28/09/2017 16:51 GMT+7

Trung Quốc bị tố thao túng tổ chức Interpol

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Với nhà lãnh đạo Interpol hiện nay là người Trung Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng tổ chức cảnh sát quốc tế này bị hướng theo mục tiêu "săn cáo" của ban lãnh đạo Bắc Kinh.

Trung Quốc bị tố thao túng tổ chức Interpol - Ảnh 1.

Phái đoàn của Trung Quốc tại phiên họp của Interpol ở Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

Kỳ họp bốn ngày của Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lần thứ 86 sẽ kết thúc ngày 29-9 Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Bắc Kinh.

Theo Hãng tin AFP, cả ngàn nhà lãnh đạo cấp cao đại diện lực lượng cảnh sát và thực thi pháp luật của 158 quốc gia và khu vực, các chuyên gia… đã có mặt để bàn thảo về các lĩnh vực ưu tiên gồm chống khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức và các loại tội phạm đang nổi lên (như tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy...).

Trung Quốc hiện nay là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Đó là một đóng góp quan trọng của Trung Quốc cho thế giới"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong diễn văn khai mạc

Truyền thông Trung Quốc tung hô chiến dịch săn quan tham

Truyền thông chính thống của Trung Quốc nhân dịp này không giấu ý định lồng ghép cuộc chiến chống tham nhũng của quốc gia đông dân nhất thế giới với hoạt động của cảnh sát quốc tế.

Tờ Hoàn cầu Thời báo viết: "Nhờ sự hợp tác của Interpol, Trung Quốc đã có thể săn lùng những kẻ đào tẩu trốn ra nước ngoài và ngăn cản những kẻ khác rời khỏi đất nước".

Dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh đã đẩy mạnh cuộc chiến "đả hổ, diệt ruồi" nhắm vào các quan tham và tăng cường truy quét những đối tượng được cho là phạm tội chạy trốn ra nước ngoài qua chiến dịch "Săn cáo".

Truyền thông Trung Quốc cũng khẳng định số cuộc điều tra nhắm vào các đối tượng trên đã tăng mạnh trong thời gian gần đây nhờ sự hỗ trợ của cảnh sát các nước. 

Công an Trung Quốc khẳng định đã phối hợp với đồng nghiệp các nước điều tra trong hơn 4.000 vụ việc. Các cơ quan an ninh Trung Quốc cũng khẳng định đã dẫn độ về nước ít nhất 2.500 tên tội phạm trốn ở nước ngoài.

Tuy nhiên những thành quả của bộ máy an ninh Trung Quốc lại bị các tổ chức nhân quyền và các nhà quan sát đặt nghi ngờ.

"Với sự gia tăng đầu tư ra nước ngoài và người dân Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng nhiều, rõ ràng Trung Quốc phải muốn có vai trò tích cực hơn trong cộng đồng quốc tế để bảo vệ các quyền lợi của mình", bà Stefanie Kam, thuộc ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, nhận định với Hãng tin AFP.

"Cam kết của Bắc Kinh trong tổ chức Interpol là tín hiệu rõ ràng cho thấy nước này lo lắng một cách nghiêm túc về những mối đe dọa trong và ngoài nước có thể làm tổn hại cho những lợi ích của mình", bà Kam bình luận.

Trung Quốc bị tố thao túng tổ chức Interpol - Ảnh 3.

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc giới thiệu công nghệ về an ninh nhân đại hội của Interpol - Ảnh: REUTERS

Một ví dụ gây tranh cãi về sự ảnh hưởng mang tính thao túng của Bắc Kinh đối với Interpol là việc chỉ một ngày trước ngày khai mạc hội nghị của tổ chức này (26-9), Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết một nghi can tham nhũng nằm trong danh sách 100 nhân vật bị truy nã hàng đầu của Trung Quốc đã trở về nước đầu thú.

Nghi can là ông Xu Xuewei, từng điều hành một công ty công nghệ ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ông Xu đã trốn sang Mỹ vào cuối năm 2012 sau khi nghi ngờ tham nhũng và hối lộ và bị Interpol phát "cảnh báo đỏ" (Interpol không phát lệnh truy nã toàn cầu theo yêu cầu của lực lượng cảnh sát thành viên).

Thế giới lo ngại

CCDI cho biết nghi can Xu trở về Trung Quốc để tự nộp mình và khẳng định "không còn thiên đường an toàn nào ở nước ngoài" cho bọn tội phạm tham nhũng ở Trung Quốc.

Vào tháng 4-2015, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố danh sách 100 nghi can tham nhũng sừng sỏ nhất mà họ tin là đang ẩn náu ở nước ngoài, trong đó có Mỹ, Canada và Úc.

Theo CCDI, ông Xu là người thứ 46 trong danh sách này đã trở về Trung Quốc kể từ khi "chiến dịch săn cáo" bắt đầu.

Quả là một thành tựu rất đẹp ngay trước ngày khai mạc đại hội của Interpol.

Theo AFP, từ khi ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Xiongwei) được bầu làm chủ tịch Interpol vào cuối năm 2016, các tổ chức nhân quyền như Amnesty International hoặc Human Rights Watch đều đã lên tiếng lo lắng bởi ông Mạnh là thứ trưởng Bộ An ninh Trung Quốc.

Các tổ chức trên lo ngại Bắc Kinh sẽ dựa vào Interpol để đưa về nước không chỉ các tội phạm mà cả những người bất đồng chính kiến. Và điều khiến người ta phải cảnh báo là việc xét xử ở Trung Quốc chưa được minh bạch.

"Chúng tôi e rằng ông Mạnh không đủ tư cách và năng lực đảm đương trách nhiệm bảo vệ cho tôn chỉ của Interpol" - bà Maya Wang, thuộc tổ chức Human Rights Watch, nói với Hãng tin AFP.

Tuần rồi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đáp trả rằng những quan ngại đó là "không có cơ sở".

Trung Quốc bị tố thao túng tổ chức Interpol - Ảnh 4.

Phái đoàn Interpol của Mỹ dự hội nghị tại Bắc Kinh ngày 27-9 - Ảnh: REUTERS

Đó cũng là lý do khiến việc ký kết hợp tác dẫn độ tội phạm của Trung Quốc với các nước phát triển rất khó khăn và cả khi đã ký kết vẫn rất ít trường hợp được thực thi.

Hãng tin AFP dẫn trường hợp Pháp ký kết dẫn độ với Trung quốc từ năm 2015 nhưng đến nay chỉ mới dẫn độ 2 trường hợp.

Trong khi đó, trường hợp tỉ phú Quách Văn Quý của Trung Quốc vừa xin tị nạn chính trị tại Mỹ cách đây vài ngày cũng đang gây ra những đồn đoán và phía Mỹ vẫn chưa có bình luận về thông tin này.

Tỉ phú họ Quách bị xem là tội phạm kinh tế ở Trung Quốc và đang bị chính quyền Bắc Kinh tìm cách bắt giữ. Trong khi đó ở luồng thông tin ngược lại, ông Quách cho rằng mình là nạn nhân của đấu tranh quyền lực chính trị.

Ông Quách được cho là đang nắm trong tay nhiều thông tin liên quan các mối quan hệ chính trị cấp cao ở Trung Quốc và đó là lý do ông bị săn lùng dữ dội.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên