05/02/2012 02:31 GMT+7

Trường "nhô" ở đảo xa

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Mất bốn giờ ngồi tàu từ TP Rạch Giá, chúng tôi đến đảo Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) nơi có một trường cấp III mà theo ông Tiết Văn Tạo - phó chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp luôn đứng trong nhóm đầu của tỉnh.

NEAA8znl.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT Lại Sơn tan trường - Ảnh: T.Cường

Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, thầy Lê Minh Trị - hiệu trưởng Trường THPT Lại Sơn, kể Lại Sơn là xã đông dân nhất huyện Kiên Hải, chủ yếu sống bằng nghề biển bao đời nay. Cuộc sống nhọc nhằn nhưng người dân nơi đây luôn khát khao cái chữ cho con cái, họ gồng gánh mưu sinh để chở ước mơ đến trường cho tương lai. “Lại Sơn trước chỉ có trường cấp II, muốn học lên cấp III các em phải khăn gói qua đảo Hòn Tre mất gần nửa ngày đi tàu hoặc phải vào tận TP Rạch Giá học”, thầy Trị nói. Do điều kiện đi lại xa xôi, kinh tế khó khăn, rất nhiều học sinh dở dang việc học. Đi đâu cũng nghe nguyện vọng tha thiết của dân đảo mong có một trường cấp III. “Điều đó khiến chúng tôi trăn trở, canh cánh trong lòng”, thầy Trị hồi tưởng.

Nhô theo khát khao của đảo

Ông Huỳnh Quốc Khánh (phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang):

Mô hình trường “nhô” xuất phát từ nhu cầu bức thiết của người dân tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh đã có tám trường “nhô”, trong đó duy nhất một trường “nhô” ở xã đảo Lại Sơn. Trước năm 2005 chỉ có trung tâm huyện mới có trường cấp III, các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nên tỉ lệ bỏ học rất cao. Chủ trương của sở là mở thí điểm lớp 10 rồi nâng lên dần, trong thời gian đó chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để hình thành trường THPT. Riêng Trường THPT Lại Sơn mấy năm liền có tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao, chứng tỏ sự nỗ lực của thầy trò nhà trường.

Trường “nhô” là mô hình xuất phát từ trường cấp II nhưng ban đầu chỉ hình thành khối lớp 10, sau đó nâng từng bước lên khối lớp 11 và 12, cho đến khi hình thành một trường cấp III hoàn chỉnh.

Hồi đó đường trên đảo chưa làm, toàn đá lổn nhổn, cây cối um tùm, đường đến trường của học sinh rất vất vả. Thế nhưng ở những vùng xa, phụ huynh vẫn cố gắng đưa rước con đến trường hoặc thuê xe ôm dù hoàn cảnh khó khăn. Không ít phụ huynh ngày nào cũng dẫn con qua núi đến trường. Điều đó như nhắc nhở, thôi thúc mỗi thầy cô gắng hơn trong việc gieo chữ cho học trò, cho tương lai đất đảo. Sự ham học của học sinh như tiếp thêm nghị lực cho thầy cô Trường Lại Sơn đón nhận mô hình trường “nhô”.

Năm học 2006-2007, khi được chấp nhận chủ trương thí điểm lớp 10 “nhô”, niềm vui lan tỏa đan xen nỗi lo lắng trong mỗi thầy cô. Thầy Trị nói: “Áp lực lắm vì đây là lứa đầu tiên. Tôi cho rằng giáo dục nhà trường như giáo dục gia đình, phải giáo dục “lứa trẻ” đầu tiên cho tốt thì những đứa sau mới học theo”. Từ quan niệm đó, thầy cô Trường Lại Sơn phải sàng lọc học sinh và tự bản thân mình cũng nỗ lực học hỏi.

Từ lớp 10 “nhô” nhô lên lớp 11 rồi giữ vững đến lớp 12 “nhô”. Nhờ chắt lọc kỹ khóa đầu tiên nên trường có tới 88% học sinh đậu tốt nghiệp. Niềm vui như vỡ òa trong mỗi thầy cô, phụ huynh, học sinh và chính quyền đảo. “Trước kỳ thi tốt nghiệp, các thầy cô tăng cường dạy bồi dưỡng, gọi điện nhắc nhở hay chạy xe đến nhà xem từng học trò ôn thi ra sao”, thầy Trị kể. Rồi hai năm tiếp theo tỉ lệ đậu tốt nghiệp tăng cao, số học sinh đậu ĐH, CĐ tăng dần hằng năm.

Nhô lên từ sức trẻ

“Giáo viên lúc đó chỉ có 19 người phải kiêm cả dạy cấp II. Chất lượng giáo viên không đảm bảo vì chủ yếu là cao đẳng” - cô Tô Thị Minh Hoãn, phó hiệu trưởng Trường THPT Lại Sơn, nhìn nhận. Bằng sự nỗ lực sinh hoạt nghiệp vụ, lên mạng tìm tài liệu và tự học lên, dần dần đội ngũ giáo viên đã được chuẩn hóa. Thầy Trị kể trong câu chuyện của mình các thầy cô đều đau đáu trước thực tế không có trường cấp III. Từng có người hiểu biết nhiều về ngành giáo dục khẳng định: “Xã không thể có trường cấp III, chỉ huyện mới có”. Câu nói đó gieo lên trong thầy Trị một suy nghĩ “đó không phải là quy luật” và thầy không đồng ý với suy luận đó. Trong một cuộc trò chuyện khi đề cập đến lĩnh vực giáo dục, chủ tịch UBND H.Kiên Hải lúc bấy giờ hỏi: “Trường có đủ sức dạy cấp III không?”. Không một chút ngập ngừng, thầy Trị chắc nịch nói: Làm được!

Nhắc lại câu chuyện này, thầy Trị nói: “Khi mình hứa cũng có máu “liều” nhưng tôi biết rõ thực lực của anh em và hơn hết tôi có niềm tin mọi người sẽ làm được”. Mặc dù có chủ trương hình thành lớp 10 “nhô”, nhưng nếu thí điểm không thành công sở GD-ĐT tỉnh sẽ rút chủ trương nên áp lực đè nặng lên vai các thầy cô. “Nhiệt huyết chính là lợi thế. Chính nhiệt huyết của sức trẻ đang độ tuổi trung bình 30 của đội ngũ thầy cô giáo nhà trường đã chung sức đưa trường khang trang, chất lượng như ngày hôm nay”, câu nói của thầy Trị cũng là tâm sự chung của các thầy cô khác.

Từ mọi miền tứ xứ tụ hội về đây, các thầy cô như chọn mảnh đất này là quê hương thứ hai, xem trường như ngôi nhà để cùng gầy dựng chung ước mơ. Những ngày đầu ở chung nhà công vụ, ở trọ họ chia sớt khó khăn của cuộc sống thiếu thốn, thiếu hụt tình cảm khi xa nhà và san sẻ trong công việc. Nhờ đó không có ai bỏ dạy, bỏ đảo. Bao lớp học sinh ra trường khi về đảo đều tìm đến thầy cô giáo, có được sự gắn bó đó chỉ có tình thương của thầy cô giáo mới níu kéo được.

Thầy Đặng Quang Hoàng, tổ trưởng tổ toán - tin, bốn năm liền làm chủ nhiệm lớp 12, cho biết các thầy cô giáo không kể thời gian sáng - chiều - tối sắp xếp dạy bồi dưỡng ở trường hoặc đến tận nhà tập hợp một nhóm dạy... Tất cả đều xuất phát từ cái tâm của người thầy chứ không mảy may nghĩ đến tiền bạc.

100% học sinh tốt nghiệp

Thầy Lê Minh Trị tươi nét mặt khi dẫn chứng không có học sinh lớp 11, 12 bỏ học, sĩ số học sinh cũng tăng lên từng năm, chứng tỏ sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh. Năm học vừa qua 100% học sinh đậu tốt nghiệp đã củng cố thêm niềm tin đó. Nhờ những thành tích trên, Trường THPT Lại Sơn đã được nhận nhiều bằng khen, trong đó có bằng khen của Thủ tướng. Chia sẻ thành công về nghiệp vụ, thầy Trị cho biết đối với lớp 12 từ đầu năm học đã phân công một nhóm giáo viên kèm một nhóm học sinh theo từng khối thi. Việc kèm cặp này nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh khá giỏi và ôn tập, bổ sung kiến thức cho các em còn yếu kém.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên