Lập hàng ghế đi học trong tình trạng sân trường ngập trong nước mưa ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: AFP
Trung Quốc ngày càng để tâm hơn tới các hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Một trong số những hậu quả này là tình trạng lũ lụt ngày một thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Đây lại là vấn đề đáng quan tâm tại các thành phố đông dân cũng như các khu đô thị mọc lên san sát ở Trung Quốc.
Theo trang Futurism ngày 13-11, để đối phó vấn đề này, Trung Quốc đang ngày càng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các "thành phố bọt biển".
Sáng kiến thành phố bọt biển được đưa ra từ năm 2015. Theo đó, chính phủ Trung Quốc sẽ xây mới hoặc cải tạo hệ thống thoát ao hồ, hệ thống cống thoát nước cao cấp trong các đô thị, giúp hấp thụ một lượng lớn nước mưa thay vì đổ thẳng ra sông hồ.
Hiện các mô hình thành phố bọt biển đang được thí điểm tại 30 thành phố của Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, Vũ Hán và Hạ Môn. Mục đích chính của sáng kiến này là vào năm 2020, 80% các khu đô thị ở Trung Quốc sẽ tái sử dụng ít nhất 70% lượng nước mưa.
Cho đến nay, hơn 12 tỉ USD đã được sử dụng cho các dự án xây dựng thành phố bọt biển. Tuy nhiên, chính quyền trung ương chỉ hỗ trợ 15 - 20% trong khoản ngân sách này. Số tiền còn lại sẽ do chính quyền địa phương cùng các nhà đầu tư tư nhân đổ vào.
Mô hình thành phố bọt biển được xây dựng tại TP Côn Sơn, thuộc vùng đại đô thị Tô Châu của tỉnh Giang Tô, sát Thượng Hải - Ảnh chụp màn hình
Lâm Cảng, một thành phố được quy hoạch tại quận mới Phố Đông của Thượng Hải, hiện tích cực xúc tiến các kế hoạch để trở thành thành phố bọt biển lớn nhất thế giới. Nỗ lực này nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố với số tiền đầu tư 119 triệu USD, theo đài CNN.
Cho đến nay, thành phố này đã bắt đầu trồng cây trên nóc các tòa nhà, xây dựng đầm lầy (để chứa nước mưa) và xây các con đường có khả nằn thấm nước mưa.
Việc tạo ra một thành phố bọt biển không phải là quá trình theo một khuôn mẫu duy nhất. Mỗi dự án chỉ thích hợp cho từng khu vực và mục đích để từ đó cải thiện các công nghệ đã được áp dụng trước đó và vượt qua thách thức mang đặc trưng của khu vực đó.
Các chiến lược nhìn chung sử dụng hai yếu tố chính là bề mặt thấm nước và hạ tầng xanh. Như vậy, thành phố bọt biển vừa giúp hấp thụ nước để sử dụng về sau, vừa giúp giảm tình trạng lũ lụt khi nước mưa đổ xuống ào ạt như trước đây.
Nhiều thành phố khác trên thế giới như Berlin (Đức) cũng đang nỗ lực để ngày càng giống các "tấm bọt biển", có khả năng hấp thụ và lưu trữ tối đa nước vào mùa mưa.
Năm 2010, gần 700 người đã thiệt mạng và hơn 300 người mất tích do mưa lũ và sạt lở rại Trung Quốc. Chỉ trong tháng 7 vừa qua, 56 người đã chết và nhiều khu đô thị bị tàn phá do lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc.
Đây là một cách nhìn mới về mưa lũ. Đó không còn là một vấn đề mà là một cơ hội để giảm gánh nặng cho hệ thống cấp nước của chúng ta"
GS Richard Luthy tại ĐH Stanford
Khi sáng kiến thành phố bọt biển được đưa ra vào năm 2015, khoảng một nửa trong số 657 thành phố của Trung Quốc thời điểm đó được đánh giá khan hiếm nước hoặc khan hiếm nước trầm trọng theo các thước đo của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, hơn 230 thành phố của nước này bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào năm 2013 và 90% các khu đô thị cổ thậm chí không có các kế hoạch phòng chống lũ cơ bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận