TT - Cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 125 vốn đã nằm lòng "Khúc bi tráng 14-3", đã bao lần làm lễ truy điệu, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của các tàu HQ505, 604, 605 ngay tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Ðao.
"Tháng ba biên giới": đồng tiền nặng nghĩa nặng tìnhMuốn ổn định phải có biên giới vững chắc
Phóng to |
Ông Uông Xuân Thọ (thứ ba từ trái sang), nguyên máy trưởng tàu HQ 605 và trung tá Phạm Văn Hưng (bìa phải), nguyên cán bộ tàu HQ 505, giao lưu cùng các bạn trẻ - Ảnh: Minh Đức |
Phóng to |
Ông Uông Xuân Thọ (giữa), nguyên máy trưởng tàu HQ605 và ông Nguyễn Đại Thắng (bìa trái) - nguyên máy trưởng tàu HQ505 thuộc Lữ đoàn 125 - giao lưu cùng các đại biểu - Ảnh: Minh Đức |
Nhưng lễ dâng hương sáng 10-3 tại tượng đài của lữ đoàn ở Tân Cảng vẫn là một điều đặc biệt. Ðặc biệt vì đây là lần đầu câu chuyện 25 năm trước được nhắc đến thật trang trọng và xúc động trước rất nhiều bạn trẻ khách mời của diễn đàn thanh niên "Tuổi trẻ với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc". Ðặc biệt vì với sự quan tâm của rất nhiều giới, nhiều thế hệ, các sĩ quan, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, hải đảo hay biên giới, dù tít mù xa nhưng đã thật sự thấy mình không đơn độc.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Chạm tay vào lịch sử
Vòng tròn bất tử của tàu 604, cuộc bảo vệ cờ của tàu 505, ngọn lửa bao trùm tàu 605… những câu chuyện được các cựu chiến binh kể lại rành mạch trong từng chi tiết, bồi hồi trong từng câu từ như mới xảy ra hôm qua. Nhưng đó chỉ là cảm giác giữa các cựu chiến binh với nhau.
Bên cạnh, một bạn trẻ nhẩm tính: "Tháng 3-1988, lúc đó mình mới có 4 tháng tuổi à, mới biết bú mẹ thôi". Bạn bên cạnh thầm thì: "Hồi năm 1988 em còn chưa sinh ra". Hôm nay các bạn đã là những cán bộ trẻ, sinh viên đại học, nghe câu chuyện của 25 năm trước ngỡ như quá xa xôi. Nhưng rồi khi bước vào hội trường của Lữ đoàn 125, chiếc bàn trưng bày các kỷ vật đã được trục vớt từ lòng biển hút lấy các bạn trẻ. Này là đôi dép nhựa Tiền Phong, này là chiếc bát ăn cơm, này là cái săm xe đạp vẫn còn nguyên cuộn, này là cái la bàn…
"Mình vừa đọc báo về mấy vật này hôm trước" - Trần Hà Giang, sinh viên Trường ÐH Khoa học xã hội và nhân văn, mừng rỡ đưa ngón tay chạm vào chiếc la bàn. Những vệt cát đọng, hà bám, hoen gỉ trên các món kỷ vật như biến mất, mọi thứ như sống lại, cựa quậy để kể câu chuyện về chủ nhân của chúng, những chiến sĩ yêu hòa bình và luôn ước mong một cuộc sống tốt đẹp.
"Thật may mắn khi mình được nhìn thấy, được sờ tận tay. Còn biết bao nhiêu chuyện mình muốn được biết, để hiểu giá trị của cuộc sống hôm nay" - Hà Giang xúc động. Sinh năm 1992, đã nhiều lần lên mạng để tìm hiểu thêm thông tin những điều chưa rõ, Giang bảo hôm nay bạn đã được chạm tay vào lịch sử để biết khi nghe người lớn nói "máu xương của các thế hệ cha anh đã thấm vào từng hạt cát của Tổ quốc" là rất thật.
Phóng to |
Các bạn sinh viên xem những kỷ vật còn sót lại của các cán bộ, chiến sĩ tàu HQ604, HQ505 được trưng bày tại buổi giao lưu sáng 10-3 - Ảnh: M.Đức |
Cả ông Uông Xuân Thọ, nguyên máy trưởng tàu 605 và ông Nguyễn Ðại Thắng, nguyên máy trưởng tàu 505, cùng tâm sự rằng năm ấy, khi nhận lệnh lên tàu ra Trường Sa ngay khi tết còn chưa kịp hết, ngay mùa bão gió dữ dội trên biển Ðông, mọi người đều đã lường được tình thế nguy hiểm.
"Thế nhưng không ai cho phép mình sợ hãi, lường trước khó khăn là để tìm mọi cách vượt qua, hạn chế thương vong cho tàu và chấp nhận hi sinh cho mình" - ông Thọ nhắc lại những suy nghĩ của mình ở tuổi 27 thật mạnh mẽ. Là máy trưởng, ông Thọ chỉ rời đài chỉ huy có ba giây trước khi viên đại bác của tàu đối phương bắn thẳng vào buồng máy. "Bị bắn cháy, không thể lao lên đảo như tàu 505 nữa, chúng tôi rời tàu".
Câu chuyện kể như một bộ phim, và ông Thọ kể tiếp: "Các chiến sĩ của tàu chúng tôi năm ấy còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20 tuổi, có người mới được huấn luyện 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, có người mới đi biển lần đầu. Vậy mà khi vào trận, tất cả đều rất bình tĩnh, quyết tâm và quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Tôi rất cảm phục họ và nhớ đến họ, tôi rất tin vào lớp trẻ hôm nay. Yêu Tổ quốc, các bạn nhất định cũng sẽ như vậy dù mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau, chỉ cần mang tình yêu ấy vào công việc của mình và phấn đấu để trưởng thành". Tiếng vỗ tay dậy lên trong hội trường như để đáp lời ông.
Phóng to |
Đông đảo đoàn viên, thanh niên dâng hương tại tượng đài các anh hùng liệt sĩ thuộc Lữ đoàn 125 sáng 10-3 - Ảnh: M.Đức |
Tiếng sóng vào lòng
“Tuổi trẻ với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” Là một hoạt động trong chương trình “Tháng 3 biên giới”, diễn đàn thanh niên “Tuổi trẻ với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” do báo Tuổi Trẻ và Lữ đoàn 125 đồng tổ chức vào sáng 10-3 tại hội trường Lữ đoàn 125. Tham gia giao lưu diễn đàn có các đoàn viên thanh niên Quận đoàn 2, các thầy cô giáo Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM, các sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cán bộ công nhân viên báo Tuổi Trẻ và các sĩ quan, chiến sĩ Lữ đoàn 125. Trước đó, đoàn tổ chức dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ tàu không số thuộc Lữ đoàn 125 tại Tân Cảng. |
Nhắc đến những lần được đến Trường Sa, được đứng nhìn làn nước xanh thẳm đang cuộn ôm trong mình câu chuyện bi tráng về Gạc Ma, nhà báo Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ) kể về những giọt nước mắt trên gò má những cựu chiến binh đến từ chiến dịch Ðiện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh mà anh chụp được.
"Nhìn những người lính già đứng khóc đồng đội, khóc thế hệ con em của mình thật xót xa nhưng cũng thật vững tin vào tình yêu và niềm tự hào Tổ quốc" - Quốc Việt chia sẻ điều mà anh chiêm nghiệm. Nhà báo My Lăng cũng kể về tâm trạng của chị khi tàu thả neo hướng về Gạc Ma và những vòng hoa được thả xuống: "Khi ấy tôi nghĩ về một người vợ đã hơn 20 năm khóc chồng. Rồi mười mấy năm sau đó, cô lại một lần nữa rơi nước mắt và lại tiếp tục những đêm trằn trọc khi con trai mình ngỏ ý tiếp tục tiếp bước cha lên tàu hải quân. Cô đã gật đầu để con trai trở thành chiến sĩ của Lữ đoàn 125. Tôi ước chi người vợ ấy được một lần đến vùng biển này…".
Ngồi phía dưới, bà Nguyễn Thị Tần chặm nước mắt. Bà chính là người phụ nữ mà chị My Lăng kể, là vợ của anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604. Vũ Xuân Ðăng, con trai bà, cậu bé chỉ mới 5 tuổi khi cha hi sinh, hôm nay chững chạc trong bộ quân phục hải quân, thay mẹ lên sân khấu.
Tuy đã là thiếu úy pháo thủ, Ðăng vẫn phải mất một phút để nén xúc động khi cầm micro: "Khi cha mất tôi còn quá nhỏ, nhưng từ đó đã được lớn lên với niềm tự hào về cha mình và những câu chuyện về Trường Sa. Mong muốn được trở thành chiến sĩ hải quân đã nung nấu trong tôi suốt những năm tháng đó, và cũng phải mất nhiều thời gian để thuyết phục mẹ. Cuối cùng tôi đã được toại nguyện, được theo bước cha, và tôi nguyện sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho Tổ quốc như cha tôi".
Ngọn lửa mà anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ đã thắp lên trong con trai mình như được Vũ Xuân Ðăng truyền đến cho các bạn đồng lứa. Kết thúc cuộc giao lưu, một lần nữa các bạn lại vây quanh chiếc bàn đặt những món kỷ vật đơn sơ. Ngắm nghía, quan sát một lần nữa, cặm cụi ghi chép, chụp ảnh một lần nữa, những món kỷ vật như đang lấp lánh một ánh sáng mới sau khi câu chuyện về "vòng tròn bất tử" trên bãi san hô Gạc Ma vừa được sống dậy.
Trên đường về, mấy bạn trẻ lại chuyền tay nhau lời bài hát Tổ quốc nhìn từ biển mới học được trong cuộc giao lưu, và ngân nga: "Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận