19/03/2005 17:02 GMT+7

TS Vũ Minh Khương: Đồng hành hai khát vọng

Ông Trần Huy Năng - nguyên chủ tịch UBND TP Hải Phòng
Ông Trần Huy Năng - nguyên chủ tịch UBND TP Hải Phòng

TTCN - Trở thành giám đốc doanh nghiệp nhà nước khi mới 29 tuổi, từng đệ đơn xin được làm... giám đốc Sở Công nghiệp, và hiện nay là một tiến sĩ kinh tế được mời làm việc tại ĐH Harvard (Mỹ), Vũ Minh Khương đã có những bước đi trên một con đường không hề bằng phẳng.

JEG3HMdw.jpgPhóng to
TS Khương và vợ trong ngày nhận bằng thạc sĩ

Với ý chí dám đương đầu với thách thức, với những hoài bão, anh đã mở được những cánh cửa đầy khó khăn để tiến bước.

Anh là một mẫu hình người trí thức trẻ trong thời kỳ đổi mới: song hành với những bước tiến trên con đường học vấn, tiếp thu tri thức. TS Vũ Minh Khương luôn khát khao được thử sức, góp phần xây dựng đất nước, luôn nuôi dưỡng trong tâm trí một ước nguyện “góp phần làm người Việt Nam mình có thể ngẩng cao đầu”...

“Đường đời là một chuỗi những gian truân, thử thách. Bạn có thể thất bại trong một số ước muốn cụ thể, nhất là ở chặng đường đầu. Nhưng ước mơ và hoài bão lớn sẽ biến các gian truân, thử thách đó thành nguồn năng lượng vô tận đưa bạn đến đích thắng lợi vẻ vang. Điều quan trọng là dù ở hoàn cảnh nào, bạn cũng phải làm việc cật lực với động cơ trong sáng và ước muốn đạt tới đỉnh cao”.

“... Tôi tin rằng nâng cao phẩm chất và ý chí dân tộc là khâu trọng yếu trong tạo dựng nền tảng của một nước Việt Nam phồn vinh. Từ Vietnam cần luôn lấp lánh trong mỗi suy nghĩ và trăn trở của chúng ta về tương lai và tiền đồ của dân tộc.

Bởi đó không chỉ là tên đất nước yêu dấu của chúng ta, mà còn là kim chỉ nam cho những phẩm chất mà chúng ta phải đặc biệt chú tâm hun đúc và rèn luyện: V=Vision, có nghĩa là tầm nhìn; I=Integrity, có nghĩa là sự chính trực; E=Energy, có nghĩa là nghị lực; T=Talent, có nghĩa là tài năng; N=Nationalism, có nghĩa là tinh thần dân tộc; A=Aspiration, có nghĩa là hoài bão; và M=Mutuality, có nghĩa là tình cảm cộng đồng và tinh thần đồng đội”.

Đây là tâm niệm đầu tiên của TS Vũ Minh Khương được đúc kết từ chính cuộc sống đầy nỗ lực phấn đấu của anh.

Sinh năm 1959, như những bè bạn cùng thế hệ, Vũ Minh Khương lớn lên trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Từ những năm học phổ thông ở thành phố Hải Phòng đến khi thành SV khoa toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), Khương đều nỗ lực học tập và luôn đứng ở vị trí xuất sắc hàng đầu.

Khi Khương vừa tốt nghiệp ĐH vào những năm 1980, đất nước có tổng động viên, anh trở thành một người lính. Tạm gạt sang một bên ước mơ trở thành nhà khoa học, Khương bước vào quân ngũ. Sau ít tháng huấn luyện, Khương được điều vào binh đoàn 318, phục vụ công cuộc khai thác dầu khí ở Vũng Tàu.

Anh được phân công chỉ huy một tiểu đội 12 “lính sinh viên” làm nhiệm vụ giảng dạy văn hóa và kỹ thuật cho binh đoàn. Trong môi trường rèn luyện mới, Khương trưởng thành nhanh chóng, đúng một năm sau ngày nhập ngũ, anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Cuối năm 1983, được giải ngũ, Khương mong muốn tìm được một công việc ở TP.HCM, nơi người yêu anh đang sống cùng gia đình. Không một sự thân quen, không một thư giới thiệu, trong bộ quân phục bạc phếch, Khương đơn thương độc mã tìm đến các trung tâm máy tính trong thành phố, đề nghị bảo vệ cho được gặp giám đốc cơ quan. Dù biết cuộc hành trình tìm việc giữa thành phố náo nhiệt này có cơ hội thành công mỏng manh, anh vẫn thử bởi “tôi có một niềm tin linh cảm vào sự may mắn và lòng nhân ái của con người”. Sau không ít ngày lang thang tìm việc, qua nhiều cuộc gặp, cuối cùng anh cũng tìm được một chỗ đứng...

“Tấm lòng con người là một tài sản vô giá cần được khai thác. Khi bạn thật sự có nhiệt huyết, tài năng, và ước vọng chân chính, dường như sẽ có ai đó sẵn lòng giúp với sự hào hiệp kỳ diệu trên chặng đường đi gian khổ của bạn”.

Không phải là một lời nói suông, đây là kinh nghiệm mà Vũ Minh Khương đã thật sự có cơ hội trải nghiệm.

itN3xVzw.jpgPhóng to
TS Khương cùng vợ và con trai trong khuôn viên Đại học Harvard

20 năm sau, TS Vũ Minh Khương nhớ lại: “Tôi dường như sống trong giấc mơ khi được ông Trần Trọng Quyết, giám đốc Trung tâm Điện toán của Công ty Điện lực 2, mời vào phòng riêng và hỏi chuyện một cách thân ái. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những người quen biết khó bao giờ phai mờ trong ký ức, với tôi đó là khoảnh khắc này và ông Trần Trọng Quyết”.

Được nhận vào công tác ở Trung tâm Điện toán Công ty Điện lực 2, ở TP.HCM, cuộc sống của Khương đã trải qua một thời gian thật sự dễ chịu với điều kiện làm việc tốt, quan hệ đồng nghiệp thân ái, thu nhập khá, công việc phân tích và lập trình viên lại phù hợp với chuyên môn của anh.

Nhưng, giữa lúc công việc và cuộc sống đang rất trôi chảy, trước sự bất ngờ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, Khương xin thôi việc ở Trung tâm Điện toán để khăn gói ra Hải Phòng. Khi ấy mọi người mới biết anh đã viết thư cho bí thư Thành ủy Hải Phòng, lúc đó là ông Đoàn Duy Thành, đề nghị được “làm giám đốc một doanh nghiệp quốc doanh trên bờ phá sản”. Với Khương, lý do thật đơn giản: “Công cuộc đổi mới bắt đầu rộ lên, đặc biệt ở TP.HCM, Long An, Hải Phòng...

Đối với mỗi con người, có lẽ khó có gì cảm hứng bằng nghe và chứng kiến những đổi thay đáng tự hào trên đất nước mình, quê hương mình. Sinh ra, lớn lên ở đất cảng, tôi rạo rực lắm khi đọc những bài trên báo trân trọng nỗ lực đổi mới và cải cách của nhân dân Hải Phòng dưới sự lãnh đạo của ông Đoàn Duy Thành. Nhân dịp 30 năm kỷ niệm giải phóng Hải Phòng (1985), chưa làm gì được cho quê hương của mình, tôi gửi cho ông Thành một bức thư của lòng tâm huyết chỉ với suy nghĩ góp phần ủng hộ ông và lãnh đạo thành phố. Tôi không ngờ ông ấy lại chú ý đến bức thư của tôi và có lời đáp lại trân trọng.

“Khương trước hết là một con người có hoài bão, lý tưởng, đầy nhiệt huyết. Khương đã suy nghĩ, hành động một cách đầy trách nhiệm, tâm huyết, say sưa đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước và quê hương Hải Phòng. Anh luôn dám nhận lấy trách nhiệm, làm việc tận tụy, sáng tạo, có nhiều ý tưởng mới.

Và quan trọng nhất, luôn hết mình vì công việc, thẳng thắn, không tính toán đến những lợi ích cá nhân...

Tôi đặc biệt đánh giá cao Khương ở đức tính ham học hỏi, cầu tiến. Trong những năm tháng ở Hải Phòng, Khương đã liên tục vừa công tác vừa tự học để vươn lên”.

Sống ở TP.HCM, tôi thấy sức sống động của thị trường và tin thị trường là cơ hội và thách thức tuyệt vời cho sự lột xác của các doanh nghiệp quốc doanh. Hơn nữa tôi cảm nhận sâu sắc rằng doanh nghiệp là cội nguồn tạo ra của cải và sự phồn vinh cho đất nước”. Không chỉ dừng lại ở những lời nói, Khương đã hành động. Anh viết tiếp thư khác cho ông Thành đề nghị ông cho thử sức làm... giám đốc một doanh nghiệp quốc doanh trên bờ vực phá sản để “thử nghiệm khả năng xoay chuyển”. Ông Đoàn Duy Thành đồng ý ngay và cho người làm quyết định nhận anh ra Hải Phòng.

Nhưng Công ty Điện lực 2 lại không đồng ý cho Khương đi vì anh đang là cán bộ cốt cán của Trung tâm Điện toán. Dây dưa mãi mất nhiều tháng, Khương mới được chấp nhận chuyển công tác ra Hải Phòng, nhưng ra đến nơi thì ông Thành đã lên làm bộ trưởng Bộ Nội thương (cũ). Một số lãnh đạo mới của TP không mặn mà với quyết định của ông Thành nhận anh.

Có người khuyên anh trở lại TP.HCM vì Hải Phòng chưa thật sự có nhu cầu thử nghiệm. Cánh cửa như khép lại trước lòng nhiệt tình của Khương, nhưng anh không nản chí. Sau ít tháng “nằm chờ” ở Sở Công nghiệp thành phố, cuối cùng ý chí và sự thành tâm của anh cũng được lãnh đạo thành phố chú ý.

Tháng 8-1986 anh được điều về làm phó giám đốc (chứ chưa được làm giám đốc như anh đề nghị) của Xí nghiệp hóa chất Sông Cấm, một doanh nghiệp với hơn 450 công nhân nhưng làm ăn thua lỗ kéo dài, đơn thư kiện tụng chồng chất. Cùng với giám đốc, Khương nhanh chóng tổ chức lại việc quản lý doanh nghiệp, linh hoạt hơn với cơ chế thị trường trong mua nguyên liệu và bán sản phẩm. Kết quả là doanh nghiệp khá lên trông thấy, tiền lãi và các quĩ khen thưởng, phúc lợi trở nên dồi dào.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác làm việc giữa giám đốc và phó giám đốc Khương lại không được thuận lợi như lúc xí nghiệp còn trong khó khăn. Thấy khó xử, vào giữa năm 1988, Khương quyết định xin đi học lớp quản lý kinh tế của Viện Quản lý kinh tế trung ương ở TP.HCM. Nhưng anh đã không thể dứt áo bỏ xí nghiệp ra đi. “Tôi không ngờ sự ra đi của tôi lại gây xúc động trong nhiều công nhân, nhất là khi xí nghiệp không còn được Nhà nước bảo trợ nữa và trở lại tình trạng khó khăn.

Tôi nhận được rất nhiều thư của công nhân đề nghị tôi quay lại tham gia thi tuyển giám đốc, một cuộc thử nghiệm đặc biệt lần đầu tiên ở Hải Phòng. Tôi đã chấp nhận”. Với trên 90% số phiếu bầu của công nhân, tháng 12-1988 Vũ Minh Khương trở thành giám đốc Xí nghiệp hóa chất Sông Cấm ở tuổi 29.

Lần này mới là cuộc thử sức thật sự. Khương nhận trách nhiệm giám đốc khi xí nghiệp đang trong một tình thế cực kỳ khó khăn. Ông Trần Huy Năng, nguyên chủ tịch TP Hải Phòng, nhớ lại: “Xí nghiệp hóa chất Sông Cấm đang ở trong tình trạng bế tắc. Tiền gửi không còn, ngân hàng không tiếp tục cho vay vì cho rằng xí nghiệp không có khả năng trả nợ, hầu hết công nhân phải tạm nghỉ việc trong khi cuộc sống của họ đã vô cùng khó khăn. Tất cả đều bất lợi, thách thức quyết tâm xoay chuyển tình thế của Vũ Minh Khương”.

Khương đã dựa vào sự ủng hộ, đồng lòng của đội ngũ công nhân để thực hiện hàng loạt quyết định mạnh dạn: cắt giảm gần 200 công nhân dôi dư, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, động viên đội ngũ kỹ thuật viên tích cực hợp tác với Viện Hóa công nghiệp để tiếp thu công nghệ và sản phẩm mới. Phương án đổi mới sản xuất của anh đã thuyết phục được ngân hàng tiếp tục cho xí nghiệp vay tiền.

Chỉ một năm sau, Xí nghiệp hóa chất Sông Cấm đã có một diện mạo mới và phát triển mạnh trong những năm sau đó. Việc đầu tiên giám đốc Khương làm sau khi vực dậy Sông Cấm là quyết định xí nghiệp sẽ tặng mỗi công nhân một chỉ vàng và một chiếc xe đạp - những gì mà đa số công nhân xí nghiệp ao ước nhất vào thời điểm đó.

“Không có được một cương vị xã hội không có nghĩa là không có điều kiện đóng góp vào sự nghiệp phát triển quốc gia - dân tộc. Ở bất cứ cương vị nào, nếu bạn có bề dày thật sự của trải nghiệm, chiều sâu thẳm của lòng tâm huyết và sự sáng tạo dựa trên tri thức, bạn sẽ là một viên gạch tốt lát trên con đường đưa dân tộc đến đích phồn vinh”.

Vũ Minh Khương đã thật sự nghĩ và làm việc theo tâm niệm này.

Khi xí nghiệp đã ăn nên làm ra thật sự, đội ngũ cán bộ chủ chốt và qui chế hoạt động của xí nghiệp đã vững vàng, Khương nghĩ đến một dự định mới: tìm kiếm cơ hội đi đến một đất nước phát triển để mở rộng tầm nhìn và học tập kiến thức cho sự nghiệp tương lai. Anh tích cực học tiếng Anh mặc dù công việc quản lý rất bận rộn. Năm 1992, khi nghe tin có nhóm từ Đại học Harvard qua VN tuyển người đi học ở Mỹ, Khương lên Hà Nội tìm hỏi địa chỉ khách sạn nơi họ nghỉ rồi để lại một bức thư xin được gặp đoàn.

Sự chủ động tìm đến cơ hội của anh đã mang đến cơ hội thật sự khi ông Thomas Vallely, giám đốc chương trình VN của ĐH Harvard, cùng nhóm công tác của ông đã tiếp đón anh niềm nở và có cuộc thảo luận rất thú vị. Sự ủng hộ đặc biệt của ông Thomas Vallely và nhóm công tác đã giúp Khương thành công trong việc xin học bổng Fulbright của Mỹ và được nhận vào học chương trình MBA ở trường kinh doanh thuộc ĐH Harvard.

Năm 1995, Khương tốt nghiệp MBA về nước với lòng khao khát đóng góp kiến thức của mình cho sự nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt với thành phố quê hương. Tuy vậy anh chưa có được cơ hội. Cho đến năm 1996, khi ông Trần Huy Năng được bầu làm chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông đã đề nghị bổ nhiệm Khương làm phó văn phòng UBND TP và trợ lý cho chủ tịch TP. “Từ lâu tôi ấp ủ trở thành một lãnh đạo xuất sắc của TP, đưa Hải Phòng nhanh chóng trở thành một TP phát triển, có tầm vóc, vị thế, là một động lực mạnh mẽ đặc biệt cho sự nghiệp hiện đại hóa đất nước” - Khương thẳng thắn nói về những suy nghĩ, ý nguyện của anh thời điểm ấy.

Chính từ ý nguyện “được cống hiến” và quyết tâm “làm được một việc cụ thể”, 36 tuổi, Khương đã đề nghị với lãnh đạo thành phố được đảm đương cương vị giám đốc Sở Công nghiệp, lĩnh vực anh thật sự tâm huyết cho một nỗ lực cải cách. Nhưng đề nghị của anh không được chấp nhận cũng như không ít đề xuất cải cách của anh chưa được chú ý.

“Nhiều người động viên tôi đã vào qui hoạch rồi thì cứ kiên trì chờ, thế nào cũng đến lượt. Tôi thì chỉ mong muốn làm nên một “chiến công” cho thành phố chứ không phải mong chờ một chức vụ do qui hoạch và may mắn. Có chức vụ mà không có đóng góp thật sự thì chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi” - anh giãi bày.

Sau ba năm công tác ở UBND TP Hải Phòng, không thể ngồi chờ để được cất nhắc theo qui hoạch, Khương lại một lần nữa xác định cho mình hướng đi mới: cách tốt nhất để bản thân anh đóng góp cho đất nước là học tập để trở thành một chuyên gia về quản lý kinh tế. Năm 1999, anh quyết định quay lại Đại học Harvard làm luận án tiến sĩ. Kết quả học tập MBA của anh trước đó cùng với sự giới thiệu của các giáo sư đã đưa anh trở lại với Harvard lần thứ hai không mấy khó khăn.

“Hãy luôn tự khai sáng bản thân để tạo nguồn sinh lực mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển. Hãy thấm thía triết lý của nhà triết học vĩ đại người Đức Emmanuel Kant, con người ta chỉ có được sức mạnh của sự khai sáng khi họ thoát khỏi những ràng buộc hạn hẹp do họ tự đặt ra cho hành động và ước mơ của họ.

Tôi rất mong muốn rằng trong một tương lai không xa sẽ có những bạn trẻ, sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng năng lực và phẩm chất của mình, sẽ khẳng khái đề nghị với Đảng, Nhà nước và nhân dân cho phép ứng cử làm bộ trưởng, tổng giám đốc tổng công ty, chủ tịch tỉnh, thành phố.

Chúng ta cần có những con người và những thế hệ dám quả cảm để khẳng định với thế giới rằng chúng ta không thua người Nhật trong tầm nhìn và tinh thần học hỏi, rằng chúng ta có thể sánh vai ngang người Hàn Quốc trong ý chí dân tộc và quyết tâm vượt lên, rằng chúng ta không kém người Trung Quốc, Đài Loan trong khai thác và huy động sức mạnh tổng lực trên toàn cầu của dân tộc mình. Chỉ có như vậy sự nghiệp phát triển của nước ta mới thật sự bước vào giai đoạn cất cánh và hứa hẹn những thành quả vẻ vang”.

Khát khao thực hiện ước mơ góp phần làm người Việt Nam mình được ngẩng cao đầu, Vũ Minh Khương đã nỗ lực học tập, nghiên cứu. Anh được coi là một trong những SV xuất sắc của GS Dale Jorgenson, một nhà kinh tế lừng danh thế giới, tại ĐH danh tiếng Harvard.

Khương đã xuất sắc hoàn thành luận án tiến sĩ với tiêu đề “Phân tích những ảnh hưởng của công nghệ thông tin tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. GS Dale Jorgenson nhận xét: “Luận án của Khương ấn tượng cả về qui mô và những đóng góp mới”.

Một giáo sư kinh tế khác của Harvard, GS Dwight Perkins, đánh giá: “Đó là nghiên cứu một cách hệ thống nhất về chủ đề này và sẽ rất hữu ích trong việc định hướng chính sách ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam”. Anh được giải thưởng của Trường Kennedy (J.F.Kennedy School of Government thuộc ĐH Harvard) về thành tích giảng dạy và được khắc tên ở một nơi trang trọng của trường.

Anh cũng đã có dịp đi trình bày kết quả nghiên cứu ở nhiều hội thảo quan trọng và đang làm việc cật lực để hoàn tất các bài viết với GS Dale Jorgenson cho các tạp chí khoa học. Ngoài công việc nghiên cứu trong chương trình công nghệ và chính sách kinh tế cùng GS Jorgenson tại Harvard, anh hiện tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Quản lý Suffork (Boston)...

Trong con người Vũ Minh Khương, những ước vọng của bản thân luôn gắn liền với ước vọng chung dành cho quê hương, đất nước. Hôm nay anh đã đạt được ước nguyện của bản thân: trở thành một nhà khoa học. “Tôi dự kiến ở lại Mỹ trong 3-5 năm tới để thật sự trở thành một chuyên gia kinh tế và giảng viên đại học có uy tín cao. Đồng thời làm tất cả những gì có thể làm được để góp phần giúp thế hệ trẻ vươn lên trong sự nghiệp hội nhập thế giới và gánh vác trách nhiệm giang sơn. Tôi luôn mong chờ cơ hội được làm việc ở VN... “.

Chưa dừng lại với những thành công của riêng cá nhân mình, anh đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện ước vọng chung dành cho đất nước, dân tộc “góp phần làm người Việt Nam mình có thể ngẩng cao đầu”.

“Hãy kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Nhân tài đất Việt chắc chắn sẽ nở rộ khi đất nước ta dấy lên được khí thế cải cách sống động, làm bùng phát lên ngọn lửa chói sáng của lòng tự hào dân tộc và khát vọng quốc gia”.

Anh tâm sự: “Mỗi khi tôi nghĩ về đất nước, quê hương và gia đình, hình ảnh bố mẹ tôi thường chói sáng lên trong ký ức. Bố mẹ tôi cùng thế hệ cha anh bỏ cửa nhà theo cách mạng từ lúc 17-18 tuổi, chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ, với một khát vọng được nhìn thấy dân tộc mình sống trong độc lập, phồn vinh. Bố mẹ tôi chỉ là những công chức hạng nhỏ, thuộc lớp những người không thành đạt, nhưng trong lòng luôn cháy sáng kỳ vọng vào thế hệ trẻ, trong đó có anh em tôi”.

Còn bây giờ, lại đến anh, bằng những suy nghĩ và hành động thật cụ thể, truyền lại cho cậu con trai 18 tuổi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trường ĐH và các bạn trẻ trọn vẹn niềm tin vào sức mạnh dân tộc, những hoài bão, khát vọng phấn đấu cho một ước nguyện tha thiết nhất “góp phần làm người Việt Nam mình có thể ngẩng cao đầu”.

(*)Tác giả bài "Đổi mới tư duy: bước đột phá tạo nên cục diện mới" trên TTCN số 08 ngày 27-2-2005.

Ông Trần Huy Năng - nguyên chủ tịch UBND TP Hải Phòng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên