"Ép" sinh viên ra trường sớm nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh?
Theo phản ánh của sinh viên, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức đào tạo theo tín chỉ nhưng hiện nay sinh viên khoa nào chỉ được học chung với khoa đó. Mỗi khoa chia thành một số "nhóm lớp". Mỗi nhóm lớp sẽ có một thời khóa biểu cố định các môn học.
Một sinh viên cho hay: "Sinh viên bắt buộc phải đăng ký vào 1 nhóm lớp của khoa mình đang học. Như vậy thì sinh viên sẽ không được tự do lựa chọn môn học, lớp học như các trường khác, mà phải học chung với sinh viên của khoa mình trong suốt 4 năm và 1 nhóm lớp sẽ học chung nhau tất cả các môn trong 1 học kỳ. Như vậy đây thực chất là hình thức đào tạo theo niên chế trá hình".
Một sinh viên khác cung cấp cho phóng viên thông tin về "hướng dẫn đăng ký lớp học phần 2023" để khẳng định rằng "sinh viên phải vào chọn theo nhóm, mà nhóm đã được ấn định sẵn lịch học, chứ đâu có được chọn từng môn học để đăng ký như các trường khác". Trong khi ở các trường khác, mỗi môn sinh viên sẽ học với các sinh viên khác nhau từ các khoa khác nhau.
"Theo chúng tôi được biết, nhà trường tổ chức theo dạng niên chế thế này để "ép" sinh viên ra trường sớm nhằm tăng số lượng được tuyển sinh. Ví dụ như đợt xét tốt nghiệp vừa rồi có nhiều anh chị K36 đã tốt nghiệp, trong khi năm nay trường mới tuyển sinh K39, tức là đa số mới chỉ học 3 năm đã xong chương trình đại học", nhóm sinh viên phản ánh.
"Nhà trường tuân thủ đúng quy chế đào tạo trình độ đại học"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Trọng Huy, phó trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, khẳng định hiện nhà trường đào tạo tín chỉ theo đúng quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sinh viên đăng ký học phần theo hình thức trực tuyến qua tài khoản được trường cấp. Mỗi năm trường có 2 học kỳ chính và 1 học kỳ hè.
Trường quy định cụ thể giới hạn khối lượng học tập của sinh viên trong mỗi học kỳ: tối thiểu không ít hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn và tối đa không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn.
Để tạo điều kiện cho sinh viên đăng ký một cách linh hoạt trong mỗi học kỳ, nhà trường tổ chức 3 đợt đăng ký tín chỉ. Đợt 1 trường đưa ra nhiều sự lựa chọn đối với các học phần, tùy theo từng chương trình đào tạo để sinh viên đăng ký phương án tốt nhất, đồng thời cũng hạn chế sinh viên học tập không đúng kế hoạch.
Những sinh viên không muốn đăng ký đợt 1 có thể đăng ký đợt 2 (có thể hủy học phần đã đăng ký đợt 1 hoặc lựa chọn các học phần theo kế hoạch của trường trong từng học kỳ).
Điều này đòi hỏi sinh viên phải nắm được chương trình đào tạo, cũng như lịch giảng đã ban hành trong học kỳ, để tránh trùng lịch học, lịch thi.
Ngoài ra còn có đợt 3, sau hai tuần đầu của học kỳ dành cho sinh viên có nhu cầu đăng ký thêm ở các học phần còn chỗ trống.
Trong 3 đợt đăng ký học phần, sinh viên đều có thể học chung với các ngành khác ở các môn học chung. Đối với các học phần tự chọn có trong chương trình nhà trường mở ra để sinh viên đăng ký học. Nếu nói sinh viên chỉ được học trong một khoa là hoàn toàn không đúng.
Sau khi sinh viên đăng ký nếu không đủ điều kiện mở lớp thì học phần đó sẽ bị hủy (ví dụ học phần chỉ có 1, 2 sinh viên đăng ký). Khi đó sinh viên có thể đăng ký học phần khác.
"Ưu điểm của đào tạo tín chỉ là sinh viên có thể rút ngắn thời gian đào tạo so với thời gian thiết kế chuẩn. Năm 2023, trường chúng tôi có khoảng 4,16% sinh viên tốt nghiệp sớm 1 học kỳ.
Tại trường, các học phần được mở theo đúng quy định, kế hoạch đào tạo của chương trình đã được ban hành. Nhà trường đã công khai toàn bộ thông tin này nên sinh viên đều biết rõ. Như vậy, tất cả quy định nhà trường đang thực hiện đều tuân thủ đúng quy chế của bộ, không phải quy định riêng của trường đặt ra", ông Huy khẳng định.
Học kỳ 1 năm thứ nhất sinh viên học theo thời khóa biểu có sẵn
Ông Nguyễn Văn Thụy, trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu nhà trường, cũng cho biết kế hoạch học tập của các lớp học do trường xây dựng và công bố để sinh viên tự đăng ký trong thời gian quy định.
Khi mở cổng cho sinh viên đăng ký học phần, trường mở phòng trống, sinh viên đăng ký vào phòng đó. Nếu đủ chỗ thì không đăng ký được nữa.
Sinh viên không nhất thiết phải đăng ký học phần theo khoa, mà theo chương trình. Do vậy, sinh viên các khoa, các khóa khác nhau đều có thể học chung với nhau.
Tên của từng lớp được biên chế ngay từ đầu khóa gọi là lớp sinh hoạt để trường tiện quản lý, nhưng sinh viên hoàn toàn có thể học các lớp khác nhau. Sinh viên có thể đăng ký học theo chương trình cùng hệ đào tạo của mình.
Trên thực tế, ở học kỳ 1 năm thứ nhất sinh viên nhà trường xếp sẵn thời khóa biểu. Nhưng từ học kỳ 2 trở đi sinh viên phải tự đăng ký học phần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận