Trong 2 ngày 16 và 17-11, Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) và Trường đại học Curtin (Úc) tổ chức hội thảo quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh lần thứ 14 với chủ đề “Tương lai của giảng dạy tiếng Anh: Cơ hội và thách thức”.
Tiến sĩ Pamela Humphreys từ Đại học Macquarie (Úc) cho biết theo nghiên cứu về tương lai của tiếng Anh do Hội đồng Anh thực hiện, những công nghệ vượt trội như trí tuệ nhân tạo, học máy, các công cụ dịch tự động... có thể giúp người học ngoại ngữ sửa lỗi ngữ pháp, phát âm, gợi ý cách hành văn… một cách dễ dàng mà không tốn quá nhiều chi phí.
Đây là một tín hiệu tích cực nhưng cũng là thách thức đối với các giáo viên dạy tiếng Anh.
Tuy nhiên cũng chính trong thời đại công nghệ số, vai trò của giáo viên tiếng Anh trong xã hội là gần như không thể thay thế. Bởi suy cho cùng, việc học ngôn ngữ vẫn cần sự tiếp xúc giữa người với người.
Để không bị lạc hậu và giữ vững được vị thế của mình, theo tiến sĩ Pamela Humphreys, mỗi giáo viên cần tự trau dồi kiến thức chuyên môn, đa dạng hóa các kỹ năng, nhất là kỹ năng dạy học trực tuyến và biết ứng dụng công nghệ vào bài giảng tiếng Anh.
Tuy nhiên, vẫn còn một thách thức nữa được tiến sĩ Hồ Thanh Mỹ Phương, giám đốc Trung tâm SEAMEO RETRAC, chỉ ra. Đó là sau dịch Covid-19, các thầy cô giáo đã dần để lại những kinh nghiệm dạy học trực tuyến mà họ đã được đào tạo và tích lũy được trong mùa dịch để trở về với lối dạy truyền thống.
Nguyên nhân là do giáo viên không còn động lực để duy trì phương thức dạy này nếu không có những quy định bắt buộc.
Vì vậy vấn đề đặt ra là cần tìm giải pháp để thúc đẩy và duy trì hình thức trực tuyến trong dạy và học tiếng Anh. “Nếu không sẽ rất khó để nhìn thấy những lợi ích lâu dài mà giáo dục trực tuyến mang lại vì giờ đây giáo viên đã không còn giảng dạy trực tuyến nhiều như trước” - tiến sĩ Phương nhận định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Luân từ Đại học Western Sydney tại Việt Nam đề xuất cần nâng cao nhận thức của người giáo viên về tính cần thiết và hiệu quả của hoạt động dạy học trực tuyến.
Ngoài ra, các trường học có thể triển khai học tiếng Anh theo mô hình tích hợp (hybrid learning) - kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến với sự đầu tư nghiêm túc để giáo viên vẫn có thể bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ của mình.
Nhiều dự đoán về xu hướng dạy học tiếng Anh
Tại hội thảo, tiến sĩ Pamela Humphreys cũng đưa ra nhiều dự đoán về xu hướng dạy và học tiếng Anh trong thời gian tới.
Việc dạy và học tiếng Anh sao cho thật giống với các chuẩn mực của người bản xứ sẽ không còn phù hợp. Người học không nhất thiết phải phát âm như người bản xứ mà chỉ cần chú trọng vào việc giao tiếp phù hợp với ngữ cảnh, giúp người khác hiểu thông điệp mà mình muốn truyền tải.
Đối với dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, dự đoán trong tương lai sẽ đẩy mạnh triển khai phương pháp học tích hợp nội dung và ngôn ngữ.
Người học sẽ học kiến thức thông qua ngôn ngữ không phải mẹ đẻ, giúp tiếp thu cả kiến thức môn học và ngôn ngữ một cách tự nhiên. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ vào chương trình giảng dạy và các hình thức đánh giá năng lực học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận