22/08/2012 07:02 GMT+7

Trung Quốc tìm kiếm hòa hoãn với Mỹ?

MỸ LOAN - TRẦN PHƯƠNG
MỸ LOAN - TRẦN PHƯƠNG

TT - Ngày 21-8, đoàn quân sự cấp cao của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) do phó tổng tham mưu trưởng Thái Anh Đỉnh dẫn đầu đã đến Mỹ theo lời mời của Bộ Quốc phòng Mỹ.

ns9sINBz.jpgPhóng to

Tàu đệm khí, một loại tàu nhỏ cơ động được Trung Quốc sử dụng trong hạm đội Nam Hải và hoạt động ở biển Đông - Ảnh: chinamilitary.com.cn

F4Ohv53C.jpgPhóng to
Mời bạn vào tải ứng dụng chính thức của Tuổi Trẻ dành cho smartphone và tablet sử dụng hệ điều hành Android đã có trên Google Play. Ứng dụng của Tuổi Trẻ cũng đã có trên Samsung Apps dành cho smartphone.
Đây là đoàn quan chức quân sự cấp cao thứ hai của Bắc Kinh đến Washington chỉ trong vòng ba tháng, kể từ chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt hồi tháng 5-2012. Thành phần của đoàn gồm những quan chức nòng cốt của PLA như tổng chỉ huy Quân khu Bắc Kinh Trịnh Quần Lương, phó tổng tham mưu Bộ chỉ huy quân khu Tế Nam Giả Hiểu Vĩ...

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đoàn Trung Quốc sẽ đến thăm căn cứ quân sự của Mỹ ở Fort Hood, bang Texas và các căn cứ quân sự khác.

Tân Hoa xã mô tả ngắn gọn chuyến thăm Mỹ lần này của các quan chức PLA để “thúc đẩy ổn định khu vực”.

Giới chuyên gia quân sự nhận định động thái của Trung Quốc, vào lúc giữa Washington và Bắc Kinh đang diễn ra một cuộc đấu khẩu về biển Đông, có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng đôi bên. Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục cảnh báo Washington cần đứng ngoài tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước ASEAN và cho rằng Washington đã lợi dụng lo lắng về an ninh của các quốc gia châu Á để củng cố vai trò của mình trên biển Đông.

Cùng lúc, như Tân Hoa xã cho biết, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc cũng rời Bắc Kinh đến Matxcơva tham dự vòng bảy cuộc thảo luận an ninh chiến lược Nga - Trung.

Ngay khi các quan chức PLA yên vị trên chuyến bay đến Mỹ ngày 20-8 thì Thời Báo Hoàn Cầu đã đăng bài của tướng diều hâu La Viện, trong đó cảnh tỉnh Mỹ rằng “nếu như thật sự có vấn đề an ninh cho các tuyến đường biển thì đó là vấn đề của các cường quốc về biển, chứ đó không có phần của các nước đang tranh chấp ở biển Đông”. Thế nhưng như ông tướng này nhấn mạnh: “Mỹ đang gây ra những tranh chấp trên biển bằng chiến lược tập trung sang châu Á của mình”. Mỹ đang xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và đe dọa đến an ninh của các nước khác. Washington đang muốn làm xao lãng hướng đi chiến lược của Trung Quốc và can thiệp vào tiến trình phát triển hòa bình của Trung Quốc. Bởi Mỹ biết rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc ở cả trong và ngoài khu vực. Trong nội địa, Mỹ đang bôi bẩn Trung Quốc. Trên bình diện quốc tế, Washington đang muốn hạ thấp hình ảnh của Bắc Kinh cũng như gieo mầm mống bất hòa giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Bằng cách này, Mỹ đang đổ dầu vào lửa trong vấn đề tranh chấp biển Đông, bởi “các nước ở biển Đông không cần cảnh sát lẫn trọng tài quốc tế phân xử trong tranh chấp biển Đông”.

Nhân Dân Nhật Báo ngày 20-8 cũng đăng xã luận “Quan hệ ASEAN - Trung Quốc không phải toàn bộ là biển Đông”. Mở đầu xã luận bằng câu hỏi: vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển của ASEAN là biển Đông?, tờ báo này cho rằng vấn đề then chốt của ASEAN là tăng cường hợp tác với Trung Quốc và nêu rõ: vấn đề quan trọng của ASEAN là tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc để đảm bảo hiện thực hóa thị trường thống nhất vào năm 2015. Do đó, ASEAN cần thắt chặt quan hệ với Trung Quốc hơn.

0DaNqrCI.jpgPhóng to

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và ông Đới Bỉnh Quốc - Ảnh: THX

Nhật có thể sử dụng biện pháp phi ngoại giao?

Nhật Bản ngày 21-8 chính thức đề nghị với Hàn Quốc cùng đưa tranh chấp đảo Dokdo/ Takeshima ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ) để nhờ phân xử. Tokyo sẽ đơn phương đưa vấn đề này ra ICJ cả trong trường hợp Seoul từ chối.

Cùng ngày, Nhật Bản dọa sẽ có các biện pháp phi ngoại giao đối với Hàn Quốc, mở ra khả năng Tokyo sẽ đánh vào quan hệ kinh tế với Seoul.

Chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura cho biết Thủ tướng Yoshihiko Noda đã yêu cầu các bộ trưởng cân nhắc các giải pháp khác bên cạnh giải pháp ngoại giao. Bộ trưởng Tài chính Nhật Jun Azumi cuối tuần trước đã đánh tiếng Tokyo có thể sẽ rút lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ khẩn cấp với nước láng giềng. Thỏa thuận này, được hai nước thống nhất vào năm ngoái, cho phép hai nước trao đổi lượng USD, won và yen trị giá 70 tỉ USD trong trường hợp xảy ra nguy cơ khủng hoảng tài chính. Thỏa thuận này được cho là có lợi cho Seoul nhiều hơn.

Nhận định về căng thẳng hiện nay giữa Nhật và Hàn Quốc, báo JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) cho rằng các cuộc tranh cãi giữa hai nước xem chừng sẽ không hạ nhiệt bởi “trong những ngày qua, Hàn Quốc và Nhật Bản giống như hai tàu hỏa lao vào nhau”.

Thế nhưng, theo báo này, hai nước sẽ không cắt đứt quan hệ ngoại giao, cũng không gây chiến với nhau. Yi Won Deok, nhà chính trị học thuộc ĐH Kookmin của Hàn Quốc, khẳng định: “Với sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản có lợi ích liên minh với Hàn Quốc, vốn bản thân cũng đang cần hợp tác về kinh tế với Nhật Bản. Bởi vậy, hai nước sẽ phải kiềm chế không để tình hình trở nên tồi tệ”.

MỸ LOAN - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên