp cha mẹ tránh được việc “3 hồi đằng này, 4 hồi đằng khác”, chuyện “ông nói gà bà nói vịt”, chuyện “vui thì hổng sao, buồn là con bị đập”…, những chuyện này dễ làm tổn hại bầu không khí tâm lý gia đình, và hơn hết sẽ làm cho con trẻ phát triển đầy mâu thuẫn.

Bản quy định của "mẹ Hổ" đúng kiểu quan niệm Trung Hoa “tề gia, trị quốc”, luật phải được xác lập và tuân thủ ngay từ trong gia đình. 10 điều được làm, không được làm gì của "mẹ Hổ" tuy còn có những điều vô lý nhưng cho những người làm cha làm mẹ một kinh nghiệm về việc xây dựng nề nếp, điều chỉnh hành vi của trẻ trong gia đình.

Nhiều người nhầm lẫn khi đánh đồng “phát triển tự nhiên” với “phát triển tự phát”. Phát triển tự nhiên là theo quy luật của tự nhiên, không trái quy luật, không “vú khí đá”; còn tự phát là phát triển như cây cỏ dại.

Chính vì trong gia đình không có luật lệ và không xử lý theo luật lệ đã dẫn đến tính thiếu tuân thủ của trẻ, tính chấp hành kém, trẻ trở nên lì lợm dưới mắt cha mẹ. Còn cha mẹ thì trở thành những kẻ ngẫu hứng tối đa, thích thì cho coi tivi, không thích thì bảo tắt; vui thì cho chơi game, buồn thì ném đi… Lời nói và hành động bất nhất của họ sẽ là gương xấu cho trẻ.

Cần lắm sự dung hòa

Thực sự là điều này vẫn đang được các bậc cha mẹ vận dụng thường xuyên đó thôi, nhưng, như trên đã nói, chính vì thiếu sự hoạch định, thiếu những quan điểm rõ ràng nên thường được làm theo cảm tính, theo kinh nghiệm chủ quan trong việc dạy con.

Người Việt Nam có bản chất cởi mở, hòa đồng nên tiếp thu và thích ứng với cái mới khá nhanh. Vì vậy, mặc dù có nhiều người chịu ảnh hưỏng của lối giáo dục theo kiểu Trung Hoa lâu đời, nhưng khi đất nước mở cửa, hội nhập, người Việt Nam đã kịp thời tiếp cận với cách dạy con kiểu phương Tây, kiểu Mỹ và mau chóng ứng dụng nó.

Do vậy, có thể nói, “kiểu gì cũng có” đang là một thực trạng trong việc đào tạo con người từ phiá gia đình. Kiểu Trung Hoa máy móc vừa đáng sợ vừa đáng nể như "mẹ Hổ" cũng có (tuy mức độ không bằng), kiểu phương Tây thoáng hết sức, con cái muốn làm gì thì làm, chẳng bao giờ bị rầy la cũng có; kiểu Trung Hoa nửa vời - giáo điều, nói nhiều làm ít, không phương pháp thực thi kiểm tra kiểm soát cũng có; và dĩ nhiên có cả kiểu phương Tây "nửa nạc nửa mỡ"…

Qua các diễn đàn, điểm mạnh điểm yếu của mỗi “trường phái” trong việc dạy con đã được phơi bày. Mỗi bậc cha mẹ cũng qua đó mà tự mình nhặt nhạnh những kinh nghiệm và bài học quý báu. Dạy con kiểu Trung Hoa hay kiểu Tây - Mỹ, không có cái nào tối ưu hoàn toàn, mà nhất là tối ưu cho con người Việt Nam trong xã hội Việt Nam thì càng không thể.

"Dĩ hòa vi quý" khi đi chọn phương pháp dạy con

Lựa chọn cách dạy con phải dựa trên cơ sở phù hợp xã hội, phù hợp nền văn hóa, con người, với từng đứa trẻ trong sự cá biệt độc đáo có một không hai của chúng. Phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế của mỗi “trường phái dạy con” chính là cách “dĩ hòa vi quý” để các bậc cha mẹ tìm thấy giải pháp tối ưu, chẳng hạn:

- Định hướng rõ ràng, cụ thể mục tiêu phát triển cho con, trên cơ sở những tố chất cá biệt của con, hoàn cảnh điều kiện vốn có… chứ không phải trên suy nghĩ, sự kỳ vọng của cha mẹ. Lập kế hoạch cho con và linh hoạt điều chỉnh theo sự phát triển từng giai đoạn của con.

- Quan niệm rõ ràng, đúng đắn, khoa học về sự phát triển của con, về việc giáo dục con. Cần thống nhất quan điểm không có cái nào là hoàn toàn tối ưu. Cái tối ưu nhất là tình thương con vô bờ bến của cha mẹ. Hãy để trái tim mách bảo và lý trí kiểm soát những gì muốn và làm cho con.

- Hình thành nhân cách cho trẻ từ những thói quen nhỏ nhặt nhất trong việc thực hiện gia quy.

- Tạo điều kiện cho trẻ tận hưởng mọi cảm xúc tích cực thông qua việc tham gia các hoạt động phù hợp với chúng, trong sự hướng dẫn và sẻ chia của cha mẹ.

Bạn có đang cảm thấy phương pháp giáo dục của cha mẹ mình quá "hà khắc"? Bạn có ủng hộ cách giáo dục con của "mẹ Hổ" Amy Chua? Mọi ý kiến vui lòng gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.com.vn. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

  Thạc sĩ tâm lý LÊ THỊ LINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên