12/06/2021 08:45 GMT+7

Trung Quốc ra luật chống trừng phạt

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Lần đầu tiên Trung Quốc thông qua luật liên quan đến các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Đó cũng là sáng kiến có thể sẽ khiến căng thẳng Mỹ - Trung trầm trọng hơn.

Trung Quốc ra luật chống trừng phạt - Ảnh 1.

Luật mới của Trung Quốc sẽ trao cho các công ty nước này công cụ chống lại lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trong ảnh là một cửa hàng Huawei ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Hôm 10-6, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua "Luật chống trừng phạt của nước ngoài". Đây được xem là căn cứ pháp lý để Bắc Kinh đối phó các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Sự đối đầu giữa lệnh trừng phạt - biện pháp chống lệnh trừng phạt, sự đối đầu giữa Trung Quốc - phương Tây sẽ tích lũy và trở nên căng thẳng hơn.

Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) cảnh báo.

Bổ sung "hộp công cụ"

Luật trên được thông qua trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục bị Mỹ và các nước phương Tây áp nhiều đòn trừng phạt vì các vấn đề từ quyền con người ở Tân Cương cho tới sự xói mòn quyền tự trị của Hong Kong.

"Luật chống trừng phạt của nước ngoài" gồm 16 điều. Theo toàn văn luật mới được Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lại, những bên tham gia "đàn áp" Trung Quốc hoặc can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh... đều có thể bị trừng phạt.

Điều 6 quy định các biện pháp trừng phạt được áp dụng. Thứ nhất: từ chối cấp visa (thị thực), cấm nhập cảnh, hủy visa hoặc trục xuất. Thứ hai: niêm phong, tịch thu và đóng băng các động sản, bất động sản cùng những loại tài sản khác bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Thứ ba: cấm hoặc hạn chế tiến hành giao dịch, hợp tác và các hoạt động có liên quan với các tổ chức, cá nhân bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Thứ tư: các biện pháp cần thiết khác.

Các biện pháp trừng phạt này có thể được áp dụng với các tổ chức, cá nhân cũng như mở rộng sang cả vợ/chồng, người thân và những tổ chức mà họ có liên quan. Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan liên quan của họ sẽ chịu trách nhiệm chọn áp dụng một hoặc vài trong số các biện pháp trả đũa trên.

Điều 12 của luật còn nêu rõ không tổ chức và cá nhân nào có thể thi hành hoặc hỗ trợ thi hành những lệnh trừng phạt mang tính "phân biệt đối xử" được nước ngoài áp dụng với các cá nhân, tổ chức Trung Quốc. Những cá nhân/tổ chức Trung Quốc bị ảnh hưởng có thể nộp đơn kiện lên tòa án để yêu cầu cá nhân/tổ chức liên quan dừng xâm phạm lợi ích và bồi thường tổn thất cho họ.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng luật mới sẽ làm phong phú thêm "hộp công cụ" pháp lý của nước này để đối phó với các thách thức và ngăn chặn rủi ro liên quan nước ngoài.

Doanh nghiệp nước ngoài lo lắng

Năm ngoái, khoảng 45 quan chức Trung Quốc đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, gồm 15 thành viên của Quốc hội Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU), Canada và Anh cũng áp lệnh trừng phạt lên những quan chức Trung Quốc mà theo họ là có dính líu tới việc "đàn áp" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ngoài ra, Mỹ đã đưa Huawei và các chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách đen, cấm mua các linh kiện và công nghệ từ công ty Mỹ nếu không có sự cho phép. Phía Trung Quốc đã tung ra các biện pháp đáp trả nhưng dường như có rất ít tác động tới Washington.

Giáo sư Hoắc Chính Hân tại Đại học Chính pháp Trung Quốc nói rằng việc Trung Quốc thông qua luật chống trừng phạt từ nước ngoài "không chỉ rất cần thiết, mà còn vô cùng đúng lúc". Ông Hoắc giải thích trước đây Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa chủ yếu thông qua "các phương tiện hành chính", thiếu sự hỗ trợ ở cấp độ lập pháp quốc gia.

Tuy vậy, luật mới này khiến các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc lo ngại về tác động mà luật gây ra. Theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, các thành viên của họ đã "lo lắng" về tình trạng thiếu minh bạch trong quá trình thông qua luật này khi mà nội dung chi tiết của luật không được công khai trước khi thông qua.

"Trung Quốc dường như đã vội vã. Hành động như vậy không có lợi đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài hoặc trấn an những công ty đang ngày càng cảm thấy họ sẽ là con tốt thí mạng trên bàn cờ chính trị" - ông Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, đánh giá.

Theo tạp chí Nikkei Asia, Công ty tư vấn quản lý rủi ro an ninh A2 Global Risk đánh giá luật chống trừng phạt trên của Trung Quốc có thể sẽ là "kẻ thay đổi cuộc chơi" vì nó cung cấp cơ chế cho các thực thể Trung Quốc nộp đơn kiện một công ty nước ngoài nào đó đang tuân thủ các lệnh trừng phạt do nước ngoài áp đặt với Trung Quốc. Chẳng hạn, Huawei có thể kiện các công ty như vậy.

"Cú rơi tự do" với Mỹ - Trung

Trả lời phỏng vấn kênh CNBC ngày 11-6, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus đánh giá quan hệ Mỹ - Trung đang trở nên xấu hơn và hiện nay không "khởi động lại" dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden theo cách mà nhiều người kỳ vọng.

"Nhiều người nghĩ rằng với việc ông Biden thắng cử, điều đó có thể kết thúc "cú rơi tự do" và mọi thứ dần quay lại bình thường. Tuy nhiên, điều đó đã không thật sự xảy ra" - ông Max Baucus bình luận về quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc thông qua luật chống trừng phạt của nước ngoài Trung Quốc thông qua luật chống trừng phạt của nước ngoài

TTO - Trung Quốc ngày 10-6 đã thông qua luật chống trừng phạt của nước ngoài. Giới quan sát xem đây là phản ứng của Trung Quốc trước các áp lực từ Mỹ và châu Âu trong vấn đề thương mại, công nghệ, Hong Kong và Tân Cương.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên