Nhà văn, dịch giả Trung Quốc Feng Tang tại một sự kiện giới thiệu sách của mình ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh: AP |
Theo AP, Nhà xuất bản Văn học và Nghệ thuật Chiết Giang, Trung Quốc đã công bố thu hồi tất cả những bản dịch tập thơ “Stray birds” (Chim lạc) của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore do nhà văn đương đại Trung Quốc Feng Tang chuyển ngữ.
Lý do thu hồi là những tranh cãi về chất lượng bản dịch và nhà xuất bản sẽ tổ chức đánh giá lại nó.
Trong một đoạn thơ gây phản ứng nhiều nhất, dịch giả Feng Tang đã dịch dòng thơ: “Thế giới cởi bỏ chiếc mặt nạ vĩ đại vì người tình của nó” thành “Thế giới đã cởi khóa chiếc quần lót của nó trước người tình”.
Dịch giả Feng Tang (44 tuổi, tên thật là Zhang Haipeng) là một tiểu thuyết gia kiêm viết tiểu luận nổi tiếng ở Trung Quốc, dù ông luôn tự nhận mình trước hết là một nhà thơ. Ông học ngành y và đã có một sự nghiệp thành công, trước tiên ở cương vị cố vấn cho tập đoàn McKinsey, sau đó là giám đốc của một công ty nhà nước cho tới khi từ chức năm ngoái. Feng Tang cho biết một NXB đã đề nghị ông chuyển ngữ các tác phẩm của thi hào Tagore và ông tin mình có thể làm việc này tốt hơn dịch giả Zheng Zhenduo, người đã chuyển ngữ tác phẩm từ đầu những năm 1900 và đó được cho là dịch phẩm hay nhất tại Trung Quốc. |
Dịch giả này cũng đã dùng một từ Trung Quốc có nghĩa “quyến rũ” để chuyển ngữ từ “mến khách” trong một dòng thơ Tagore mô tả mặt đất nơi cỏ sinh sôi.
Thi hào Tagore của Ấn Độ được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1913 là cây đại thụ văn học tại Ấn Độ, vì vậy bản dịch thơ của dịch giả Trung Quốc đã khiến giới trí thức Ấn Độ nổi giận.
Không những thế, ngay trong dư luận Trung Quốc, nơi tác giả Tagore cũng có ảnh hưởng rất lớn, cũng xuất hiện những ý kiến chỉ trích mạnh mẽ bản dịch này.
Học giả Radha Chakravarty, một nhà “Tagore học” giảng dạy tại Đại học Ambedkar ở New Delhi nói: “Sự việc làm dấy lên những câu hỏi về vai trò của dịch giả trong mối quan hệ với tác giả và những động cơ của ông ấy là gì. Nhằm mục đích thị trường ư? Để kích thích doanh số bán ra ư? Hay là một cách cố tình giễu cợt, đả kích thi hào Tagore?”.
Một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc nói dịch giả Feng Tang không đáp ứng yêu cầu cơ bản về dịch thuật là phải trung thực với nguyên văn. Bài viết cũng kêu gọi các cơ quan chính phủ hữu trách và các nhà xuất bản cần phải có những quy định rõ ràng hơn trong công tác dịch thuật.
“Dịch giả Feng Tang đã tự do thể hiện phong cách cá nhân của ông ấy. Có những người thích kiểu dịch này, nhưng dịch thuật chủ quan mà không có bất cứ giới hạn nào thì không thể gọi là dịch thuật”, bài bình luận viết.
Kiên quyết bảo vệ bản dịch của mình, ông Feng Tang nói bản dịch của ông phản ánh ngôn ngữ Trung Quốc hiện đại tốt hơn sau giai đoạn tiếng Trung Quốc chuyển đổi đáng kể từ dạng phồn thể đầu những năm 1900 sang dạng giản thể gần với ngôn ngữ nói hơn.
Ông cũng đã chia sẻ một số bản dịch thơ của ông trên mạng xã hội. Một số nhà phê bình thừa nhận có việc này nhưng vẫn cho rằng ông đã đi quá giới hạn của một dịch giả trong việc “sexy hóa” ngôn ngữ thơ tinh tế của Tagore.
Trả lời báo chí trong nước, ông nói: “Lịch sử và văn chương sẽ có phán xét riêng. Hãy để thời gian trả lời. Hãy để chính tác phẩm tự trả lời”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận