04/05/2015 11:32 GMT+7

​Trường học không có nhà vệ sinh

CHÍNH THÀNH
CHÍNH THÀNH

TT - Nhiều điểm trường tiểu học và mẫu giáo tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) không có nhà vệ sinh (NVS). Có nơi hơn 200 học sinh cấp tiểu học nhiều năm nay không có NVS để sử dụng.

Một điểm trường thuộc phân hiệu tiểu học B, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm chỉ ba phòng học nhưng có tới hai nhà vệ sinh, đầu tư 465 triệu đồng nhưng không dùng được vì  không có nước - Ảnh: C.Thành

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, các điểm trường lẻ, phân hiệu nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng và không có NVS kéo dài cả chục năm nay.

Trường “3 không”

Phân hiệu B Trường tiểu học Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, hiện có 205 học sinh và bảy năm nay học sinh đều phải đi vệ sinh ở bãi đất trống sau trường học. Nơi dạy học tại phân hiệu này được chia làm ba điểm lẻ nhỏ khác. Một điểm chính thuộc đất của trường với cơ sở là một dãy ba phòng học, hai điểm còn lại mượn lại hội trường thôn 2, xã Lộc Bảo, điểm còn lại phải thuê lại nhà của dân. 

Thầy Lê Xuân Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2 thuộc điểm trường thuê tại thôn 2 với hai phòng học - bộc bạch: “Tới giờ ra chơi học sinh nữ phải chạy ra gần suối, học sinh nam thì ra phía đồi cỏ để giải quyết nhu cầu. Còn thầy cô phải xách xe chạy về nhà cách trường 3km vì nhà dân ở đây cũng không có NVS để đi nhờ”.

Theo thầy Mai, trường học “3 không”: không điện, không nước, không NVS đã tồn tại nhiều năm nay. Trước kia các điểm lẻ của phân hiệu cũng phải đi mượn lại cách điểm dạy mới 1km và tình trạng cơ sở vật chất còn kém hơn hơn cả bây giờ.

Thầy Đặng Đức Nhàn - hiệu trưởng Trường tiểu học Lộc Bảo - chia sẻ. “Thầy cô nói chuyện này nhiều lần, chúng tôi đã kiến nghị lên phòng nhưng tới giờ vẫn chưa có dự án nào được triển khai”. Cũng theo thầy Nhàn, trong ba điểm trường tại phân hiệu B Lộc Bảo có một điểm trường có NVS nhưng gần như không sử dụng được do thiếu nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, điểm trường này chỉ có ba phòng học nhưng có tới hai NVS và đều không sử dụng được do hệ thống cung cấp nước của xã xuống cấp nặng. Ngoài ra, vốn xây hai NVS này khá lớn, một cái xây năm 2008 với giá 165 triệu đồng, cái mới xây năm 2013 với giá 300 triệu đồng.

Điều trớ trêu là do không có nước, NVS mới xây xong phải khóa cửa, khi có nhu cầu vệ sinh cả chục học sinh phải đi ngay bên cạnh NVS mới, nhìn vào rất phản cảm. Nhiều thầy cô tại đây cho biết tiền dành cho xây NVS mới quá lớn, xây xong lại không sử dụng được gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh trong trường. 

Còn tại hai phân hiệu mầm non thôn Đức Giang và thôn 6, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, NVS dành cho trẻ không có từ ba năm nay. Nhiều cô giáo cho biết do thương các em và cô giáo hằng ngày phải đi xách nước dùng cho sinh hoạt, nên phụ huynh đã vận động mua thùng chứa nước, đặt ở nhà dân để dẫn nước về cho cô và trò sử dụng.

Riêng nơi vệ sinh, phụ huynh tự chế những tấm bạt, đóng bốn cây cọc quây lại thành NVS cho 30 em và hai cô giáo sinh hoạt hằng ngày.

Một phòng vệ sinh tạm bợ do phụ huynh Trường tiểu học Đức Giang dựng lên - Ảnh: C.Thành

Phải đợi

Ông Lê Đức, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm, thừa nhận các điểm trường cấp tiểu học và cấp mầm non trên địa bàn huyện đang thiếu thốn nhiều thứ, cơ sở vật chất xuống cấp, lớp học tạm bợ và NVS nơi có nơi không. Hiện huyện có năm điểm trường cấp tiểu học và mầm non không có NVS.

11 điểm trường có NVS nhưng phần lớn đều phải dùng tạm, dùng chung và đã xuống cấp trầm trọng.

Về điểm trường chỉ với ba phòng học có tới hai NVS với kinh phí xây dựng tới 465 triệu đồng nhưng không sử dụng được, ông Đức giải thích: “Cái này là kinh phí chúng tôi xin được từ nguồn vốn của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Lâm Đồng. Mình xin được thì cố xin thêm cho các em vì người ta không cấp vốn cho mình xây các hạng mục, cơ sở vật chất khác”.

Do nguồn vốn để xây dựng tại các điểm trường còn khó khăn nên phòng giáo dục huyện đang kêu gọi xã hội hóa xây dựng NVS đạt chuẩn ở trường học nhưng hiệu quả còn rất hạn chế.

“Các chương trình, dự án xây NVS thường đi kèm với gói xây dựng các phòng học. Chúng tôi muốn làm phải trình sở, UBND huyện, tỉnh phê duyệt và phải đợi chứ không thể làm một sớm một chiều được” - ông Đức nói.

Theo số liệu thống kê từ Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn toàn tỉnh cấp tiểu học có 17 điểm trường lẻ không có NVS, nằm rải rác chủ yếu ở các huyện vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, còn tồn tại 40 điểm trường NVS đã xuống cấp nặng, thiếu nước sinh hoạt để sử dụng.

Ông Nguyễn Kim Long - trưởng Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng) - nhận định hiện tượng thiếu thốn NVS tại các điểm trường lẻ đã diễn ra từ rất lâu và kéo dài tới bây giờ do nhiều nguyên nhân khách quan.

“Các điểm trường lẻ có ít học sinh, chỉ 20 - 50 em. Mỗi điểm trường thường chỉ có 1-2 phòng học lại là đất mượn của thôn, xã nên việc xây cất quá tốn kém và thủ tục pháp lý có nhiều vướng mắc” - ông Long giải thích. 

Cần vận động xã hội hóa

Ông Nguyễn Kim Long - trưởng Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng) - cho rằng phòng giáo dục cấp huyện, hiệu trưởng từng trường chưa quan tâm xây cất, bảo đảm có NVS cho các em.

“Các thầy cô chưa chủ động trong vấn đề này. Hiện chương trình của sở, nguồn vốn cấp huyện chưa phân bổ kịp để xây kiên cố thì còn có các giải pháp khác như xây NVS tạm, xây NVS khô với giá rẻ để phục vụ trước mắt cho các em. Cái này phòng giáo dục phải xin, đề xuất quyết liệt với UBND huyện, vận động xã hội hóa giáo dục mới có thay đổi tích cực hơn về việc này” - ông Long chia sẻ.

Không bao giờ là chuyện nhỏ

Vẫn có người cho rằng NVS trong trường học là chuyện nhỏ và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thì đảm bảo có chỗ học cho học sinh, nhất là ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã là điều quá tốt rồi, còn “đòi” gì tới NVS.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng NVS trong trường học không bao giờ là chuyện nhỏ vì tác động rất lớn tới ý thức cũng như sức khỏe con người. 

Không thể chấp nhận được chuyện không có NVS, càng không thể chấp nhận chuyện có NVS nhưng chỉ “để cho có”.

NVS không sạch là nguồn lây bệnh về đường tiêu hóa, từ đó có thể đi theo trẻ về nhà lây cho gia đình, theo người chế biến thức ăn đến bữa ăn của trẻ. Đó sẽ là nơi dễ làm trẻ nhiễm giun sán, gây suy dinh dưỡng. Không khí trong NVS sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp, gây bệnh lý đường hô hấp.

Ngoài ra, NVS không đủ sạch khiến trẻ ngại sử dụng, nín riết thành ra táo bón; nín tiểu gây dễ nhiễm trùng tiểu. Vì phải nín tiểu nên trẻ không dám uống nước, hình thành thói quen ít uống nước gây nhiều bệnh khác...  

BS TRƯƠNG HỮU KHANH
(trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM)

 

CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên