Vừa mới đây, đứa con lớp 5 của tôi về nhà tự tin thông báo với cha mẹ: "Trường con tổ chức cuộc thi thuyết trình bằng tiếng Anh với đề tài tự do. Con chọn đề tài về chim di cư".
Giải nhất không bất ngờ
Ngay lập tức, tôi nhớ lại thời điểm học lớp 7, tôi đăng ký tham dự cuộc thi "Nét đẹp học trò" và chọn kể một câu chuyện cười bằng tiếng Anh, trong mục Năng khiếu. Tôi kể chỉ được nửa câu chuyện rồi tắc tị, nhưng vẫn nhận được tiếng vỗ tay thán phục của cả trường vì có ai hiểu gì đâu.
Bản thân tôi lúc đó cũng chẳng hiểu hết câu chuyện. Tôi học thuộc như một con vẹt, chỗ nào lên giọng, xuống giọng, chỗ nào nhấn nhá, hay lướt nhanh, đều được tập đi tập lại suốt cả một tuần trước cuộc thi. Thế mà lên sân khấu tua được một nửa câu chuyện thì bỗng quên mất câu sau là câu nào, bắt đầu bằng từ gì...
Tới giờ nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy khi đó đầu mình như có một bức sương mù che phủ. Mọi kiến thức không có gì đọng lại trong đầu, không hiểu một cái gì sâu sắc, đến nơi đến chốn cả.
Thế mà giờ con tôi mới lớp 5, tự tin đăng ký thuyết trình đề tài về chim di cư, tự tìm hiểu các thông tin trên YouTube, làm slide với nhiều hình ảnh bắt mắt, số liệu thú vị, trình bày thuyết phục và trả lời trôi chảy các câu hỏi của giám khảo nước ngoài.
Kết quả là cháu giành được giải nhất trong cuộc thi thuyết trình bằng tiếng Anh của trường. Một kết quả không làm cô giáo chủ nhiệm, các bạn trong lớp, các cô giáo đã dạy con các lớp dưới và bạn bè tôi bất ngờ.
Chơi mà học
Mới gần đây tôi mới biết về lý thuyết học thông qua chơi, mặc dù đã thực hành theo các nguyên lý của nó hơn một thập kỷ, với hai đứa con. Học và chơi được ví như hai cánh bướm - cánh này không thể tồn tại nếu thiếu cánh kia.
Con tôi đã học tiếng Anh thông qua chơi từ khi mới lọt lòng. Vì thế, tôi không tốn một đồng nào cho con học ở trung tâm tiếng Anh, nhưng con vẫn có thể nghe và nói với tốc độ của CNN hoặc BBC.
Khi con chưa đi học mẫu giáo, tôi thường xuyên mở các bài hát tiếng Anh cho con nghe, trong khi con chơi các trò chơi xếp các khối màu, các chữ cái theo bảng latin. Trên tường, ngang tầm bé tập đi và vịn tay, tôi treo những bức tranh con vật với hình vẽ ngộ nghĩnh và có tên tiếng Anh để con có thể nhìn thấy nhiều lần một ngày.
Khi con đi học mẫu giáo, tôi sưu tầm các clip, bộ phim có ngôn ngữ gốc là tiếng Anh để mở trên ô tô. Ròng rã nhiều năm, tổng cộng nhà tôi đã thay 5 đầu đĩa. Những năm trước là đầu đĩa CD, bây giờ hiện đại hơn là USB, với hàng trăm bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Walt Disney. Có nhiều bộ phim hoạt hình được xem đi xem lại, các bạn thử tính xem, bao nhiêu nghìn lời thoại thú vị, hài hước, nhân văn đã được ghi nhớ, thuộc lòng?
Nguyên tắc là phân tích sâu, biên tập ngắn gọn, thú vị. Có điều, dù là clip đơn giản hay chuyên sâu, đều phải được làm bởi người nói tiếng Anh bản địa. Như vậy, con học được cả ngôn ngữ và kiến thức.
Trở lại với phương pháp học thông qua chơi, tôi thường vui vẻ đố các con kêu giống tiếng lợn bố, lợn mẹ và các nhân vật trong phim Peppa Pig, hoặc cùng các con phân tích một tình huống trong các phim hoạt hình. Trẻ phải chăm chú lắng nghe phim thì mới tương tác được với các yêu cầu của cha mẹ.
Và trẻ thường xuyên được nghe lời cảm ơn của cha mẹ: "Cảm ơn các con đã tự học tiếng Anh giỏi, để cha mẹ không tốn tiền học thêm". Trẻ con, từ bé tí, đã được cảm thấy mình là một phần trong gia đình, cùng tham gia tiết kiệm, khoái lắm chứ!
Không những thế, chúng còn được biết rằng vì chúng ta không tốn tiền đi học thêm tiếng Anh, nên tiền đó được dành để đi chơi, thăm thú nơi này nơi kia. "Chính các con đã tự kiếm được các chuyến đi chơi của mình từ bé đó nha! Cha mẹ là được hưởng lợi từ sự tự giác học tập của các con".
Có đứa trẻ nào lại không vui sướng và cố gắng gấp năm gấp mười lần không các bạn?
Các bạn tôi vẫn đùa gọi chiếc xe cũ của nhà tôi là "con la già". Đúng là một "con la già", đi ngày nào lãi ngày đấy. Nó đã được 14 tuổi rồi và vẫn cần mẫn làm trung tâm tiếng Anh di động, đưa các kiến thức toàn cầu đến với các con tôi hằng ngày.
Có một "trường học" mang tên... YouTube
Con tôi là 1 trong số 2 tỉ người xem YouTube hằng tháng, nhưng không với mục đích giải trí mà như một kênh giáo dục thường xuyên. Tôi dùng YouTube để mở rộng kiến thức cho các con bằng cách tìm các clip giáo dục về sinh học, hóa học, thiên văn học, lịch sử... hấp dẫn, hài hước.
Tạo hứng thú cho trẻ
Học thông qua chơi là một phương pháp, một cách tiếp cận, đồng thời là một hình thức thực hiện và là một thủ thuật dạy học. Với phương pháp này, các bài học phải tạo hứng thú cho trẻ, giúp trẻ có mong muốn tham gia tích cực, có ý nghĩa, tương tác xã hội và khuyến khích sự tự chủ của trẻ. Qua đó, trẻ được tham gia tích cực, sẽ phát triển ngôn ngữ nói, phát triển kỹ năng giao tiếp, phát triển nhận thức, khả năng suy đoán, phát triển cảm xúc, phát triển thể chất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận