04/11/2024 11:54 GMT+7

Trường tiên tiến hội nhập có gì?: Kỳ 1 Trường vùng ven như trường quốc tế

Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và Trường tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp là hai trường ở vùng ven TP.HCM nhưng cơ sở vật chất không thua gì trường quốc tế.

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 1.

Một tiết học bơi của học sinh Trường tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đây là hai trong số hơn 60 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập của TP.HCM đang thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là trường tiên tiến). Những trường này có gì khác so với trường công lập bình thường?

Khu vườn cổ tích

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Lê Đức Thọ học tập tại vườn rau trong khuôn viên trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Vừa bước qua cánh cổng Trường tiểu học Lê Đức Thọ, chúng tôi có cảm giác choáng ngợp khi thấy khung cảnh trước mắt. Một nhóm học sinh vừa bơi vừa trò chuyện rất rôm rả dưới làn nước trong xanh.

Kế bên đó là sân bóng đá rộng thênh thang. Kế tiếp nữa là "thư viện xanh" với hàng loạt những bàn tròn được đặt dưới tán cây, xung quanh là những kệ sách tự chọn được trình bày đẹp mắt.

Khám phá hai ngôi trường tiên tiến hội nhập ở vùng ven TP.HCM

"Đây là tiết học bơi của học sinh lớp 5/1 chúng em. Bạn nào không khỏe thì không xuống hồ mà ngồi tự học ở thư viện xanh dưới sự quản lý của cô giáo chủ nhiệm bên kia kìa. Chúng em được học bơi từ năm lớp 1 đến nay, mỗi tuần một tiết nên bây giờ cả lớp đều biết bơi, nhiều bạn còn biết bơi 2 - 3 kiểu", Song Thư, học sinh lớp 5/1, hào hứng nói.

Trường tiểu học Lê Đức Thọ được bài trí như một khu vườn cổ tích. Với diện tích lý tưởng 8.000m2, nhà trường đã bố trí một hành lang dài hơn 20m để cho học sinh thực hành trồng các loại rau. Bên cạnh đó là khu vui chơi, khu tiểu cảnh có xích đu xếp xung quanh, khu hồ cá có bậc thềm cho học sinh ngồi thư giãn...

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 3.

Trường tiểu học Lê Đức Thọ có nhiều góc xinh xinh như thế này để học sinh ngồi đọc sách, để sinh hoạt với giáo viên - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngoài các phòng chức năng dành cho học sinh học tập những môn đặc thù như tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, trường còn có phòng ăn rộng rãi và thoáng mát phục vụ cho công tác bán trú.

Không chỉ có thư viện thông minh được trang bị máy lạnh và hệ thống máy tính có nối mạng, học sinh Trường tiểu học Lê Đức Thọ còn có thể đọc sách ở nhiều nơi trong khuôn viên trường.

Bởi sách được trưng bày ở các kệ trên hành lang, ở khu học sinh ngồi chờ phụ huynh đến đón, ở các góc khoa học, góc toán học, góc tiếng Việt...

Tất cả các phòng học của trường đều được trang bị máy lạnh và có các phương tiện dạy học hiện đại.

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 4.

Phòng tiếp phụ huynh ở Trường tiểu học Lê Đức Thọ - Ảnh: NHƯ HÙNG

Lê Hoàng Bảo Minh, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Lê Đức Thọ, bày tỏ: "Các thầy cô dạy lớp em từ lớp 1 đến lớp 5 đều giảng bài dễ hiểu. Chúng em thường xuyên được học ngoài lớp học, rất thoải mái và vui vẻ. Đa số các môn học em đều thích.

Riêng môn kỹ năng sống thì khá thú vị. Chúng em được học về kỹ năng giao tiếp an toàn trên mạng; kỹ năng phòng cháy chữa cháy; kỹ năng chống đuối nước...

Em thích nhất là những chuyến đi trải nghiệm ngoài nhà trường như đi gặt lúa, đi mò cua, bắt ốc, chèo thuyền... Đó là chưa kể bữa ăn trưa ở trường rất ngon nữa, nhà bếp thường xuyên đổi món nên em ăn không ngán".

Từ nguồn học phí

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 5.

Tiết học tiếng Việt của cô trò lớp 2 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.HCM) tại thư viện của trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tương tự, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì nằm trong một con hẻm trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú với rất nhiều cây xanh. Buổi trưa, dù trời nắng nóng nhưng đi trong sân trường, chúng tôi vẫn có cảm giác thật dễ chịu vì gió thổi mát rượi.

Với diện tích hơn 7.200m2, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì được xây dựng 1 trệt, 3 lầu và chỉ có 1.025 học sinh. Đó cũng là lý do giúp nhà trường có được sân chơi, bãi tập... rộng thênh thang và thoáng đãng.

Hôm ấy, khi đi tham quan trường, chúng tôi gặp ngay tiết học của lớp 2/4 ở thư viện thông minh. Sau khi giới thiệu bài, cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân đã yêu cầu học sinh tìm những bài thơ về gia đình. Cả lớp 2/4 đã tỏa đi khắp nơi trong thư viện, có em tìm sách để đọc, có em sử dụng máy vi tính, có em sử dụng iPad khổng lồ để bàn...

Cô Hải Vân cho hay: "Ngay từ đầu năm học, giáo viên các lớp đã phải đăng ký lịch để luân phiên giảng dạy tại thư viện thông minh. Toàn bộ máy tính ở đây được nối mạng Internet tốc độ cao, có kho tài nguyên học liệu điện tử lại còn có nhiều sách nên học sinh thích lắm".

Theo cô Vân, giáo viên của trường may mắn được giảng dạy ở trường tiên tiến với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như các phòng học đều có máy lạnh và bảng tương tác, sĩ số không quá 35 học sinh/lớp... Nhưng đó cũng là một thách thức đối với giáo viên.

"Ngoài những lớp tập huấn của trường, của ngành thì chúng tôi phải chủ động học tập để ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các phương pháp giảng dạy tích cực để phát triển năng lực học sinh, rèn kỹ năng mềm cho các em", cô Vân chia sẻ.

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 7.

Học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì học võ nhạc - một môn học thuộc chương trình nhà trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cô Trần Thị Thu Hiền, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, thông tin: "Trường tiên tiến phải có ít nhất 10% cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Thế nên, dù đội ngũ đều đã đạt trình độ đại học nhưng nhà trường vẫn đang khuyến khích các thầy cô đi học cao học.

9/43 cán bộ, giáo viên đang học để lấy bằng thạc sĩ và trường hỗ trợ một phần học phí. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm... để nâng cao tay nghề cho giáo viên".

Cô Hiền cho biết thêm trường bắt đầu thực hiện thí điểm xây dựng mô hình trường tiên tiến từ năm học 2017 - 2018, bắt đầu từ khối lớp 1.

"Chúng tôi cân đối từ nguồn học phí của trường tiên tiến để mua sắm bảng tương tác, bàn ghế mới, sơn lại phòng ốc cho khang trang. Ngay cả việc xây dựng thư viện thông minh cũng là cân đối từ nguồn học phí chứ nhà trường không xin kinh phí của Nhà nước và cũng không xin phụ huynh tài trợ", cô Hiền nhấn mạnh.

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 8.

Học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì sử dụng iPad khổng lồ trong thư viện thông minh để tìm kiếm thông tin - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học phí không quá 1.725.000 đồng/tháng

Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế phải được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1 và được kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 trở lên (theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT).

Trước năm học 2023 - 2024, mức học phí ở trường tiên tiến không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Từ năm học 2023 - 2024 đến nay, mức học phí ở trường tiên tiến không quá 1.725.000 đồng/học sinh/tháng, theo quyết định của HĐND TP.HCM.

Ở trường tiên tiến, số học sinh trong mỗi lớp không quá 35 em và 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhà trường tiên tiến có nhiệm vụ tổ chức dạy tin học theo các chuẩn quốc tế; 100% tiết học ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp giáo dục hiện đại; 100% học sinh được tham gia các hoạt động học tập trải nghiệm, ngoại khóa phù hợp; có ít nhất 95% số học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa, trong đó 100% đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi.

Hằng năm trường tiên tiến phải có học sinh tham gia và đạt giải tại các hội thi, hội thao, giao lưu do các cấp tổ chức; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hằng năm phải có ít nhất 50% số học sinh đạt các chứng chỉ, chuẩn đầu ra tiếng Anh và tin học theo chuẩn quốc tế; 100% học sinh được phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước...

(Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM)

Như nhà vệ sinh khách sạn

Một điểm chung của các trường tiểu học, trung học tiên tiến là nhà vệ sinh sạch, đẹp như ở khách sạn. Không chỉ trang trí những bảng hiệu hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, giữ gìn vệ sinh chung..., nhiều trường còn đặt máy xông tinh dầu để học sinh cảm thấy dễ chịu. Trường tiểu học Lê Đức Thọ còn gắn tivi trong nhà vệ sinh (khu vực rửa tay bên ngoài) để phát những clip giáo dục, tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, vệ sinh thân thể...

Nhiều hoạt động trải nghiệm

Học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì được học STEM, học tin học quốc tế, học bơi, học đàn, học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ (2 tiết/tuần)... Ngoài ra, mỗi tháng sẽ có một hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, dựa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các tổ khối sẽ đề xuất hoạt động trải nghiệm cho phù hợp.

Ví dụ, trong tháng 9-2024, hoạt động trải nghiệm của học sinh khối 4, khối 5 là tham quan, học tập tại Bảo tàng TP.HCM; học sinh khối 3 tham quan, học tập tại nhà sách; học sinh khối 1, khối 2 đi trải nghiệm tại khu vui chơi - vận động thể lực.

Tất cả những hoạt động trên, nhà trường trích từ nguồn học phí để thực hiện.

Cô Nguyễn Lý Bích Chiêu (hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú)

Trường vùng ven như trường quốc tế - Ảnh 3.Trường đại học thích ứng thế nào khi sinh viên khao khát tiếp cận tri thức đẳng cấp thế giới?

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, các chi nhánh quốc tế (IBCs) đóng vai trò là cầu nối quan trọng, giúp sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục quốc tế chất lượng cao mà không cần phải rời khỏi quê hương của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên