01/10/2022 10:51 GMT+7

TS Bạch Quốc Khánh: 'Chức vụ chỉ là tạm thời'

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - TS Bạch Quốc Khánh, viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, đã có đề nghị và được chấp thuận không tái bổ nhiệm khi còn 3 năm 2 tháng mới đến tuổi nghỉ hưu để nhường vị trí cho đồng nghiệp kế cận.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sau đó đã trao quyết định bổ nhiệm vị trí viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho ông Nguyễn Hà Thanh, thay cho ông Bạch Quốc Khánh.

Ông Khánh, sinh tháng 8-1964, theo quy định tuổi nghỉ hưu mới thì đến tháng 12-2025 ông mới đến tuổi, hiện nay ông đủ điều kiện để tái bổ nhiệm.

Chưa kể từ tháng 8-2022, theo nghị định 50 của Chính phủ, viên chức làm việc trong lĩnh vực đặc thù và có học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2... có thể nghỉ hưu muộn hơn 5 năm, tức là nam 67 tuổi và nữ 65 tuổi, trong đó 5 năm cuối là làm các công việc chuyên môn.

Tuy nhiên, ông Khánh đã đề nghị xin không tái bổ nhiệm mà chỉ giữ nhiệm vụ bí thư Đảng ủy viện và quay trở lại làm chuyên môn tại một đơn vị điều trị.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Khánh nói đây là việc hoàn toàn bình thường. Ông nói:

- Từ trước đến nay, và nhất là giai đoạn vừa qua khi làm quản lý, thời gian dành cho bản thân và gia đình của tôi rất ít. Các nước khác không có chuyện bệnh nhân, người nhà có thể gọi thẳng cho ông viện trưởng vào đêm khuya, nhưng nước mình thì khác. Cuộc sống của người làm nghề y rất bận rộn, đi trực, đi làm, thời gian dành cho gia đình cứ thế bị cuốn đi.

Khi nhìn lại, tôi thấy điều đó không ổn và cần bước đệm cho những năm sau này. Bước đệm ấy chính là những năm sắp tới giúp mình cân bằng cuộc sống và làm việc với nghề của mình, rèn giũa chuyên môn và dành thời gian cho gia đình.

Nếu mình cứ để công việc và các mối quan hệ giao tế cuốn đi, trong khi không dành thời gian cho người thân, họ sẽ xây dựng cuộc sống theo cách không có mình, và khi mình quay lại thì mình sẽ là một mảnh bị thừa.

Sau hai năm do dịch bệnh COVID-19, đến thời điểm hiện tại mọi thứ đã ổn, đó là lúc tôi muốn chuyển giao chức viện trưởng để trở về cuộc sống bình thường, sinh hoạt cùng với gia đình mình nhiều hơn.

Vị trí chỉ là một phần của cuộc sống

* Ông có nói là việc ông xin nghỉ quản lý, trở lại làm bác sĩ điều trị là việc bình thường, nhưng gia đình và người thân của ông nghĩ thế nào về việc này?

- Khi tôi nói chuyện ấy đầu tiên với gia đình, vợ con, người thân thì tất cả đều nhất trí, không có một ai nói không nên. Nhưng những người gọi đến cho bạn bè tôi để hỏi chuyện thì 10 người có 9 người nghĩ tôi bị làm sao, phải làm sao mới xin nghỉ!

Thật ra mọi người mới nhìn duy nhất ở khía cạnh chức vụ, nhưng con người còn nhiều thứ khác, về lâu dài gia đình mới là chính chứ đâu phải vị trí viện trưởng.

Thứ nữa, tôi cũng đã 58 tuổi. Dừng lại để quay lại cuộc sống của một bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt vì nghề nghiệp vẫn là thứ tôi say mê, sợ để dài quá thì sau này không quay lại kịp nữa.

Khi gia đình thống nhất rồi, tôi mới nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Tôi với anh Sơn cùng tuổi, trước đây cùng chuyên ngành nên rất hiểu nhau. Đầu tiên anh ấy nói không nên, nhưng sau vài tháng thì anh ấy cũng đồng tình với tôi. Tôi cũng có đơn xin Bộ Y tế đề nghị không tái bổ nhiệm.

* Giờ ông rời ghế viện trưởng để quay lại vị trí bác sĩ điều trị, nhưng hơn 10 năm qua ông làm quản lý, không làm lâm sàng nhiều, khi quay lại ông có tự tin không?

- Những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc về thuốc, điều trị ở chuyên khoa này. Thời gian vừa qua dù khá bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp để tham gia các hội thảo cập nhật kiến thức, rảnh rỗi tôi đều đọc tài liệu nước ngoài.

Rõ ràng là so với các bác sĩ đang làm việc, tôi có "lạc hậu" hơn, nhưng tôi sẽ cập nhật kiến thức để không cản trở anh em khác. Đó cũng chính là một trong số lý do tôi muốn nghỉ quản lý để có thời gian cập nhật nghề nghiệp. Giờ tôi quay lại làm thì còn có cơ hội, còn có thể phục hồi kiến thức, thêm mấy năm nữa thì sợ khó.

* Những ngày này, nghề y được người dân quan tâm lắm. Cùng lúc có bao chuyện xảy đến, y bác sĩ thì kêu ca lương thấp và làm việc vất vả. Ở bệnh viện ông, y bác sĩ có đủ sống không?

- Khi bước chân vào ngành y thì xác định thiệt thòi hơn. Ngành khác học đại học 4 năm, 8 năm có thể làm xong đến tiến sĩ, nhưng ngành y 9 năm học mới là thạc sĩ, trước đây là bác sĩ chuyên khoa 1. Về lương như vậy là thấp hơn các ngành khác, bởi người ta đi làm 4 - 5 năm rồi mình mới đi làm.

Lương của y bác sĩ cũng là một câu chuyện dài, mình xác định thế nào là đủ so với nhu cầu một người. Nếu bác sĩ ở tỉnh đến, anh ấy sẽ phải thuê nhà, sau này còn có vợ con, mua xe để đi lại...

Như vậy nếu sống ở thành phố, thu nhập của hai vợ chồng phải 30 - 40 triệu đồng/tháng mới không phải lăn tăn nhiều. Khi bắt đầu làm viện trưởng, một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà tôi đặt ra là đảm bảo đời sống của anh chị em.

Để làm như vậy, chúng tôi có hoạt động nâng chất lượng dịch vụ, bệnh nhân đến đông nhưng giá thành vừa khả năng của họ, bên cạnh đó là tiết kiệm chi tiêu ở tất cả các hoạt động của bệnh viện. Thuốc men và dịch vụ đều đã có giá, làm sao phải chi hợp lý thì chênh lệch thu chi tăng lên, y bác sĩ có thêm thu nhập.

Nhờ các hoạt động này, ngay cả năm 2021 (là năm khó khăn nhất), thu nhập của y bác sĩ và nhân viên viện là 18 - 20 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với nhiều bệnh viện tuyến trung ương khác thì chúng tôi chưa bằng, nhưng cũng ở nhóm giữ được ổn định.

Hết năm 2021, vì những khó khăn sau dịch mà thu nhập này có giảm, chúng tôi cũng đang cố gắng để hết năm 2022 có thể quay lại mức cũ. Mức thu nhập này, theo tôi, là đủ sống cho y bác sĩ.

TS Bạch Quốc Khánh: Chức vụ chỉ là  tạm thời - Ảnh 3.

TS Bạch Quốc Khánh - Ảnh: DANH KHANG

Làm sao để người bệnh không phải băn khoăn về phong bì?

* Một trong những vấn đề khi người bệnh đi bệnh viện công là họ băn khoăn với ba câu hỏi: phong bì đưa cho ai, khi nào đưa và đưa bao nhiêu? Ở bệnh viện ông, việc này ông xử trí như thế nào?

- Đây là một trong những điểm chúng tôi đã nỗ lực để thay đổi. Khi các cán bộ chủ chốt không gương mẫu thì bác sĩ sẽ theo hướng ấy.

Nhưng may mắn của chúng tôi là khi tách ra thành Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, phần lớn y bác sĩ của chúng tôi còn trẻ, đến nay vẫn 70% dưới 40 tuổi.

Chúng tôi tạo điều kiện cho họ về chuyên môn bên cạnh yêu cầu trau dồi, tạo ra ý thức từ khi bắt đầu làm việc để tạo một thói quen. Còn nếu cứ để cuốn đi rồi yêu cầu nề nếp thì rất khó.

Bên cạnh đó là giữ thu nhập y bác sĩ ổn định. Là viện đầu ngành nên bác sĩ ở viện cũng có các chương trình đào tạo, chủ tọa hội nghị... và có thêm thu nhập. Vì thế, qua các kênh mà tôi tìm hiểu, có thể chỗ chúng tôi cũng có người bệnh còn "băn khoăn" nhưng chỉ là hãn hữu.

Tôi nghĩ đến kinh nghiệm của mình khi làm bác sĩ điều trị trước đây, nhiều bác tìm mọi cách gặp bác sĩ hóa ra chỉ để đưa phong bì, mà các bác ấy (có người ở quê) làm gì có tiền.

Nên chúng tôi phải tạo thói quen là phải làm tốt nhất có thể khi bệnh nhân đến, bệnh nhân hài lòng thì họ không phải "băn khoăn" nữa. Qua các khảo sát thì 75 - 80% người bệnh đến chỗ chúng tôi là hài lòng.

* Nhưng khi thu nhập y bác sĩ còn thấp, khi khám bệnh họ nói: lương thấp nên chỉ làm được như thế thôi. Theo ông nên có lương trước cho y bác sĩ để cho họ làm tốt, hay làm tốt trước rồi nghĩ đến lương? Và có nên để bác sĩ xác định từ đầu là làm nghề này là chấp nhận thiệt thòi?

- Nghề y là nghề chữa bệnh, cứ ví như một ông thợ chữa bệnh đi, nhưng như mọi ông thợ khác thì không phải ông nào cũng nhiều khách hàng.

Về lương, cần một nền tảng để họ đủ sống, còn muốn thu nhập cao hơn thì anh phải giỏi chuyên môn và có đạo đức, nếu anh có những cái đó thì sẽ có nhiều khách hàng đến với anh và anh có thu nhập cao hơn.

Nhưng giỏi rồi mà kiếm tiền bằng mọi giá thì cũng không phải, khía cạnh đạo đức và lương tâm là ở chỗ đó.

* Ông làm nghề y nối nghiệp của cha, chị gái ông cũng vậy, nhưng hai con ông thì không làm nghề này nữa. Ông có tiếc điều đó, vì dù như thế nào thì thầy thuốc vẫn là nghề giúp nhiều người và được xã hội trọng vọng?

- Tôi có hai con trai, con đầu làm kiến trúc sư đang sống ở Pháp. Con mê nghề chụp ảnh nên cuối tuần vợ chồng cháu vẫn đi chụp ảnh đám cưới như một việc làm thêm. Cháu thứ hai học về y sinh và hiện đang nghiên cứu về gene, có một chút là theo nghề cha ông.

Tôi không tiếc và chưa bao giờ ép con bởi vì muốn con đạt được ước mơ, làm điều gì tốt thì trước hết mình phải thích điều đó. Với cá nhân tôi, những năm trước mắt sẽ là những năm làm bác sĩ điều trị thật tốt và đi du lịch cùng vợ đến những vùng mà trước đây khi bận tôi chưa có dịp đến. Tôi cũng rất mong chờ những ngày tới.

Nhiệm vụ từ người bố

* Ông là con nhà nòi (bố ông Khánh là giáo sư Bạch Quốc Tuyên, viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học - Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, sau này tách ra thành Viện Huyết học - Truyền máu trung ương), hẳn là vào nghề rất thuận lợi. Có nhiều người nghĩ rằng vì ông thuận lợi từ nhỏ nên mọi thứ dễ dàng, kể cả vị trí?

- Vào những năm 1970 - 1980, việc các con đi theo nghề của bố mẹ gần như thành truyền thống trong xã hội của chúng ta.

Đó là một trong những lý do bố muốn tôi theo nghề y - nghề mà ông đã đam mê và theo đuổi rất nhiều năm. Đây là một trong những lý do chính bố thúc đẩy tôi tham gia thi vào Trường đại học Y khoa Hà Nội.

Khi chọn chuyên khoa này đúng là có ý kiến của bố tôi. Tôi lúc đó muốn thi nội trú ngoại, giáo sư Tôn Thất Bách đã dìu dắt một chút rồi, nhưng rồi bố nói nên học huyết học lâm sàng vì khi ấy lĩnh vực này chưa khai phá được gì, mọi thứ đều rất mới.

Có chăng về thu nhập là huyết học không thể làm phòng mạch tư được vì đòi hỏi thiết bị, trong khi bác sĩ tai mũi họng, sản, nhi, tim mạch... đều có thể khám phòng mạch.

Đúng là tôi có những thuận lợi, so với các bạn cùng khóa tôi cũng thuận lợi hơn, được học bài bản về huyết học lâm sàng.

Trong thâm tâm tôi luôn đặt ra mục tiêu là nối gót bố mẹ trong nghề nghiệp, cố đạt "một cái gì đấy" trong số những điều mà bố mong muốn như một nhiệm vụ đặt ra với bản thân mình.

Bố tôi muốn tôi trở thành bác sĩ để có thể giúp nhiều người, bởi vào giai đoạn của ông, việc chẩn đoán và điều trị bệnh máu chưa phát triển.

Những năm mới mở cửa mình còn rất thiếu thốn. Tôi còn nhớ khi học ở Pháp tôi học cả về viên sủi - loại thuốc mà lúc đó mình chưa có.

Ở giai đoạn sau này, lĩnh vực của chúng tôi phát triển nhanh, tôi đi học về ghép tế bào gốc, không biết bao giờ mình mới triển khai được thì năm 2006 chúng tôi đã triển khai ghép. Đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc.

Giá trị lớn lao để lại

MANH QUAN

TS Ngô Mạnh Quân

Tôi được làm việc với tiến sĩ Khánh ngay từ những ngày mới tốt nghiệp đại học y và bước vào nghề ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Hồi đó, anh Khánh còn rất trẻ nhưng đã toát lên tư chất của một người thông minh, học thức rộng và có những tố chất rất đặc biệt của một nhà quản lý cả trong và ngoài chuyên môn.

Chỉ cần một nhiệm kỳ làm lãnh đạo, anh Khánh đã chứng minh được tâm huyết, tầm nhìn và trí tuệ của mình. Anh xứng đáng với những gì mà các thầy cô, thế hệ đi trước đã kỳ vọng và giao cho anh. Và cả việc anh dừng quản lý khi đang ở phong độ rất tốt cũng là thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm lớn lao của người lãnh đạo trước tập thể.

Dù không còn công tác cùng anh ở viện nhưng tôi thực sự cảm nhận được giá trị lớn lao mà anh đã tạo ra cho viện, cho ngành huyết học - truyền máu.

TS Ngô Mạnh Quân (Bệnh viện Medlatec, nguyên phó giám đốc Trung tâm Máu quốc gia)

Bác sĩ Việt giúp Lào chống dịch Bác sĩ Việt giúp Lào chống dịch

TTO - Cuối năm, dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội ở tỉnh Khăm Muộn, Lào. Là tỉnh kết nghĩa, Quảng Bình đã cử đoàn cán bộ y tế qua hỗ trợ Khăm Muộn dù tình hình dịch bệnh trong nước vẫn phức tạp.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên