Phóng to |
Nộp phạt do sinh con quá mức quy định |
Kể từ năm 1955, nhiều chương trình sinh đẻ có kế hoạch đã được triển khai, sinh suất từ 33% xuống 18% trong khoảng năm 1970-1979, như vậy là giảm chưa đủ. Tình hình này kéo dài đến khi ông Đặng Tiểu Bình triển khai chính sách gia đình một con từ năm 1979. Chính sách được thực hiện bằng một loạt biện pháp từ việc tưởng thưởng các gia đình gương mẫu đến việc buộc ngừa thai đối với những cặp vợ chồng có nhiều hơn một con.
Mạnh tay
Sau nhiều giờ trên xe lửa, chúng tôi đến một làng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Tây. Bà Mai có bốn người con và chỉ con út là trai. Tháng 4-2007, cán bộ kế hoạch hóa gia đình đến nhà bà. “Tôi từ chối tiếp và đóng cửa lại, nhưng họ đã phá cửa vào nhà”. Bà bị phạt lần thứ hai với mức 1.500 nhân dân tệ, sau khi bị phạt 200 nhân dân tệ năm 2006. Chồng bà làm việc tại một xưởng gạch và hai vợ chồng bà chỉ kiếm được mỗi năm khoảng 3.000 nhân dân tệ.
Tại một làng khác, chúng tôi tiếp xúc với một phụ nữ 28 tuổi. Chị Yu Lian có hai con, sống tại một làng nhỏ thuộc huyện Bobai. “Mùa xuân năm 2007, khi đang đi dạo trên đường, tôi bị đưa đến bệnh viện để triệt sản”. Sau hai giờ, chị được cho về nhà với 300 nhân dân tệ bồi dưỡng. Cán bộ tỉnh Quảng Tây thi hành lệnh của chính phủ trung ương lấy cớ khám phụ khoa sẽ phát hiện, phạt tiền và buộc phá thai.
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ước tính số trẻ em không đăng ký khai sinh tại Trung Quốc sẽ đến 10 triệu trẻ vào năm 2010. Số trẻ em “lậu” này, đa số là bé gái ở nông thôn, không có giấy khai sinh, không được đi học, không được hưởng dịch vụ y tế.
Nối dõi tông đường
Phóng to |
Tìm bạn đời cho con trai... |
Nhưng chính sách hạn chế sinh sản đụng chạm tới truyền thống và nền tảng xã hội Trung Quốc. Khổng giáo buộc phải đảm bảo nối dõi tông đường và chỉ con trai có quyền nối dõi, có quyền thờ cúng tổ tiên. Vì người già không hưởng tiền trợ cấp, chính con trai phải bảo đảm cuộc sống cha mẹ khi họ về già, trong khi con gái sẽ phục vụ gia đình nhà chồng.
Ở các quốc gia không có sự chênh lệch về tỉ lệ phái tính, tỉ lệ thông thường là 96 nam/100 nữ. Trong khi đó, tại Trung Quốc mức chênh lệch càng gia tăng từ năm 1979. Hiện nay thống kê của chính phủ cho thấy tỉ lệ trên là 119,6 nam/100 nữ. Việc phá thai được thực hiện khi thai phụ siêu âm và biết mang thai con gái. Việc này trên nguyên tắc là bị cấm. Gia đình từ bỏ bé gái sau khi sinh ra. Các trại cô nhi mà chúng tôi đến thăm thường có đến 90% là trẻ gái. Việc trọng nam khinh nữ cũng là một nguyên nhân ít con gái. Việc giết trẻ gái sơ sinh cũng còn xảy ra nơi này nơi nọ.
Buôn bán trẻ em
Phóng to |
Dán tờ tìm con: “Con tôi bị băt cóc cách đây bốn ngày trong vườn trẻ quận Fude” |
Chúng tôi đến Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Một đôi vợ chồng đang đi chầm chậm trên đường, tay cầm mấy tờ apphich, mặt lộ vẻ buồn bã. Ông Wang Weimin và vợ Luo Wuyan đã mất con gái tên Ai Tiểu Hoa. Bà mẹ vừa khóc vừa kể: “Con tôi bị bắt cóc cách đây bốn ngày trong vườn trẻ quận Fude”. Bà dán tờ apphich tìm con dưới một tờ khác của một người tìm con trai mất tích.
Hội Cha mẹ mất con quy tụ các gia đình ở 14 tỉnh Trung Quốc, ước tính khoảng 40.000 trẻ em bị bắt cóc mỗi năm. Còn theo UNICEF ở Trung Quốc, có hơn 10.000 phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc mỗi năm. Bọn mafia lộng hành trong các khu phố nghèo vì chúng biết người dân ở đây thường là dân di cư từ nông thôn, không tiền và không giấy tờ.
Bắt cóc phụ nữ
Với chính sách gia đình một con, sự phân biệt đối xử với con gái càng tăng và chính sách gia đình một con đã trở thành chính sách con trai duy nhất, với hậu quả là hiện nay Trung Quốc thiếu tới 40 triệu phụ nữ.
Chúng tôi đến tỉnh Tứ Xuyên. Ông Zhu Wen Guang (biệt hiệu là Zhulo, tức là Zorro trong tiếng Hoa) là một cựu quân nhân hiện làm việc giải cứu các phụ nữ bị bắt cóc. Nhờ ông, hơn 160 phụ nữ bị bắt cóc đã được tự do, đa số sống tại tỉnh Sơn Tây, giáp giới Nội Mông và tỉnh An Huy.
Chúng tôi cũng gặp bà Zhang, 36 tuổi, bà cho biết: “Năm 1992, một người bạn của anh tôi giới thiệu tôi với một người bạn khác ở Thành Đô. Tại đó hai người đàn ông và hai phụ nữ đề nghị tất cả cùng đi thăm Nội Mông. Tôi nhận lời và vài ngày sau mới biết mình bị bắt cóc...”. Bà bị bán với giá 3.800 nhân dân tệ, một số tiền lớn vào thời đó. Bà bị buộc kết hôn với một nông dân làng Hao Lai, đến năm 1994 thì có con với người này. Cả làng biết tình trạng của bà. Sau khi sinh, chồng bà cho phép bà viết thư cho gia đình lần đầu tiên, nghĩ rằng việc có con sẽ làm bà không bỏ trốn. Biết được nơi bà sinh sống, gia đình xin ông Zhulo tìm cách giải thoát bà. Zhulo đến làng Hao Lai và trước sự chống cự của gia đình, bạn bè, hàng xóm của chồng bà, ông phải báo với cảnh sát địa phương và cuối cùng đã giải cứu được bà.
Mua vợ
Nông dân Trung Quốc rất khó tìm được người vợ chấp nhận cuộc sống khó nhọc của mình. Để tìm vợ, một nông dân cần phải có tiền để một gia đình nào đó nhượng con gái họ cho mình. Đó gọi là của hồi môn. Ở một số tỉnh như Hà Bắc, nhiều đàn ông phải đi mua vợ. Họ phải đến một tỉnh khác, nơi buôn bán phụ nữ bị bắt cóc hoặc ra nước ngoài (Việt Nam, Campuchia, Lào...). Tại những nơi đó họ có thể kiếm vợ ở tầng lớp nghèo. Việc buôn bán phụ nữ về làm vợ đã ra đời như thế tại Trung Quốc. Ước tính mỗi năm có 10.000-50.000 phụ nữ bị bán tại Trung Quốc. Nước này đang đứng trước tình trạng thiếu phụ nữ trầm trọng với hàng triệu đàn ông Trung Quốc ở tuổi lập gia đình vẫn còn sống độc thân. Hiện 90% những người độc thân trên 30 tuổi của Trung Quốc là đàn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận