28/04/2021 11:11 GMT+7

Trung tâm tài chính quốc tế: Bây giờ hoặc không bao giờ

ÁNH HỒNG - BÔNG MAI
ÁNH HỒNG - BÔNG MAI

TTO - Việt Nam cần có chiến lược phát triển trung tâm tài chính để tận dụng cơ hội do công nghệ đem lại với quyết tâm 'bây giờ hoặc không bao giờ'.

Trung tâm tài chính quốc tế: Bây giờ hoặc không bao giờ - Ảnh 1.

Bên ngoài trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - Ảnh: B.MAI

Hội thảo khoa học quốc gia "Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của VN" tổ chức ngày 27-4, do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức.

Rửa tiền dưới vỏ bọc đầu tư

Theo ông Thomas Hung Tran - quản lý cấp cao của Công ty PwC VN, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, vốn vào rất nhiều và Việt Nam trở thành miếng mồi ngon cho tội phạm tài chính, cụ thể là những đối tượng rửa tiền, để đưa nguồn vốn của họ vào lưu chuyển trong xã hội, rửa sạch nguồn vốn đó rồi rút nó ra dưới vỏ bọc nhà đầu tư.

"Chúng ta đang ở giai đoạn tốt của nền kinh tế dù còn khó khăn và chúng ta có khát vọng xây dựng nền tài chính, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu sản phẩm tài chính, tiền, nhà đầu tư ở đó bản chất đa phần là tội phạm tài chính mang mác nhà đầu tư để đầu tư vào Việt Nam. Cả trong nước cũng có những tổ chức rửa tiền. 

Làm sao để phát triển thị trường tài chính lành mạnh nhằm tạo sân chơi cho tổ chức, người dân chứ không phải tạo sân chơi cho tổ chức rửa tiền. Đây là bài toán rất khó với các nước, không chỉ riêng Việt Nam" - ông Thomas Hung Tran nói.

Nhiều cái mới, cũng lắm rủi ro

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đặt vấn đề hiện nay thể chế của Việt Nam còn chậm hoàn thiện so với yêu cầu, khi thiếu các quy định cho các mô hình kinh doanh mới, năng lực quản lý rủi ro hệ thống tài chính, tính minh bạch, chuyên nghiệp của thị trường chưa cao.

Rủi ro tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam cũng nằm mức cao. Theo Công ty An ninh mạng Viettel, 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng 8 tháng đầu năm 2020 là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Do đó, cần hoàn thiện và thực thi các chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. 

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số và tài chính - tiền tệ số (bao gồm cả tiền kỹ thuật số); xây dựng lộ trình phát triển hệ thống tài chính xanh.

Song song đó là chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ; kiểm soát rủi ro an ninh mạng, an toàn thông tin - dữ liệu; nâng cao năng lực chống chịu các cú sốc.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều nhất trí TP.HCM cần có cơ chế sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát) để sớm trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lấy ví dụ trong kinh tế thử nghiệm đặc biệt này, chúng ta có thể áp dụng phương thức thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng Việt Nam phát hành, nếu thành công có thể nhân rộng ra cả nước. 

Tại đây sẽ "tập hợp những ngân hàng, tay chơi lớn trong nước và thế giới, những nhà đầu tư, công ty chứng khoán, tài năng kiệt xuất, loạt công ty đa quốc gia..." - GS Thơ cho hay.

Nhưng để làm được vậy thì thể chế phải thay đổi kịp với cách mạng 4.0 và chuyển đổi số. Chỉ có như thế may ra mới có thể tăng tốc, bắt kịp những phát triển quá nhanh của thế giới ngày nay. 

Chẳng hạn đặc khu kinh tế kỹ thuật số của Malaysia với một đối tác nước ngoài mới hình thành vào năm nay đã giúp GDP tăng đáng kể, đặc biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hay mới đây Nhật Bản đưa ra tuyển dụng 500 chuyên gia máy tính toàn cầu về làm ở Nhật, số hóa nền kinh tế Nhật, góp phần tăng năng suất lao động.

 "Chính phủ Nhật nhận định bây giờ hoặc không bao giờ. Tôi mượn câu này để nói về thành lập trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM" - GS Thơ cho hay.

"Sốt ruột" với trung tâm tài chính TP.HCM

TS Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ 17 năm trước từng chứng kiến TS Trần Du Lịch ôm đề án thành lập trung tâm tài chính TP.HCM đi trình nhưng "hơi buồn vì khát vọng này không được cổ phần hóa đồng đều cho những người có thực quyền".

Trung tâm tài chính của VN tọa lạc ở TP.HCM không chỉ phục vụ cho bản thân TP mà còn phục vụ cho đất nước.

UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

TTO - UBND TP cho rằng việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập; góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới.

ÁNH HỒNG - BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên