09/07/2017 12:29 GMT+7

Truyện ngắn 1.200: Thâm tình

NGUYỄN CHÍ NGOAN
NGUYỄN CHÍ NGOAN

TTO - Một tối sau đám giỗ nội, chiêm bao thấy nội về ngồi ngay ở bộ bàn uống nước trà. Vẫn dáng người nhỏ thó, vẫn gương mặt buồn buồn khắc khổ, vẫn những cái mấp máy môi yếu ớt. Tôi đã cố lắng nghe nội muốn nói gì.

Minh họa: TRẦN NGỌC SINH
Minh họa: TRẦN NGỌC SINH

Tôi đã cố hỏi nội thật nhiều. Nhưng đáp lại những câu hỏi dồn của tôi là một ánh mắt buồn hiu hắt. Giật mình tỉnh dậy. Nghe gối chăn cũng buồn. Nội mất 9 năm mà ngỡ như vừa mới đây thôi, trôi qua trong thoáng chốc.

Sáng, kể cho má nghe về giấc mơ lạ lùng đêm qua. Nghĩ chắc nội muốn nhắn nhủ gì đó. Má thở dài, chắc ông nội bơ phờ vì phải chạy đi ăn đám giỗ... của mình, nên mới mệt nhoài đến vậy.

Tôi chẳng nói gì, vì biết đâu đấy... Lúc còn sống, nội cũng chạy tới chạy lui từ nhà chú Út đến nhà bác Hai để mong hàn gắn lại chút thân tình, khi bận chia của, người chê ít, người kể công.

Người ta thương cái thân già trước ngày tàn của cuộc đời vẫn cố mong nắm níu các con lại với nhau như cái thời chia đôi trái ổi, trái bần...

Chiều ông, người này giả lả, người kia ậm ờ. Những ngày cuối đời nội, coi bộ cũng êm xuôi, dù mỗi người lại sắm cho mình một vai khác nhau.

Ngày nội mất, mọi thứ trở về trạng thái ban đầu. Bữa đưa ông về đất đã ám mùi ganh tỵ. Con đông coi ra cũng khổ. Chôn được ngày với người này lại kỵ người kia, chọn giờ Tý lại khổ đứa con trai tuổi Dậu, chọn giờ Sửu lại thiệt đứa tuổi Mùi.

Nội có chín mặt con nên ông thầy bói lại càng bối rối. Sau “cuộc chiến” về ngày giờ hạ huyệt là mối lo về ngày giỗ quảy, rằng nghèo Út ăn giàu Út chịu, mà chú Út ứ chịu, chú phải cãi số.

Nên mấy bận cúng giỗ nội, chưa đụng tới cái đuôi con heo đã phải nuốt trộng con “chằm dằm” của thím Út. Lần nào trở về từ đám giỗ ai cũng no ngang hông. Bị thím so kè đứa đi ít, đứa con cái ăn uống hàm hồ, thấy xốn con mắt.

Mỗi ngày một lợt lạt cho cái gọi là bổn phận. Chẳng còn cái đám giỗ, con cháu quy tựu về, đứa góp con vịt, đứa gói bánh tét bơi xuồng chở ra cúng nội, đứa quày chuối, ổ gà ta...

Thương làm sao tiếng dao va vào thớt đều đều cả gian nhà nhỏ. Tiếng nước sôi, tiếng gà vịt kêu eng éc... Mùi khói bếp thơm nồng, xông vào cánh mũi. Đám trẻ xớ rớ dời đồ đạc lung tung bị người lớn la choi chói...

Bác Hai thều thào với hành trình tìm về ký ức, không biết bao nhiêu lần bác nhắc lúc sinh thời ông nội khó trời thần, nhắc cô Chín được ông bà nội cưng động trời, chú Út cua gái mà sợ ma nên bắt mấy anh đi cùng, bác nhắc chuyện ngày xưa bé tí.

Không dưng thấy nhớ cái không khí đêm nhóm họ. Dòng họ đông đủ, không thiếu một ai. Thiệt nhiều lúc phục nội, biết lựa ngày chết (ngày cả nước được nghỉ) để con cháu được sum vầy.

Mỗi người mang đến một câu chuyện khác nhau sau bao ngày chia tách. Tôi từng mong ngóng từng câu chuyện như thế, để tò mò về những tháng ngày họ sống, để thấy chia tách chẳng là gì cả khi người ta còn nhớ nhau.

Nhưng vô tình những câu chuyện ấy lại khiến người thân xa nhau. Chỉ vì anh kia có nhà mặt tiền ngay phố, chị nọ giật hụi, lấy chồng người ta, kẻ giàu người hèn, coi bộ cũng khó ngồi chung mâm.

Rồi đến một ngày, thằng con chú Út chấm dứt ngữ cảnh mặn lạt của dòng họ, khi một hôm nhậu say nổi hứng “dọn” bàn thờ của ông bà nội xuống đất. Họp dòng họ.

Người ta từ mặt nhau bằng những lời nói bén ngót, cũng vừa tội cho ông Út ngày xưa bạc đãi mẹ cha, giờ bị thằng con trả báo, phá làng phá xóm không được về làm tan nhà nát cửa, chửi cha mắng mẹ.

Cho nên người nhặt ba cây chân nhang về, người họa hình lập bàn thờ, thờ ên, cúng ên (có người từ đầu không chịu cúng, về sau thấy đi đám tiệc có lời cũng ham). Khỏi qua lại, khỏi làm bộ làm tịch với nhau.

Lại được cả cái danh hiếu đạo. Trong tiếng nhạc xập xình chẳng thấy ai nói với ai câu gì. Tình thân được đo bằng độ dày của chiếc phong bì. Từ độ đó, anh em chia dòng, con cháu ra đường có khi không buồn ngó nhau. Ký ức về nội cứ thế nhạt dần rồi đi vào quên lãng.

Chiều ngang qua nhà nội. Hỏi đứa trẻ hàng xóm, chú thím Út đi đâu để nhà cửa tối thui. Nó bảo rằm nào nhà chú Út cũng hương khói lên chùa lễ phật, hóa giải nạn kiếp.

Nghe đâu thím coi thầy, thầy phán nhà bị yểm bùa, yểm ngải nên thằng con trai thím mới về quậy quạng, chứ con thím, thím biết nó hiền khô hà. Cổng rào đóng kín bưng, có muốn vào thắp cho nội nén nhang cũng khó.

Ngó mấy gốc mai tàn úa trong vườn mà tiếc đầm đìa lúc nội vác cuốc, móc đất vun trồng. Nhà cửa vắng tanh, con chó lạ hơi sủa ăng ẳng. Tự nhiên thấy ký ức về ngôi nhà của nội bị hao hụt đi mấy phần.

Về thuật lại cho má nghe. Má cười, ông nội ở nhà người khác rồi. Mày lo cái gì? Chợt nghĩ, phải biết giờ nội ở đâu để nhắn với nội đừng có về nhà đó nữa. Buồn lắm nghen nội.

Ba nhậu say về ngồi khóc trước bàn thờ nội, từng ngọn khói nối nhau bay đi mải miết, chỉ có tro tàn ở lại. Nát vụn. Hình như có cái gì đó vừa dào dạt tan đi, mà chẳng bao giờ giữ lại được.

NGUYỄN CHÍ NGOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên