05/12/2015 17:43 GMT+7

Truyền thông và mê hồn trận thật giả

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Nhiều mặt trái của truyền thông cũng như của sự phát triển ồ ạt các chương giải trí là những nội dung đã được mổ xẻ tại tọa đàm diễn ra sáng ngày 5-12 tại đài truyền hình TP.HCM.

Ông Đào Duy Quát - phó chủ  tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung tương phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: H.Lê

“Cơ quan truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người, thông qua việc truyền tải các tác phẩm văn học nghệ thuật”. Tất cả các ý kiến trong buổi tọa đàm Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người và trách nhiệm của các cơ quan truyền thôngđều thống nhất quan điểm đó.

Tuy nhiên, một thực thế không thể phủ nhận đó là bên cạnh những ưu điểm, truyền thông Việt vẫn còn nhiều mặt hạn chế.

Riêng về lĩnh vực truyền hình, ông Đào Duy Quát - phó chủ tịch thường trực hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương cho biết hiện tại VN có đến 200 kênh truyền hình đang hoạt động. Sự nở rộ kênh khiến cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các đài lao vào các chương trình giải trí, câu khách để kéo quảng cáo - tạo doanh thu.

Nhà thơ Lê Tú Lệ - phó chủ tịch hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM nhìn nhận khá lo âu: “Hoạt động phê bình, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông của chúng ta vừa qua có biểu hiện quá thiên về việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học thuần thúy mà nhẹ phần phê bình với đúng nghĩa là phê và bình một tác phẩm văn học, nghệ thuật. 

Thậm chí việc lăng xê quá mức hoặc cố tình khai thác yếu tố giật gân của tác phẩm để câu khách trên một số tờ báo biểu hiện khá rõ. Điều này dẫn đến nghịch lý là tác phẩm tốt, có tính tư tưởng và tính nghệ thuật cao thì công chúng ít biết đến còn tác phẩm bình thường, thậm chí tác phẩm có tính giáo dục và thẩm mỹ kém thì công chúng lại đi xem rất đông, hoặc tìm đọc…”

Sự phát triển ồ ạt các chương giải trí đã giúp cho khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn, tuy nhiên điều này cũng có nhiều mặt trái.

Ông Nguyễn Trọng Trí - Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM nhận định: “Chúng ta có nhiều chương trình nhưng ít có chương trình hay, tạo ấn tượng đặc biệt, tạo được tính hấp dẫn lan tỏa từ hình tượng nghệ thuật....Nhiều chương trình đầu tư dàn dựng còn sơ sài, giá trị nghệ thuật không cao, chưa tạo được dấu ấn đặc sắc riêng của từng đài”.

Ông nhấn mạnh: “Sự loạn chuẩn, loạn giá trị trong văn học nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông là điều thấy rõ. Chương trình nào cũng tôn vinh” tuyệt đỉnh”, “ngôi sao”, “thần tượng” … tạo nên một mê hồn trận thật giả, khó đánh giá được tài năng đích thực. Có sự mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu chương trình: Thiếu các chương trình lành mạnh cho thiếu nhi, người cao tuổi, các chương trình cho công nhân, sinh viên, học sinh; sự mai một dần các chương trình truyền thống…”.

Trong 14 ý kiến tại buổi tọa đàm, có nhiều giải pháp được đưa ra. Theo bà Phan Bích Hà (Trường đại học sân khấu- điện ảnh) thì người sáng tác, chủ thể sáng tạo cần thay đổi tư duy sáng tác vì khán giả hôm nay không thụ động tiếp nhận mà có sự tương tác nhất định với tác phẩm mà và người sáng tác. Người sáng tác phải sáng tạo nên tác phẩm mà chính họ phải tin, phải tâm huyết với những điều mà họ đưa ra. Bà ví von: "Sáng tạo là cánh diều bay cao, nhưng nó phải được nối với sợi dây hiện thực ở mặt đất. Nếu khán giả không tin, thì sẽ không bao giờ chạm được vào trái tim của họ."

Ông Trần Trọng Trí phát biểu: “Các đài thường xuyên thăm dò nhu cầu khán thính giả và đáp ứng đa dạng đối tượng, đặc biệt quan tâm đến đối tượng trẻ, thanh thiếu niên… Cơ quan truyền thông tăng cường thẩm định đánh giá tác phẩm trước khi phát sóng. Xem đây như bộ lọc trước khi đưa sản phẩm đến quần chúng. Cần có cơ chế phối hợp đầu tư với đơn vị sản xuất xã hội hóa ngay từ khâu ý tưởng đến sản xuất, không khoán trắng cho đơn vị xã hội hóa.”

Về giải pháp lâu dài, ông Trí nhấn mạnh: “Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động tuyên truyền văn học nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông. Quy định rõ thời lượng, nội dung đối tượng, tránh phát triển tràn lan, thiếu chọn lọc nhưng cũng tránh việc bị động, buông lỏng.”

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên