18/10/2019 08:00 GMT+7

Trung Quốc: Những thông điệp chính trị quàng trên đầu điện ảnh

NHAM HOA
NHAM HOA

TTO - Bộ mặt điện ảnh mới cho thấy sứ mệnh quan trọng: nhằm truyền tải những thông điệp ngầm về một siêu cường đang trỗi dậy và bơm liều thuốc tự hào dân tộc vào người dân Trung Quốc.

Trung Quốc: Những thông điệp chính trị quàng trên đầu điện ảnh - Ảnh 1.

Những cảnh "cờ bay phần phật" không hiếm trong các phim bom tấn Trung Quốc hiện đại

Điện ảnh Trung Quốc đang dần sang một trang mới: những bộ phim bom tấn không còn là các tác phẩm nghệ thuật thuần túy kiểu Trương Nghệ Mưu hay Trần Khải Ca nữa, dòng phim phục vụ thị trường, đầu tư lớn, kỹ xảo hoành tráng, công nghệ dựng phim tân tiến... được dồn sức đầu tư.

Bộ mặt điện ảnh mới này cho thấy sứ mệnh quan trọng mới: nhằm truyền tải những thông điệp ngầm về một siêu cường đang trỗi dậy và bơm liều thuốc tự hào dân tộc vào người dân Trung Quốc.

Lãnh Phong lồng lá đại kỳ vào tay và xuống tấn trên nóc xe. Hà Kiến Quốc cùng Rachel giữ chặt chân anh. Dáng đứng của Lãnh gợi nhớ biểu tượng hãng phim xã hội chủ nghĩa lừng lẫy Mosfilm thuở nào.

Lá cờ bay phần phật khi đoàn xe diễu qua vùng chiến sự dưới ánh mắt kính cẩn của quân chính phủ lẫn phe nổi dậy.

Lấn át phim ngoại

Đây hẳn là cảnh tượng khó quên nhất ở Wolf Warrior II (tựa tiếng Việt: Chiến lang II, 2017), bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử tại thị trường Trung Quốc với doanh thu 874 triệu USD, vượt cả Avengers: Endgame (Avengers: Hồi kết, chỉ đứng hạng ba).

Và đây không phải ngoại lệ, mà đang trở thành xu thế: trong top 5 có đến ba phim thuộc dạng này: The Wandering Earth (Lưu lạc địa cầu, 2019) - thứ hai, và Operation Red Sea (2018), được biết đến ở Việt Nam với cái tên tai tiếng Điệp vụ Biển Đỏ - thứ năm.

Sau Operation Mekong (Điệp vụ Tam Giác Vàng, 2016), và gần đây nhất là Shanghai Fortress (Pháo đài Thượng Hải, 2019), đây dường như là một hướng đi mới nhằm quảng bá Trung Quốc bằng điện ảnh, sau rất nhiều nỗ lực - thành công cũng có, nhưng thất bại lại nhiều hơn - của quốc gia đông dân nhất thế giới suốt một thập kỷ qua.

Năm 2008, Thế vận hội Bắc Kinh làm cả thế giới choáng ngợp với lễ khai mạc ấn tượng, báo hiệu sự trỗi dậy mạnh mẽ của một siêu cường sau giai đoạn náu mình chờ thời (năm 2010, Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới).

Tổng đạo diễn của lễ khai mạc đó là Trương Nghệ Mưu, gương mặt lừng lẫy nhất của điện ảnh Trung Hoa đại lục. Olympic Bắc Kinh không chỉ đánh dấu việc "trở về với chính nghĩa" của người từng làm thế giới chấn động với những bộ phim đầy sức phản kháng như To Live (Phải sống, 1994), mà còn hé lộ một điều: điện ảnh sẽ là mũi nhọn trong chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng chính Olympic Bắc Kinh, với xìcăngđan hát nhép của cô bé Lâm Diệu Khả, hé lộ một khía cạnh khác cũng hết sức Trung Hoa: thể diện mới là trên hết.

Năm 2012, để đảm bảo cơ hội tiếp cận thị trường đại lục, MGM thay thế nhóm nhân vật phản diện Trung Quốc trong Red Dawn (Chiến dịch Bình minh đỏ) bằng các tay súng Bắc Triều Tiên.

Năm 2016, nhân vật Ancient One (Tilda Swinton thủ diễn) trong Dr. Strange (Phù thủy tối thượng) được Marvel chuyển từ người Tây Tạng thành người Celt để phim có thể chiếu ở đại lục. Đây chỉ là hai ví dụ tiêu biểu cho việc Trung Quốc đang gắng sức vẽ lại diện mạo trên màn ảnh toàn cầu ra sao.

Có hai lý do khiến Bắc Kinh muốn là được. Thứ nhất, thị trường đại lục đạt gần 10 tỉ USD năm 2019, và sẽ vượt Bắc Mỹ trong vài năm tới.

Thứ hai, Trung Quốc đã rót hơn 4,5 tỉ USD vào Hollywood (ước tính hơn 40 phim bom tấn của Hollywood từ 2015 đến nay có góp vốn của đại lục).

Thế nên không có gì khó hiểu nếu mọi studio Mỹ sẵn sàng làm tất cả để đối tác Trung Hoa vui lòng, kể cả việc cho một búp bê chớp mắt cũng không nên hồn như diễn viên Cảnh Điềm xuất hiện trong hàng loạt bom tấn, từ Great Wall (Tử chiến Trường Thành, 2016) đến Kong: Skull Island (Đảo Đầu Lâu-Kong, 2017) hay Pacific Rim: Uprising (Siêu đại chiến Thái Bình Dương: Trỗi dậy, 2018).

Tại Hội nghị thượng đỉnh điện ảnh Mỹ - Trung năm 2013, chủ tịch Công ty Hợp tác sản xuất điện ảnh Trung Quốc Trương Tuân tuyên bố không cần úp mở: "Chúng tôi có thị trường khổng lồ, và sẵn sàng chia sẻ nó" với điều kiện phim của quý vị phải "chú trọng khắc họa văn hóa Trung Hoa" và phản ánh "hình ảnh tích cực về Trung Quốc".

Hệ quả là mấy năm gần đây, trong phim Mỹ đã xuất hiện nhiều chi tiết, kín đáo cũng có mà lộ liễu cũng có, để tô son điểm phấn cho hình ảnh một cường quốc thân thiện và có trách nhiệm.

Nhờ Trung Quốc dẫn đầu dự án xây những con tàu Noah hiện đại mà nhân loại thoát nạn diệt vong trong 2012 (Năm Đại họa 2012, 2009).

Sandra Bullock trong Gravity (Cuộc chiến không trọng lực, 2013) thoát chết nhờ tới được trạm vũ trụ Trung Quốc.

Và trạm nghiên cứu hải dương khổng lồ của The Meg (Cá mập siêu bạo chúa, 2018), dĩ nhiên, do hai cha con nhà khoa học Trung Quốc (Triệu Văn Tuyên và Lý Băng Băng) quản lý.

Trung Quốc: Những thông điệp chính trị quàng trên đầu điện ảnh - Ảnh 2.

"Bom xịt" Pháo đài Thượng Hải - Ảnh: Justwatch

Đâu phải có tiền mua được hạnh phúc

Khi cảm thấy những chi tiết ấy vẫn chưa đủ, Trung Quốc quyết định canh ti với Mỹ để làm một bom tấn "made in China" thực thụ, vẫn với sự tham gia của Trương Nghệ Mưu trong vai trò đạo diễn.

Tiếc thay, bất chấp khoản đầu tư khổng lồ 150 triệu USD và hai ngôi sao Hollywood Matt Damon cùng Willem Dafoe, bộ phim lấy bối cảnh địa danh Trung Quốc nổi tiếng nhất thế giới, Vạn Lý Trường Thành, vẫn lỗ thê thảm và bị chê tơi bời về chuyên môn.

Ngạn ngữ Trung Hoa có câu "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán". Song đến Trường Thành một lần như vậy là quá đủ, đại lục đã chuyển hướng ngay khi phát hiện ra một hảo hán thú vị hơn trong Wolf Warrior (Chiến lang, 2015).

Chỉ riêng thế kỷ 20, Trung Quốc hai lần bị xâm lược (liên quân tám nước năm 1900 và Nhật Bản năm 1931). Hai kỳ "quốc sỉ" ấy là hai vết thương chưa bao giờ khép miệng trong điện ảnh Hoa ngữ, cả Hong Kong lẫn đại lục.

Bởi thế nên Hoắc Nguyên Giáp, Trần Chân hay Diệp Vấn nhất thiết phải đánh bại đối thủ Nhật Bản lẫn Tây dương thì khán giả Trung Hoa mới lấy làm đẹp ý.

Chiến lang kế thừa nỗi ám ảnh ấy. Có điều câu chuyện đã thay đổi khá nhiều, phản ánh giấc mơ thầm kín của Trung Quốc đương đại: Lãnh Phong không đại diện cho võ thuật, mà cho Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa; và đối thủ của anh không còn là sĩ quan Nhật mà là đặc nhiệm SEAL.

Vừa bóp mũi kẻ thù, phim vừa tranh thủ phô trương sức mạnh của PLA bằng cách giới thiệu nhiều khí tài hiện đại, từ máy bay phản lực đến trực thăng và xe tăng các loại.

Không lâu sau Chiến lang, Operation Mekong xuất hiện, dựa trên câu chuyện có thật về vụ thảm sát 11 công dân Trung Quốc, buộc đặc nhiệm nước này phải đột kích vào Tam Giác Vàng để "thực thi công đạo".

Dưới bàn tay của đạo diễn Hong Kong Lâm Siêu Hiền, đây là một phim hành động không có gì đặc sắc nhưng sạch sẽ và coi được. Đáng nói là câu chuyện cùng thời điểm ra mắt phim (2016) đều rất hợp với chủ trương thúc đẩy hợp tác tiểu vùng được Trung Quốc khởi xướng năm 2015 với cơ chế Lan Thương - Mekong.

Song Chiến lang lẫn Operation Mekong chỉ là bản beta. Chiến lang IIOperation Red Sea mới đích thực là màn tuyên truyền sống sượng lộ liễu của siêu cường mới nổi.

Người ta thấy bóng dáng tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục Lâm Nghi và chiến đấu cơ Phi Sa J-15 trong những đại cảnh hoành tráng trên vịnh Aden. Dù kẻ thù là cướp biển và phiến quân, nhân vật của Ngô Kinh không bỏ qua cơ hội để giễu cợt Hoa Kỳ.

Thông điệp của phim, cũng là lời thoại của nhân vật chính: "Kẻ nào mạo phạm Trung Quốc, dẫu ở xa đến đâu, nhất định bị tiêu diệt", hẳn không chỉ nhắm vào vài tên hải tặc nhãi con.

Lãnh Phong đặc biệt thân thiện và hết lòng giúp đỡ dân bản xứ, một hình ảnh Trung Quốc luôn muốn quảng bá mỗi khi nhắc tới sự hiện diện của họ trong vô số dự án khai thác tài nguyên của châu Phi.

Để không mất lòng các đối tác châu Phi, bối cảnh Operation Red Sea là quốc gia giả tưởng Yewaire. Còn nhóm đặc nhiệm trong Operation Mekong thì luôn nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền khi đột kích vào đất Thái.

Kết quả của nỗ lực lồng ghép chính trị một cách khiên cưỡng vào điện ảnh là những câu thoại nghe như phát biểu ở diễn đàn đa phương: "Đừng giết người Trung Quốc, chính phủ của họ là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an hiện diện ở đây". Cứ như là quân phiến loạn và khủng bố đều có bằng cao học quan hệ quốc tế vậy!

Trung Quốc: Những thông điệp chính trị quàng trên đầu điện ảnh - Ảnh 3.

Poster phim Lưu lạc địa cầu - Ảnh: IMDB

Ám ảnh quá khứ không những thôi thúc điện ảnh đại lục viết lại hiện tại, mà còn sáng tạo cả tương lai. Lưu lạc địa cầu có thể coi như một phiên bản Hoa ngữ của các phim Mỹ Armageddon (Ngày tận thế, 1998) lai với The Core (Tâm trái đất, 2003) và khá nhiều phim tận thế khác.

Lần này, Ngô Kinh lại là bếp trưởng, với món gia vị không thể thiếu "tinh thần dân tộc." Cách bố cục poster cũng thể hiện rõ điều đó: Lưu Bồi Cường đứng sau cùng nhưng cao nhất và kích thước lớn nhất, đổ bóng lên mọi nhân vật khác, như biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cứu thế giới mà anh đại diện.

Công bằng mà nói, nếu gạt bỏ những ngớ ngẩn của cốt truyện và diễn tiến tính cách nhân vật, phim rất được về mặt kỹ xảo - một tín hiệu nữa, bên cạnh hiện tượng Huawei, cho thấy Trung Quốc ngày nay dư sức cạnh tranh với phương Tây về công nghệ.

Bộ phim cũng khá phi chính trị, nếu không xét đến vài chi tiết như người bạn thân nhất của Lưu trong vũ trụ là một phi công Nga, hầu như không thấy bóng dáng người Mỹ trong cuộc chiến sinh tồn của trái đất, và ngôn ngữ chính thức của chính phủ toàn cầu... là tiếng Pháp!

Khác biệt đáng kể nhất ở Chiến lang, Biển Đỏ, và Địa cầu không phải là doanh thu hàng trăm triệu, mà là ở thị trường nó nhắm đến. Nếu Great Wall được chiếu tại 3.000 rạp Bắc Mỹ, ba phim còn lại chỉ chiếu giới hạn ở vài chục rạp, mặc dù 13% số rạp phim tại Mỹ đã thuộc sở hữu của Tập đoàn Trung Quốc Đại Liên Vạn Đạt.

Thay vì cố gắng trong tuyệt vọng để chinh phục thị trường nước ngoài, giới làm phim đại lục giờ chỉ tập trung vào nội địa, một tên hai đích: vừa lãi lớn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền - thổi bùng ngọn lửa dân tộc trong khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Thật khó tưởng tượng Rambo của Stallone được đề cử Oscar. Thế mà Chiến lang II, được giới phê bình mệnh danh là Rambo Trung Quốc, đã được Bắc Kinh cử đi tranh giải Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2018!

Trung Quốc: Những thông điệp chính trị quàng trên đầu điện ảnh - Ảnh 4.

Jason Statham và Lý Băng Băng trong The Meg - Ảnh: Collider

Lịch sử đã chứng minh không chỉ một lần, khi chính quyền Trung Quốc bơm liều thuốc tự hào dân tộc vào người dân, một là nhằm siết chặt hàng ngũ sẵn sàng đối đầu với bên ngoài, hai là để xoa dịu những bất ổn nội bộ. Trong trường hợp này, có lẽ cả hai khả năng đều đúng.

Nhưng trong cái đáng lo ấy lại có một điều đáng mừng. Đó là thất bại thảm hại của Pháo đài Thượng Hải ngay ở đại lục. Nếu Lưu lạc địa cầu vừa mở ra cánh cửa hi vọng cho phim viễn tưởng ở Trung Quốc thì Pháo đài Thượng Hải đã nhanh chóng đóng sập cánh cửa đó lại.

Trong phiên bản lỗi của The Independence Day (Ngày độc lập, 1996) này, người ngoài hành tinh lại xâm chiếm trái đất, và Thượng Hải dĩ nhiên là chốt chặn cuối cùng, pháo đài tối hậu của nhân loại.

Nhan sắc của Thư Kỳ không cứu vãn được sự kém cỏi toàn diện trong kịch bản lẫn diễn xuất hạng hai của bình hoa di động Lộc Hàm và đồng đội.

Kết cục ấy nói lên một điều: phim dở vẫn là phim dở, và ta không thể nhân danh bất cứ điều gì để biến phim dở thành phim hay.

Phim Điệp vụ Biển Đỏ được Hải quân Trung Quốc tích cực ủng hộ? Phim Điệp vụ Biển Đỏ được Hải quân Trung Quốc tích cực ủng hộ?

TTO - Trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc có bài viết 'Ý sâu xa đằng sau bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ diễn giải 'Hải quân Trung Quốc tích cực ủng hộ bộ phim này.'

NHAM HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên