22/11/2013 08:00 GMT+7

Trường mầm non "cắt" lớp nhà trẻ, phụ huynh bí chỗ gửi con

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Dồn toàn lực việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi nên tỉ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ đến được với trường công lập tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM quá ít ỏi so với nhu cầu.

Thuê phòng, mượn lớp cho trẻ đến trườngTrường mầm non ưu tiên con cán bộ?Chuyển đổi 525 trường mầm non bán công sang công lập

mmHQ9H5U.jpgPhóng to
Trẻ từ 18 tháng tuổi trở xuống ít “thấy” ở trường công. Ảnh chụp tại một trường tư thục ở quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: M.Dung

Theo quy định, phổ cập cho trẻ 5 tuổi ra lớp ở TP.HCM phải đạt con số 98%. Nhiều trường mầm non đã phải “cắt” lớp nhà trẻ để nhường chỗ cho việc nhận học sinh 5 tuổi đến trường.

Không “cắt” cũng chỉ mở được một, hai lớp

Chị Thu Hiền, có con trai gần 5 tuổi đang học một trường mầm non công lập tại quận 12, TP.HCM, kể: “Đứa con sau của tôi đã gần 18 tháng tuổi. Từ hồi sinh ra đến giờ tôi phải nghỉ làm luôn vì không biết gửi con cho ai, trường mầm non công lập rất ít nhận trẻ nhỏ, mà tư thục thì đi xa quá, lại không biết thế nào. Tôi cứ tưởng 18 tháng tuổi thì gửi được vào trường mà anh hai (con đầu của chị, đã hơn 4 tuổi) đang học. Ai dè hồi trước trường nhận, nay chỉ nhận trẻ từ 24-25 tháng tuổi trở lên”.

Hiệu trưởng một trường mầm non có tiếng tại quận Tân Phú (TP.HCM) cũng cho biết nhu cầu cho trẻ 5 tuổi vào trường công lập tăng cao nên trường chị giờ không còn lớp cơm nát (lớp dành cho trẻ độ tuổi 18-24 tháng) nữa.

Hiện nay trường này có đến tám lớp lá (lớp dành cho trẻ 5 tuổi) và chỉ có hai lớp cơm thường (dành cho trẻ 25-36 tháng). Không cắt lớp cơm nát, nhưng phó hiệu trưởng một trường mầm non tại quận Tân Bình thừa nhận trường không thể chiêu sinh nhiều lớp dành cho trẻ từ 18-36 tháng, vì chủ trương chung của toàn quận vẫn là phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trước khi tính đến những ưu tiên khác. Hiện tại trường chỉ có hai lớp cơm nát và hai lớp cơm thường trên tổng số hơn 600 học sinh.

Ở những quận nội thành như quận 3, quận 10, người nhập cư ít hơn, hệ thống trường mầm non công lập nhiều hơn các quận vùng ven, ngoại thành. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu phổ cập, các trường mầm non công lập ở đây phải “chạy hết công suất”.

Trường mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3) có gần 700 học sinh nhưng đến 200 bé học lớp lá, lớp đông nhất có đến 50 học sinh/lớp. Trường này cũng chỉ mở được 1 lớp cơm nát, 2 lớp cơm thường và không có lớp cho trẻ 12 tháng tuổi.

Ông Phan Văn Đồng, trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, cũng cho biết số lượng huy động trẻ 5 tuổi đến trường của quận đạt trên yêu cầu (98%) chung, năm qua đạt gần 100%. Quận này có đến 20 trường mầm non công lập và 17 trường tư thục, nhóm trẻ.

Trường mầm non có số lượng học sinh đông nhất là Măng Non 1 với hơn 1.100 học sinh. Dù hiện tại quận đã phủ kín trường mầm non công lập ở các quận, thậm chí có phường có đến 2 trường, nhưng quận đang hướng đến việc bán đi các điểm nhỏ lẻ, mở rộng các trường hiện tại để đáp ứng nhu cầu trẻ vào nhà trẻ và phổ cập 5 tuổi của quận.

Trường tư: giá cao

Năm học này quận 3 có 2.500 bé phổ cập 5 tuổi, đạt tỉ lệ huy động 99,1%. Để có được con số này, quận 3 cũng dành chỗ cho học sinh 5 tuổi ở các trường công lập.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, cho biết học sinh ở lứa tuổi nhà trẻ chủ yếu học tại tư thục nhiều hơn công lập và trường tư thục đảm bảo điều kiện cũng cho phép dạy phổ cập cho trẻ 5 tuổi.

Cô Nguyệt nói ngoài việc không đủ chỗ cho trẻ ở trường mầm non công lập, thì một phần do phụ huynh có con ở lứa tuổi nhà trẻ thường thích cho con vào trường tư.

Bởi trường tư có một số ưu thế như lớp ít trẻ hơn, được chăm sóc kỹ hơn, tổ chức ăn vào buổi chiều, buổi tối, chăm sóc trẻ quá giờ làm hoặc cả thứ bảy, chủ nhật. “Vẫn còn số lượng lớn trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ chưa ra lớp.

Nhu cầu ra lớp của trẻ mầm non quận vẫn cao. Chẳng hạn như chúng tôi vừa xây xong trường mầm non 1, vừa xong đã “chật kín” hơn 300 cháu rồi” - cô Nguyệt cho biết thêm.

Trưởng một nhóm trẻ tại quận Tân Bình cho biết theo quy định chung, nhóm trẻ chỉ được phép nhận dưới 60 bé nhưng do nhu cầu của người dân nhiều quá nên thường họ cũng “không chối từ”.

Bởi nhận thêm trẻ thì nhóm có thêm thu nhập, giáo viên, bảo mẫu và nhà trường có thêm việc để làm mà lại đáp ứng được yêu cầu gửi con của người dân.

“Mình yêu nghề, yêu trẻ và có chuyên môn trong ngành sư phạm mầm non, chứ nhiều nhóm trẻ tự phát, không có giấy phép, nhận giữ 10, 15 trẻ thì đầy ra, rất khó mà kiểm soát nổi... Vì thật sự là cung đang quá thiếu so với cầu” - cô này cho biết.

Khảo sát một số trường mầm non tư thục, nhóm trẻ tại quận Tân Bình, Tân Phú, Q.10 cũng cho biết họ chỉ có một, hai lớp ở độ tuổi 12 tháng, và số tiền để chăm sóc các bé này không rẻ, trung bình 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng/trẻ. Tại các nhóm trẻ, số tiền giữ bé hằng tháng rẻ hơn, trung bình 1,5 - 2,2 triệu đồng/tháng/trẻ, mỗi lớp từ 15-20 bé. Hiếm hoi lắm mới có trường nhận bé từ 6-12 tháng tuổi.

Quận Tân Phú: xây thêm 100 trường nữa mới đủ

Huy động trẻ mẫu giáo cao (99% trẻ 5 tuổi đến trường) nhưng cả quận Tân Phú hiện chỉ có 11 trường mầm non công lập, nên quận Tân Phú có số lượng trường mầm non tư thục, nhóm trẻ rất cao với 31 trường và 121 nhóm trẻ. Dù trường mầm non công lập của quận không nhiều nhưng vẫn “gánh” được 50% số lượng trẻ phổ cập 5 tuổi. Để làm được như vậy, cô Chung Bích Phượng, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, phụ trách mầm non, cho biết ngoài việc dành ưu tiên cho trẻ ở độ tuổi này vào các trường công lập, quận còn sử dụng ba nhà văn hóa, huy động gần cả ngàn trẻ vào 19 lớp. Mặt khác, quận cũng lựa chọn các trường mầm non ngoài công lập đủ chuẩn dạy phổ cập cho trẻ 5 tuổi. “Tỉ lệ trẻ ở quận ra nhà trẻ hiện nay chỉ hơn 26,1%, mẫu giáo là 80,1%. Quận có hơn 30.000 trẻ, nếu chừng này mà vào công lập hết thì chúng tôi phải xây 100 trường mầm non mới đủ” - cô Phượng nói.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên