10/06/2013 05:14 GMT+7

Trường học lớn ở Trường Sa

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Đứng nghiêm trong đội hình đón tiếp đoàn công tác đến thăm cụm chiến đấu số 2 tại đảo Nam Yết, gương mặt chiến sĩ Lê Minh Trương (nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn còn xanh. Từng giọt mồ hôi rịn ướt khuôn mặt lẫn vầng trán. Minh Trương vừa trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay tại trạm xá quân y trên đảo. Trương kể: “Em bị đau quặn bụng suốt hai ngày, đụng tay vào bụng là cơn đau càng nhiều nhưng cứ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa. Đến ngày thứ hai mới xác định chính xác là bị viêm ruột thừa. Em được mổ tại trạm xá, mổ xong nằm theo dõi 25 ngày, khi tình hình sức khỏe ổn định mới trở về đơn vị”. Trương là chiến sĩ mới ra đảo được bốn tháng. Cười hồn nhiên, Trương kể: “Mấy ngày bị đau, có sẵn điện thoại nhưng em không gọi về nhà. Lúc sắp mổ, rồi khi mổ xong em cũng chưa vội gọi điện cho ba mẹ. Chỉ tới lúc sức khỏe đã ổn, em mới gọi về nói sơ qua tình hình, cho biết mình đã hoàn toàn bình phục. Ở ngoài này xa xôi, ba mẹ có hay tin cũng chỉ thêm lo chứ đâu làm gì được, cũng không thể ra thăm. Em lớn rồi mà...”.

Ở đảo Song Tử Tây, ai cũng bất ngờ khi gặp “bộ tứ” lãnh đạo chính quyền xã đảo Song Tử Tây: Trương Xứ Long - chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Trần Vũ Lân - phó Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Đình Việt - phó chủ tịch UBND xã và Đoàn Quốc Thái - bí thư Đoàn thanh niên xã. Cả bốn chàng trai tuổi đời chỉ từ 25-30 tuổi nhưng đã có thời gian ở đảo hơn năm năm. Trương Xứ Long thổ lộ: “Hồi đó, tụi này mê hoạt động phong trào, sinh hoạt ở đội thanh niên tình nguyện xây dựng và phát triển kinh tế miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Tới chừng có chương trình đăng ký ra phục vụ Trường Sa, mình bèn nộp hồ sơ mà không cho gia đình biết. Tới khi trúng tuyển mới về thông báo cho bố mẹ thì việc đã rồi. Tụi mình vẫn đùa rằng thi vô “đại học” Trường Sa còn căng hơn thi đại học trong đất liền vì tỉ lệ “chọi” là 1/35”.

Hành trang rời đất liền ra đảo của Long chỉ có vài bộ quần áo, ít vật dụng cá nhân và mấy bộ... tiểu thuyết Quỳnh Dao đem theo để giết thời gian vì “nghe nói ngoài đảo cũng buồn”. Không ngờ ra tới đảo, công việc cứ cuốn Long và các bạn đi: vừa làm công tác chính quyền, vừa là thầy giáo dạy học, vừa hướng dẫn người dân trên đảo trồng trọt, chăn nuôi. Hằng ngày, ngoài thời gian soạn bài, giảng dạy soạn văn bản, bốn chàng trai còn tham gia đội dân quân tự vệ, huấn luyện tăng gia sản xuất, tập văn nghệ cho trẻ con và người dân trên đảo... Sau năm năm bám đảo, niềm vui của mấy “anh thầy” trẻ là số học trò rời đảo vào đất liền đều đã theo kịp bạn bè, có em còn được đi thi học sinh giỏi cấp huyện. “Năm năm ra đảo, bây giờ mình biết làm nhiều thứ, nghĩ được nhiều thứ và cảm thấy sống có trách nhiệm hơn. Có lẽ nếu không ở Trường Sa, mình sẽ không trưởng thành nhanh được như thế” - Long nheo mắt hóm hỉnh.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên