Phóng to |
Khốn khổ bởi kiểu đọc quy chụp”Bóng anh hùngBóng anh hùng và Không lạ
Tuổi Trẻ giới thiệu các ý kiến của nhà văn, dịch giả Ðào Minh Hiệp - nguyên chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, và tác giả truyện ngắn Bóng anh hùng - Doãn Dũng.
Bóng anh hùng của người lính
Truyện ngắn Bóng anh hùng của Doãn Dũng là một cách viết khác về đề tài người lính trong chiến tranh. Chiến tranh có những sự thật trần trụi, khắc nghiệt mà càng được nói ra chân thật và chân thật thì càng giúp hiểu được cuộc chiến và người lính tham chiến. Như trong truyện ngắn này, việc người thanh niên thành lính và việc người lính hi sinh là những sự thật đó. Chàng trai có thể được hoãn vào lính nhưng khi đã nhập ngũ thì anh không thoái thác, không bỏ trốn. Cái chết của người lính trong chiến tranh không phải bao giờ cũng anh hùng, hiểu theo nghĩa là chết trên trận tiền, giữa hòn tên mũi đạn.
Ảnh: CHÂU ANH |
Ở truyện này, chữ “nhạt toẹt” trong truyện là lời nhân vật, có thể hiểu là anh lính muốn một cái chết oanh liệt khi đang trực diện với kẻ thù, chứ không phải do bị sập đá trong hang. Nhưng không có chiến tranh thì không có những cái chết kiểu đó. Và vì thế, người lính chết khi đang làm nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào cũng là sự hi sinh đau đớn và lớn lao. Tất cả những cái chết đó đều là cái chết và gộp chung lại đó là sự hi sinh lớn cho sự nghiệp chung. Mọi hồn ma đều bình đẳng, nói như trong truyện.
Tác giả Doãn Dũng dùng lời hồn ma của người lính dẫn truyện. Hình thức này không mới. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã có hẳn cả một tiểu thuyết nhan đề Tàn đen đốm đỏ (1994) trong đó nhân vật chính là các vong hồn người Việt, lính có dân có, chết trong mấy cuộc chiến tranh đang mong được người thân tìm về hương khói nơi quê hương bản quán. Cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản nhiều lần và được giải thưởng văn học.
Cái hay của Doãn Dũng ở thiên truyện này là người kể chuyện/dẫn truyện đứng từ vị trí hồn ma đã giúp tác giả thể hiện gọn mà sâu cả nhân vật người mẹ. Ở bề sau câu chữ là nỗi đau của cả mẹ và con, của cả gia đình người lính. Không ai muốn thành anh hùng và bà mẹ anh hùng, nhưng khi Tổ quốc cần họ dám biết hi sinh. Chỉ hai câu nói của hồn ma cha với hồn ma con ở cuối truyện đã đủ cho người đọc hiểu về người mẹ và đồng cảm xót xa.
Tác phẩm văn học không phải là bài luận chính trị. Ðọc nó là đọc bằng hình tượng, chi tiết và bằng sự tổng hợp của hiểu biết và cảm xúc. Nhận thức của tác phẩm văn học là nhận thức tư tưởng bằng nghệ thuật. Sự quy kết của một số người đọc về truyện ngắn Bóng anh hùng thật đáng lo ngại cho một lối đọc văn không văn, phi văn.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Thẩm định tác phẩm văn học - cần phải có chuyên môn
Ảnh: Lê Vĩnh |
Ðầu tiên là bài thơ Ngọn cỏ tịch điền của nhà thơ Trần Huiền Ân, bị kết tội vì nói đến “cánh đồng chết”, trong khi ai cũng biết lễ hội tịch điền là lễ hội xuống đồng đầu năm mới của nhà vua để cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu. Bài thơ thứ hai là bài Ông già của nhà thơ Thanh Quế kể chuyện một ông già uyên bác, đi khắp đông tây nam bắc, giữ nhiều chức vụ cao, khi về già qua đường phải chống gậy. Hai bài thơ nói trên bị Ban tuyên giáo đánh giá là “thể hiện sự bế tắc, cùng đường của con người trước cuộc sống, trước xã hội..., xúc phạm đến danh dự và nhân cách của các bậc tiền bối, cán bộ cách mạng lão thành”. Bao nhiêu cuộc họp đã được tổ chức, thậm chí còn gửi cả giấy mời Thanh Quế từ Ðà Nẵng vào kiểm điểm, nhưng Thanh Quế đã trả lời qua điện thoại: “Tôi không nói chuyện được với những người như họ!”.
Rồi sau đó là vụ bài thơ Nếu không muốn đi hết con đường của Nguyễn Phong Việt in trên báo Phú Yên bị kết tội là không kiên định con đường XHCN, trong khi nội dung bài thơ chỉ là tâm sự của hai kẻ đang yêu. Rồi đến truyện ngắn Chỗ trống dưới ngón tay Phật của tác giả Nguyễn Hiệp trên tạp chí Văn Nghệ Phú Yên cũng bị nhắc nhở, và bây giờ là Bóng anh hùng.
Chuyện quy chụp tác phẩm văn học đôi khi vẫn xảy ra ở tỉnh này tỉnh nọ nhưng chỉ là cá biệt, còn ở Phú Yên gần như trở thành thường xuyên, cứ lặp đi lặp lại khiến các văn nghệ sĩ ngán ngẩm, còn ban biên tập thì mệt mỏi, chán chường. Ban biên tập cũng đã hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực văn học như Hội Nhà văn VN, Ban Tuyên giáo trung ương... nhưng tất cả những ý kiến của cấp trên đều bị bỏ ngoài tai hoặc bị xem là quan điểm “ngoại lai”. Thậm chí bị kiểm điểm vì “tội” hỏi ý kiến “người ngoài”. Còn các tiến sĩ, thạc sĩ văn học công tác ở tỉnh nhà thì không bao giờ được hỏi ý kiến.
Thiết nghĩ không nên để tình trạng như thế này kéo dài mãi, cần phải có định chế nào đó như là một cơ quan chuyên môn có tiếng nói quyết định trong việc đánh giá tư tưởng của tác phẩm (chẳng hạn như hội đồng thẩm định tác phẩm văn học của tỉnh). Nếu địa phương không “tìm được tiếng nói chung” thì phải tôn trọng ý kiến của các cơ quan chuyên môn cấp trên, và coi đó là kết luận cuối cùng.
Ðể làm điều này, Tỉnh ủy hay UBND tỉnh chỉ cần ban hành văn bản pháp quy quy định các bước thẩm định ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm. Các cơ quan báo chí cứ theo đó mà làm. Không thể để tình trạng cứ như mỗi địa phương là một quốc gia riêng biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật như vậy.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
ĐÀO MINH HIỆP
Tôi không biết câu chuyện bị đẩy xa đến thế
Phóng to |
Ảnh: CTV |
Tôi viết truyện ngắn Bóng anh hùng năm 2009 ở trại viết Tam Ðảo và đã đăng truyện ngắn này ở báo Văn Nghệ và Ðại Biểu Nhân Dân. Truyện ngắn xoay quanh tình cảm mẹ con của một người lính thời những năm 1980. Không có người mẹ nào không yêu đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Người mẹ trong truyện ngắn này cũng vậy, bà đã phải che giấu tình cảm ấy bằng một hình ảnh nghiêm ngắn, khắc nghiệt và đặt tình yêu Tổ quốc lên trên hết thảy. Người con trai đã giận mẹ và mang nỗi giận hờn sang thế giới bên kia trong một cái chết “không anh hùng”. Tôi đã sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo để kết nối giữa hai thế giới, hóa giải mâu thuẫn giữa các nhân vật.
Với tư cách là một người viết văn, từng là một người lính, tôi muốn tiếp cận và tiếp tục mảng đề tài chiến tranh cách mạng mà các nhà văn cha chú đã đi trước, nhưng với góc độ mới hơn khi chiến tranh đã lùi xa, đó là khai thác những thân phận “nhạt toẹt” nhưng đóng góp sức người, sức của, không tiếc tính mạng mình trong những cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Nhà văn viết ra tác phẩm, nhưng số phận của tác phẩm lại phụ thuộc vào bạn đọc. Tôi biết điều đó và chấp nhận một cách tuyệt đối sự phán xét của công luận.
Tuy nhiên, về nhân thân, tư cách đạo đức lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Có lẽ những người làm trong lĩnh vực thời trang của tôi sẽ hiểu rõ hơn đặc thù nghề nghiệp để không nói rằng tôi “đẹp mã và thích cưa gái đẹp có chồng” như ai đó đã suy diễn từ một nhân vật của tác giả thành ra tác giả.
DOÃN DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận