![]() |
Họa sĩ Đào Ngọc Hân (trái) và PGS. TS Nguyễn Lân Cường đang tu bổ di hài nhà sư Vũ Khắc Minh |
10g sáng, cánh cửa nhà tổ của chùa Đậu (nơi đặt thi hài hai vị thiền sư) được rộng mở. Nhân dân trong vùng, từ các vị bô lão đến các em nhỏ, đều xúng xính trong những bộ quần áo mới.
Bà Nguyễn Thị Ngóng, con dâu họ Vũ ở xã Nguyễn Trãi, thành kính thắp hương trước thi hài hai vị thiền sư. Bà bảo với chúng tôi: “Hai cụ trông vẫn thế, không khác gì so với trước khi tu bổ. Chỉ có khác là những vết hư hỏng trên cơ thể đã được vá lại nên trông hai cụ đẹp hơn”. Bà Ngóng là vợ ông Vũ Văn Đọc (đã chết). Đến nay dòng họ Vũ ở xã Nguyễn Trãi không có nhành nào là Vũ Khắc, đa số đều là Vũ Văn.
Khi bắt tay vào thực hiện tu bổ, nhóm thi công phát hiện những rãnh nhỏ ở đầu gối phải và phần đáy của thi hài nhà sư Vũ Khắc Minh.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói: “Đây là những vết nứt do côn trùng và vi sinh vật hủy hoại. Vì vậy chúng tôi đã phải khơi rộng các rãnh này để bơm thuốc vào diệt vi sinh vật, côn trùng”. Quá trình tu bổ cũng cho thấy thi hài này đã từng được sơn hai lần lên phần ngoài cơ thể, một lần được sơn thếp vàng, một lần được sơn thếp bạc. Vì vậy, để lớp sơn mới và sơn cũ gắn kết với nhau, nhóm thi công đã có sáng kiến mở rộng vết nứt rồi gia cố bằng vải màn trộn sơn.
“Tổng cộng có 14 lớp sơn và thếp vàng đối với pho tượng này - ông Cường cho biết - Sau khi tu bổ xong thi hài nặng thêm 0,5kg so với ban đầu là 7kg”. Trước đó trong quá trình tu bổ, nhóm thi công đã đổ khuôn thi hài bằng thạch cao để làm đối chứng.
Đối với vị thiền sư Vũ Khắc Trường, thi hài cũng được nhân dân đắp đất và quét sơn ta lên những phần cơ thể bị hỏng sau các trận lụt. Việc tu bổ đó còn có sự nhầm lẫn khi xương mác của hai ống chân được đưa lên lắp vào xương cánh tay khiến hai cánh tay của thi hài dài hơn bình thường.
Quá trình tu bổ còn phát hiện thêm phần chân và tay bị hỏng nặng làm rời cả hai xương đùi, xương chày và một xương đốt bàn tay bên phải. Chính vì vậy, việc đổ khuôn lên thi hài để lấy tượng đối chứng đã không thể thực hiện được, buộc nhóm quyết định giao cho nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Ngọc Lâm và PGS Nguyễn Xuân Thành nặn một pho tượng bằng đất sét giống tượng thật rồi đổ lấy khuôn từ pho tượng này.
Ở thi hài thật, nhóm thi công gia cố bằng sơn ta và vải màn lên phần cơ thể ngoài thi hài để làm khung đỡ, đồng thời dỡ bỏ đất ở bên trong. Các xương đùi, xương chày, xương đòn, răng rời ra ngoài được đem chụp X quang và đã xác định được thiền sư Vũ Khắc Trường có độ tuổi trên dưới 40, cao khoảng 1,65m và không có bệnh lý thể hiện trên xương.
Theo ông Nguyễn Lân Cường, vấn đề quan trọng sau khi tu bổ là bảo quản hai thi hài. Trước đó, Nhà máy kính Đáp Cầu đã đúc những tấm kính dày 1cm và Viện 69 Bộ tư lệnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lắp thành hai hộp kính kín để đặt thi hài. Sau khi đưa hai vị thiền sư vào tủ kính, nhóm thi công dự định dùng máy Munter như một chiếc quạt thông gió thổi vào tủ kính.
Tuy nhiên, do máy quá đắt (50 triệu đồng) và quá trình hoạt động của máy sẽ gây tiếng ồn, không hợp với khung cảnh tĩnh mịch của chùa nên sau đó nhóm đã chuyển sang phương án sử dụng môi trường khí có nitơ để bảo quản thi hài.
Ông Cường giải thích với Tuổi Trẻ: “Chúng tôi đã tạo hai lỗ nhỏ ở mỗi tủ kính, một lỗ để bơm khí nitơ vào và một lỗ để rút dần oxy ra. Phương pháp này vừa tiết kiệm kinh phí vừa phù hợp với điều kiện thực tế và có thể giữ thi hài thêm được vài trăm năm nữa. Đây cũng là phương pháp hiện đang được áp dụng bảo quản các hiện vật hữu cơ của Viện Bảo tàng lịch sử VN”.
Khoảng 340 triệu đồng là số tiền cho toàn bộ các công đoạn tu bổ thi hài hai vị thiền sư. Nhưng, đáng nói hơn cả, như lời đại đức Thích Minh Hiền - phó Ban văn hóa T.Ư Giáo hội Phật giáo VN - đây là “thành tựu viên mãn trong niềm mong đợi phấn khởi của hàng triệu người con Phật”.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, chủ nhiệm dự án, cho biết trên thế giới chỉ có một số hình thức táng là địa táng, hỏa táng, thiên táng (người chết được đưa lên cây cao để chim kền kền ăn), huyền táng (đưa quan tài người chết lên trên núi cao). Trong khi đó, hai nhà sư tại chùa Đậu viên tịch trong tư thế ngồi thiền vào thế kỷ 17, và từ đó đến nay thi hài họ vẫn giữ được nguyên dạng, chỉ hư hỏng một số phần trên cơ thể dù hai thi hài được đặt trong am chùa, không hề được áp dụng một phương pháp bảo quản nào. Ông Cường gọi đó là hình thức thiền táng hay còn gọi là tượng táng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận