* Ở khu vực gần nhà tôi, cứ tầm 16h là có một người đàn ông ra chặn xe để xe phụ huynh đón con ở trường học gần đó chạy băng qua đường. Người đàn ông đó có được quyền chặn xe không? Bạn đọc N.M.N. (TP.HCM) gửi câu hỏi tư vấn.
- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về thẩm quyền chặn xe điều tiết phương tiện giao thông như sau:
Trách nhiệm điều khiển giao thông:
Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
Chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông.
Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe (theo quy định tại khoản 25 điều 3 và khoản 3 điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
Như vậy, việc có một người không được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông, tự ý ra đường chặn xe không cho chạy để phụ huynh đón con là vi phạm pháp luật vì không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình.
Xử phạt vi phạm hành chính:
Hành vi tự ý điều khiển giao thông này rất đáng trân trọng nhưng nhiều khi lại gây ra ùn tắc giao thông cục bộ và nguy hiểm cho tính mạng của chính mình vì không được đào tạo, huấn luyện chuyên môn.
Hành vi này vi phạm quy định về trật tự công cộng và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 7 nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Thiết nghĩ hoạt động điều tiết giao thông vào giờ cao điểm để phụ huynh đón con là cần thiết nhưng cần tuân thủ quy định tại điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về việc hướng dẫn các hoạt động khác trên đường bộ, cụ thể như sau:
Nhà trường có nhu cầu điều tiết giao thông trong giờ cao điểm lúc học sinh tan trường thì có đề xuất để được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông.
Khi phương án đảm bảo giao thông được phê duyệt thì ủy ban nhân dân tại địa phương sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, điều tiết bảo đảm giao thông.
Đồng thời nhà trường phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận