Trong tuổi thơ của nhiều người, nhất là độ tuổi trên dưới 40, hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh những cái tết Trung thu vui tươi, rộn ràng. Hồi đó còn khó khăn, thiếu thốn, vậy mà trẻ con ai cũng mong chờ đến ngày hội rằm tháng tám. Đến ngày đó đâu phải vì mấy cái bánh trung thu nhỏ xíu mà chính là không khí tưng bừng với tiếng múa lân rộn ràng, ánh đèn lồng hình con cá, hình ông sao bằng tre và giấy kiếng hầu hết tự làm mà rực rỡ. Ai khá hơn thì có đèn kéo quân, có đốt pháo, có nhiều bánh kẹo... Còn không cũng chẳng hề gì, lòng ai nấy đều thấy vui lạ trong không khí náo nhiệt đó. Ở các lớp học, trẻ em trường làng được tặng những cái bánh nướng, những cái kẹo nho nhỏ thơm lừng, thỏa lòng cái thèm thuồng của trẻ con trong lúc thiếu thốn...
Những cái Tết Trung thu đó hẳn có nét đặc sắc hơn Tết Trung thu bây giờ. Dù bánh kẹo bây giờ nhiều hơn hẳn, đèn lồng bây giờ phong phú hơn hẳn, múa lân màu sắc hơn hẳn... nhưng cái giản dị, ấm áp, gần gũi và nhất là tính trẻ con của ngày xưa đậm đà hơn hẳn. Tết Trung thu bây giờ hình như không còn là của trẻ em nữa, hay nói cách khác người lớn đã tham gia quá nhiều vào cái tết của thiếu nhi này rồi.
Bánh trung thu ngày càng ngon, càng đẹp và càng đắt, chắc chẳng phải để trẻ con ăn mà người lớn dùng để biếu xén, tặng lẫn nhau, trong đó chắc có không ít mối quan hệ “qua lại” chứ chẳng phải thân tình như xưa. Rồi những ngày bánh “đại hạ giá” khiến cái bánh mang tính biểu tượng trở nên rẻ rúng, chợ búa, mất hẳn ý nghĩa. Đèn trung thu được sản xuất theo kiểu công nghiệp, kiểu dáng, màu sắc, hiệu ứng... vô cùng phong phú nhưng thiếu sự kỳ công, sáng tạo, tỉ mẩn; sự “phân tầng” xã hội thể hiện rõ trong các loại đèn, chứ chẳng phải như xưa chỉ có đèn thủ công! Múa lân thì rộn ràng hơn, lân, địa đều nhiều màu sắc, có nhiều màn diễn bắt mắt hơn nhưng hình như để kiếm tiền, là một hình thức “làm ăn”, thậm chí cạnh tranh nhau quyết liệt...
Chỉ có việc chăm lo của các ngành, các giới (Đoàn thanh niên, công đoàn, hội phụ nữ...) cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em nghèo, cơ nhỡ... thì được nâng nhiều cả chất và lượng. Nhưng bao nhiêu đó chưa đủ làm nên những cái Tết Trung thu của trẻ em, vì trẻ em.
Phải làm cho Tết Trung thu có ý nghĩa văn hóa, nhân văn hơn, đúng là tết của trẻ em hơn. Đó là một cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nên hạn chế tính thương mại hóa trong dịp này, nhất là nhu cầu bánh trung thu, đèn trung thu công nghiệp dường như đã bão hòa. Nên phát huy các hình thức văn nghệ, sinh hoạt dân gian, nhất là dành cho thiếu nhi; có thể tổ chức trong trường học, ở các công viên, khu vui chơi... để nhiều trẻ em có thể tham gia. Các ngành, các cấp cần quan tâm nhiều hơn, chăm lo thiết thực hơn đến trẻ em các vùng khó khăn, không chỉ là quà bánh, nhất là dịp Tết Trung thu cũng trùng với đầu năm học mới.
Và gìn giữ bản sắc của ngày hội Trung thu phải gắn với việc gìn giữ bản sắc văn hóa ở tất cả lĩnh vực khác. Đừng vì công nghiệp hóa mà làm hiện đại hóa một cách tùy tiện dẫn đến méo mó các sinh hoạt văn hóa truyền thống!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận