Minh họa: KIM DUẨN |
Dọn dẹp mười cái cầu tiêu và hai khu tiểu của gần năm trăm em học sinh nam và nữ, cùng hai cái cầu tiêu của giáo viên.
Một nhà sư phạm đáng kính cay đắng:
- Những trưa trời nắng gắt và nổi gió thì thà... nín còn hơn.
Gương mặt nhà sư phạm tỏ rõ sự đau khổ.
Trong một cuộc họp hội đồng sư phạm, có nam giáo viên nêu ý kiến thử nghiệm học sinh và giáo viên dùng chung khu WC nhằm cải thiện tình hình ô nhiễm nhưng người phát biểu chưa kịp đặt mông xuống ghế, một cô giáo vạm vỡ đã vung tay trúng mặt người ngồi bên, hậm hực:
- Thầy cô và học trò dùng chung thứ gì cũng được nhưng không thể dùng chung nhà vệ sinh, vì như thế là không... tôn sư trọng đạo.
Sau lễ chào cờ đầu tuần, sau khi vắn tắt thông báo tình hình học tập và khen thưởng học sinh các lớp, bao giờ thầy hiệu trưởng cũng giáo dục các em về giữ gìn vệ sinh chung, chủ yếu ở khu WC. “Bỏ giấy vào giỏ! Giội nước!”.
Câu khẩu hiệu này chiếm chỗ các câu tuyên truyền về học tập hay cổ xúy đạo đức như trồng người, học lễ nghĩa...Tuy nhiên vẫn bàng bạc mùi hôi thúi, truyền thống ai đi sau người đó giội nước vẫn phát huy và giấy vệ sinh vẫn vứt tung bừa bãi.
Trong lịch sử học đường, có lẽ chỉ có một trường hợp học sinh xin chuyển trường liên quan đến khâu vệ sinh: một nữ sinh lớp Tám đi học bằng ôtô có tài xế đưa đón một lần đi WC, về nhà khóc với cha mẹ vì quá kinh hãi.
Cha mẹ em chỉ còn biết khuyên em... nín nhưng vì em mắc bệnh hễ thầy cô gọi trả bài là đau bụng nên không cách chi nín được.
Cô bé học hành sa sút, sức khỏe suy giảm rõ rệt. Thương con, cha cô đề nghị thầy hiệu trưởng cho phép xây riêng một cái cầu tiêu cho con.
Tất nhiên đề nghị có nguy cơ gây ra xung đột nội bộ vì phân biệt đối xử này không được chấp thuận. Thế là cô bé chuyển sang học trường quốc tế cách nhà ba trăm cây số.
Khi anh cầm quyết định thuyên chuyển đến trường X, anh rất quan tâm đến khu WC của học sinh vì câu chuyện chuyển trường độc đáo của cô nữ sinh lớp Tám trường này lan truyền trong ngành giáo dục.
Trong một cuộc họp giáo viên, anh hùng hồn đề nghị:
- Nền giáo dục nhà trường góp phần quan trọng định hình nhân cách người công dân trong xã hội tương lai.
Ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng và bảo vệ môi trường được hình thành và nuôi dưỡng từ lúc các em còn ngồi trên ghế nhà trường, qua những hành động cụ thể. Tôi đề nghị năm học này, chúng ta đưa nội dung “Khu WC sạch - Lớp thơm” vào tiêu chí thi đua...
Mọi người đều quá ngán ngẩm hít thở mùi nồng nặc phản giáo dục nên rất tán thành và vì anh là người đề xướng nên được chỉ định làm trưởng ban chỉ đạo.
Ngay sau khi rời phòng họp, cô giáo xinh xắn nhất trong các cô còn độc thân đã cố tình nuốt mất mấy chữ “trưởng ban chỉ đạo thi đua làm sạch môi trường học đường” mà chỉ gọi anh vắn tắt là Thầy WC.
Anh trắc nghiệm học sinh lớp Chín của mình làm chủ nhiệm bằng đề văn về nhà: “Em hãy tả khu WC trường em và cho biết cảm tưởng của mình”.
Anh dành một ngày chủ nhật để phân loại, nhận xét hơn bốn mươi bài văn.
Trong đó, có phân nửa bài giống nhau vì được chép từ một bài văn mẫu, đám học trò chưa bỏ thói quen làm văn phải dựa vào bài văn mẫu, đại loại: khu WC ốp gạch men trắng, trong không khí phảng phất mùi nước hoa dành cho toa lét...
Phân nửa bài còn lại, các em tả thực với các chi tiết: hôi thúi, nước bẩn chảy tràn lan, giấy vệ sinh như tờ bướm các anh chị bỏ vào giỏ xe người dừng đèn đỏ rồi những người này vứt ngay xuống đường...
Các bài văn này có một chi tiết giống nhau: các em phải bịt mũi đến ngạt thở gần té xỉu nên vù ngay, quên giội nước.
Kết luận của các em trong phân nửa bài văn tả thực đều ước ao cầu tiêu ở trường cũng sạch sẽ như cầu tiêu ở nhà mình, có một kết luận làm anh chú ý:
“Các thầy cô thường giảng dạy, hô hào về những điều xa vời như bảo vệ môi trường toàn cầu, chống biến đổi khí hậu thế giới, nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi cái nhỏ nhặt ở ngay bên lỗ mũi mình hít thở hàng ngày thì không có hành động làm thay đổi nó”.
Bài văn này của trò Y, lớp phó văn thể.
Anh động viên Y làm tổ trưởng tổ cờ xanh nam, tổ nữ sẽ thành lập sau, dự kiến có mười tổ viên.
Tổ này có nhiệm vụ phát hiện, cưỡng chế đồng môn giải quyết ngay những gì mình thải ra chứ không trút trách nhiệm cho người đến sau, việc mình gây ra thì mình phải giải quyết hậu quả chứ không di họa cho người khác. Anh động viên Y:
- Đã qua thời kỳ tuyên truyền, vận động. Nay, chúng ta phải hành động cụ thể...
- Thưa thầy! Hành động cụ thể là mình phải rình ngay trước cửa nhà vệ sinh?
Y hỏi rụt rè nhưng nghe xỏ lá thế nào! Vì sợ phải rình ngay trước cửa cầu tiêu để trừng phạt bạn mình nên em từ chối làm tổ trưởng.
Ai cũng thấy, cũng biết, cũng hít thở mùi ngột ngạt vào buồng phổi và ai cũng muốn đem bầu không khí trong lành đến cho cộng đồng nhưng mọi người không chung tay hành động.
Hay chỉ còn cách phá hủy khu WC rồi xây mới hoàn toàn và thiết lập kỷ cương ngay từ ban đầu? Ông thầy WC tìm cách thuyết phục ban giám hiệu trường trung học cơ sở X phương án mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận