14/03/2020 13:11 GMT+7

Trường tỉnh trước làn sóng sáp nhập

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Không chỉ trong tầm ngắm của các tập đoàn giáo dục, nhiều trường ĐH, CĐ ở các tỉnh thành đang rục rịch bước vào cuộc “hôn nhân” với các trường ĐH lớn.

Trường tỉnh trước làn sóng sáp nhập - Ảnh 1.

Trường CĐ Kinh tế tài chính Vĩnh Long được sáp nhập và trở thành phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long - Ảnh: K.T.

Đầu tháng 1-2020, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và đưa ra đề xuất về việc Trường ĐH Quảng Nam trở thành thành viên của ĐH này. Việc này nhằm nâng tầm, tạo vị thế mới cho Trường ĐH Quảng Nam cũng như giải quyết vấn đề tuyển sinh của trường này vì liên tiếp trong 3 năm gần đây, tỉ lệ tuyển sinh của trường đạt khá thấp so với chỉ tiêu.

“Có thời gian do thành lập quá nhiều trường CĐ, ĐH nên sinh ra khủng hoảng thừa, tuyển sinh khó khăn. Đây là thời kỳ quá độ để sắp xếp lại và khẳng định giá trị thực của các trường CĐ, ĐH. Việc sáp nhập sẽ tốt lên nếu đúng hướng, đúng mục tiêu; còn ngược lại, nếu không đủ chuẩn, không đủ năng lực sẽ dẫn đến tự đào thải.

TS Trần Đình Lý


Nhiều phương án sáp nhập

Xu hướng sáp nhập, liên kết các trường là điều cần thiết trong bối cảnh số lượng trường ĐH, CĐ rất lớn trong khi không ít trường chật vật tuyển sinh, chất lượng giáo dục chưa đồng đều, nguồn lực xã hội bị phân tán, kém hiệu quả. 

Tháng 12-2019, Bộ GD-ĐT có quyết định thành lập phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long trên cơ sở Trường CĐ Kinh tế tài chính Vĩnh Long. 

Đây thực chất là hình thức sáp nhập Trường CĐ Kinh tế tài chính Vĩnh Long vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Trước đó, Trường CĐ Tài chính hải quan cũng đã được sáp nhập vào Trường ĐH Tài chính - marketing.

Dự báo trong thời gian tới, hình thức sáp nhập, thành lập phân hiệu này sẽ bùng nổ với hàng loạt đề án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. 

Mới đây, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và UBND tỉnh Ninh Thuận đã họp bàn về việc sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận. 

TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết: "Phân hiệu tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, nhân sự lựa chọn theo nhu cầu, sự phù hợp chuyên môn và nguyện vọng để làm việc tại phân hiệu hoặc chuyển về trường THPT theo sắp xếp của địa phương. Đề án đã được thông qua. Hiện trường đang làm công tác nhân sự và sắp xếp vị trí việc làm để trình Bộ GD-ĐT".

Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ đã có đề án chuyển đổi Trường CĐ Sư phạm Long An thành Trường ĐH Cần Thơ cơ sở Long An. Theo đề án này, Trường ĐH Cần Thơ sẽ tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất và nhân sự, mở rộng quy mô đào tạo, nghiên cứu và vẫn tuyển sinh các ngành CĐ sư phạm. 

GS.TS Hà Thanh Toàn - hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết trường đã hoàn tất đề án gửi tỉnh Long An. Khi có ý kiến chấp thuận trường sẽ báo cáo bộ để xin phép thành lập cơ sở tại đây. Tuy nhiên, ông Toàn cho biết đây là cả một quá trình dài với rất nhiều thủ tục.

Một số trường CĐ khác cũng được đề xuất sáp nhập vào các trường ĐH. Trong đó, Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị sáp nhập với phân hiệu Quảng Trị của ĐH Huế để trở thành Trường ĐH Sư phạm - kỹ thuật Quảng Trị, trực thuộc ĐH Huế. 

TS Nguyễn Thị Thu Hà - phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Sư phạm Gia Lai - cho biết trường đã có báo cáo tỉnh về việc hợp tác với Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo đó, chuyển Trường CĐ Sư phạm Gia Lai thành cơ sở của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại Gia Lai.

Trường tỉnh trước làn sóng sáp nhập - Ảnh 3.

Trường ĐH Quảng Nam được đề xuất trở thành thành viên của ĐH Đà Nẵng - Ảnh: LÊ TRUNG

Giảm lượng, tăng chất

Trở lại đề xuất của Quảng Nam có thể thấy tình hình tuyển sinh của Trường ĐH Quảng Nam trong vài năm qua không thực sự tốt. Năm 2019, trường chỉ tuyển được 215 sinh viên trong khi chỉ tiêu là 1.700 cho cả bậc ĐH và CĐ. Tuyển sinh đạt kết quả thấp đã kéo theo rất nhiều hệ lụy như ngân sách nhà nước bị cắt giảm, ảnh hưởng công việc và thu nhập của cán bộ, giảng viên.

TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết tuyển sinh của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai những năm qua rất khó khăn, năm 2019 chỉ tuyển được hơn 90 sinh viên. 

"Năm 2020 dự báo còn khó khăn hơn khi trường chỉ được tuyển một ngành là mầm non. Trường đã thực hiện nhập các phòng ban, tinh giản biên chế, tăng kiêm nhiệm, không bổ nhiệm nhân sự mới, ưu tiên giảng viên chuyển công tác. Nếu không thực hiện trở thành cơ sở của trường ĐH, trường đề xuất không duy trì việc đào tạo chính quy mà sáp nhập các trường CĐ của tỉnh, trường trở thành một khoa của trường mới này" - bà Hà nói.

Còn theo GS.TS Hà Thanh Toàn, những năm qua số lượng sinh viên tuyển mới của Trường CĐ Sư phạm Long An không nhiều. Khi trở thành cơ sở của Trường ĐH Cần Thơ, nơi đây sẽ tập trung đào tạo nhân sự cho các khu công nghiệp, đào tạo nghề để xuất khẩu lao động. 

"Mỗi năm trường có hơn 100.000 thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng chỉ tiêu chỉ có khoảng 8.000. Nếu trường có thêm cơ sở mới, chỉ tiêu của trường sẽ tăng lên, cơ hội để sinh viên học tập tại trường sẽ cao hơn" - ông Toàn nói thêm.

Theo TS Trần Đình Lý, việc sáp nhập trường CĐ vào các trường ĐH hoặc chuyển thành cơ sở, phân hiệu của ĐH lớn là chủ trương hoàn toàn đúng và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. 

"Hiện nay, việc phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp rất quan trọng, cạnh tranh về nguồn tuyển ngày càng gay gắt thì việc các trường CĐ địa phương khó khăn trong tuyển sinh chọn giải pháp trở thành phân hiệu, cơ sở của các ĐH lớn là xu thế tất yếu để tồn tại và phát triển. Sau khi sáp nhập sẽ kết hợp nhân lực, cơ sở vật chất của các trường CĐ với nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo của các ĐH, tạo điều kiện cho sinh viên được thụ hưởng chất lượng đào tạo của các trường ĐH lớn với chi phí thấp nhất do tiết kiệm chi phí đi lại, giảm áp lực lên các thành phố đông dân" - ông Lý nói.

Ở bậc CĐ, nhiều trường CĐ thuộc quản lý của các địa phương cũng đã đồng loạt sáp nhập. Cuối năm 2019, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có quyết định sáp nhập Trường trung cấp Y tế Vĩnh Long, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long vào Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long và đổi tên thành Trường CĐ Vĩnh Long.

Trường CĐ Bình Phước cũng đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm, Trường CĐ Y tế và Trường CĐ nghề Bình Phước.

Liên kết thành lập đại học

Bên cạnh các xu hướng sáp nhập, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết hiện trường đã gửi công văn cho UBND tỉnh Phú Yên về phương án liên kết với Trường ĐH Phú Yên, vận động thêm một trường ĐH nữa để thành lập ĐH. Theo luật, ba trường ĐH cùng loại hình có thể liên kết để thành lập ĐH.

Lý giải về phương án liên kết thành lập ĐH, ông Dũng cho biết các trường ĐH địa phương có thế mạnh về cơ sở vật chất nhưng không nhiều người học. Trong khi đó, thí sinh dồn về các thành phố lớn tạo ra nhiều áp lực kinh tế cho gia đình, giao thông.

"Nếu trường ĐH địa phương liên kết thành ĐH với trường ĐH ở các thành phố lớn, 2 năm đầu với kiến thức cơ bản sinh viên học tại địa phương, 2 năm sau chuyên ngành sẽ chuyển vào cơ sở chính học. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho xã hội trong khi vẫn thụ hưởng chất lượng đào tạo như tại cơ sở chính.

Có thể nói số trường ĐH tại Việt Nam quá nhiều, chất lượng không đồng đều. Khi liên kết thành ĐH, các trường có thể chia sẻ nguồn lực về cơ sở vật chất, học liệu, chuẩn đầu ra, đội ngũ... sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa phải đi cùng nhau" - ông Dũng nói.

Nhiều nơi sáp nhập trường nghề ồ ạt Nhiều nơi sáp nhập trường nghề ồ ạt

TTO - Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một chủ trương lớn, nhưng vừa qua nhiều nơi sáp nhập trường nghề ồ ạt, không tính đến hệ lụy về sau.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên