17/06/2018 15:11 GMT+7

Trường truyền dạy kiến thức bản địa của những người yêu sông Mekong

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - "Trường Mekong vì kiến thức bản địa" ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan được thành lập với hi vọng tạo ra một không gian học tập về tri thức bản địa cho người người dân.

Trường truyền dạy kiến thức bản địa của những người yêu sông Mekong - Ảnh 1.

Trường Mekong vì kiến thức bản địa - Ảnh: HỒNG VÂN

Ngôi trường do những người yêu sông Mekong ở tỉnh Chiang Rai và một số tổ chức phi chính phủ địa phương thành lập, xuất phát từ nhận thức rằng những tác động tiêu cực đến dòng sông Mekong xảy ra hằng ngày và không thể đảo ngược, khiến người dân địa phương sẽ mất dần kiến thức và văn hóa bản địa.

Sông Mekong thay đổi bất thường

Trường nhìn thẳng xuống dòng sông Mekong. Chỗ ngồi sinh hoạt, học tập bên dưới những chòi lá. Một vườn rau nhỏ trồng các loại rau bản địa. Thức ăn được nấu từ những chiếc nồi trên ngọn lửa reo vui từ lá và cành cây. Ấm nước được bắc trên một cái bếp ba chân uốn từ thanh sắt, chụm bằng cành củi.

Có khoảng 10 thành viên tham gia nhóm sáng lập nhà trường gồm nhà nghiên cứu, quay phim, giáo viên về hưu. Ông Niwat Roykaew, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội chịu trách nhiệm điều hành ngôi trường.

Học viên sẽ đi thực tế ngay bên bờ sông Mekong, làm việc tại các vườn rau của dân, theo dân đi đánh cá, thảo luận về lịch sử lập làng, lịch sử nghề bắt cá tra dầu (nay đã ngừng khai thác), sinh thái và văn hóa địa phương... với những người lớn tuổi, nhà giáo, nhà khoa học.

Ông Niwat Roykaew tin rằng những kiến thức này là hành trang cần thiết cho thế hệ trẻ mang theo vào tương lai.

Ông nói: "Khi còn trẻ, tôi chưa bao giờ phải đi học về sông Mekong nhưng sống với nó hằng ngày và hiểu nó như hiểu mình. Đến cuối đời, tôi thấy mình có trách nhiệm nói với mọi người về những kiến thức ông cha đã tích lũy qua nhiều thế hệ vì nếu không nói thì lối sống và văn hóa liên quan đến dòng sông sẽ mất đi"...

Hai mươi năm qua, từ khi các con đập ở phía thượng nguồn sông Mekong được xây dựng ở Trung Quốc, người dân ở Chiang Khong chứng kiến sự thay đổi bất thường của mực nước vào bất kể mùa nào trong năm.

Mùa khô, mực nước xuống thấp, họ gieo hạt, trồng rau, trồng bắp. Khi cây lên được nửa chừng thì nước dâng lên bất ngờ khiến họ trắng tay. Đến các loài chim cũng dần bị hủy diệt, chúng đẻ trứng trên những tảng đá nổi giữa dòng sông nhưng nước dâng lên bất ngờ cuốn trôi cả tổ.

Kiến thức bản địa đơn giản là biết cách mùa nào đánh cá, chỗ nông sâu trên dòng sông, hiểu về quy luật của dòng sông khi mưa khi nắng.

Ông Niwat Roykaew

Cá ngày càng ít

Bà Lampoo Srinawa, 40 tuổi, có hai người con nay đã trưởng thành, cho biết: "Chiang Khong có loại tảo sông rất ngon - tiếng địa phương gọi là khày. Ngày xưa, khi nước sông lên xuống theo quy luật, vào cuối mùa khô - tháng 3, tháng 4, nước cạn, phụ nữ chúng tôi đi vớt khày đem về phơi. Mỗi tuần tôi có thể kiếm được 400-500 baht.

Nhưng 10 năm qua, dòng nước thay đổi thất thường, chúng tôi không đi vớt khày được nữa. Riêng năm 2018, khày xuất hiện trở lại nhưng chỉ một tuần".

Anh Chaiwat Dongthida, một ngư dân kỳ cựu, cho biết thu nhập từ nghề cá của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những thay đổi của con sông Mekong: "Cá ngày càng ít đi đến nỗi chẳng bù được cho chi phí đầu tư mua sắm dụng cụ đánh bắt. Ngày xưa, vào đầu mùa mưa, dân làng tôi tụ tập cùng nhau chuẩn bị ngư cụ rất vui, nay không còn cảnh rộn ràng trước mùa đánh cá nữa".

Những kinh nghiệm sống liên quan đến con sông Mekong qua bao đời không còn đúng nữa. Người dân phải lao động vất vả bằng những nghề khác để bù cho nguồn sinh kế bị mất đi từ dòng sông và những thiệt hại bất ngờ do dòng nước bất thường gây ra.

Đấu tranh bằng kiến thức bản địa

Trường Mekong vì kiến thức bản địa lấy kiến thức bản địa làm công cụ để bảo vệ quyền của người dân địa phương, dùng tri thức khoa học của nhân dân để đấu tranh trong vấn đề Mekong. Những nghiên cứu về sinh thái địa phương trường tổ chức có sự tham gia của ngư dân, nông dân, phụ nữ, người già... những người rất am hiểu về sông Mekong.

Cùng nhau, họ so sánh cách vận hành của con sông trước và sau khi có các đập thủy điện ở thượng nguồn. Các nỗ lực vận động của ông Niwat cho thấy các công trình lớn gây ra những ảnh hưởng có hại đến hệ sinh thái của sông Mekong và đời sống của người dân ven sông.

Theo luật giáo dục ở Thái Lan, các trường đảm bảo 70% thời lượng theo chương trình chính, 30% thời lượng linh động dạy kiến thức địa phương.

Giáo viên ở Chiang Khong chủ yếu dạy học sinh nghề dệt thổ cẩm nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng văn hóa bản địa địa phương. Ông Niwat đã bàn với các trường cấp 2, 3 trên địa bàn để hợp tác lồng ghép các nội dung học về kiến thức bản địa vào thời khóa biểu.

Học sinh được học về lịch sử lập làng, nghề truyền thống, sinh thái của con sông Mekong ở Chiang Khong... Theo ông, đây là một cách đấu tranh mềm dẻo để bảo vệ con sông trước những dự án phát triển thiếu bền vững ở thượng nguồn và bảo tồn văn hóa địa phương.

Mekong cần dòng chảy tự do

Khi chúng tôi đến Trường Mekong vì kiến thức bản địa, thời điểm gần một tháng sau tết Songkran ở Thái, vài chục người dân địa phương đang ngồi quanh ông Niwat Roykaew ở một dãy bàn dài. Họ đến chúc ông sức khỏe theo phong tục truyền thống.

Ông là một nhà giáo về hưu và nhà hoạt động tích cực về các vấn đề về sông Mekong. Quan điểm của ông là Mekong cần tự do chảy mà không bị chặn bởi các đập thủy điện vì lợi ích sinh thái, môi trường và vì sinh kế của nhiều triệu người sống ven sông vượt xa những giá trị về điện.

Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong

TTO - Viện Lowy của Úc tiếp tục đánh động thế giới về mưu đồ của Trung Quốc đối với sông Mekong, đặc biệt sau khi nước này quân sự hóa xong Biển Đông. Đông Nam Á cần phải hành động trước khi quá muộn.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên