Trung Nam nói không còn chi phí để vận hành
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 1-5, ông Vũ Đình Tân - giám đốc Công ty điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (chủ đầu tư dự án) - cho hay dự án điện mặt trời 450MW, đường dây - trạm biến áp 500kV Thuận Nam đã hoàn thành từ năm 2020, Trung Nam đã vận hành và chịu chi phí vận hành suốt ba năm, trong khi theo Luật Điện lực, vận hành truyền tải là độc quyền nhà nước.
"Trong suốt thời gian đó, chúng tôi nhiều lần đề xuất bàn giao nhưng không nhận được hướng dẫn cụ thể, phối hợp từ EVN và Bộ Công Thương. Dù trải qua khó khăn do sự đứt gãy chính sách đầu tư, lãi suất tăng cao, biến động thị trường, không được thanh toán tiền từ cả EVN và các đối tác khác đang được truyền tải qua trạm, nhưng chúng tôi sẵn lòng bỏ tiền xây dựng và bàn giao 0 đồng cho nhà nước", ông Tân nói.
Tuy nhiên, phía Trung Nam cho rằng đến nay vẫn không được tích cực hỗ trợ và doanh nghiệp này vẫn phải chịu chi phí, rủi ro pháp lý.
Do đã nhiều lần có văn bản nhưng chưa được giải quyết dứt điểm nên doanh nghiệp này buộc phải gởi thư kêu cứu vì "không còn chi phí để bảo trì, vận hành trong khi đây là đường dây và trạm 500kV, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia".
Đối với việc dự án điện mặt trời đầu tư ở ba xã, cấp phép hoạt động chỉ một xã dẫn đến EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc một xã.
Ông Tân cho hay dự án nằm trên ba xã là Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh của huyện Thuận Nam. Tuy nhiên, giấy phép hoạt động điện lực cấp cho nhà máy này chỉ thể hiện chỉ có một xã Phước Minh "là vướng mắc do sai sót của các bên".
Theo vị này, pháp lý quan trọng của dự án như quyết định chủ trương đầu tư và báo cáo thẩm định thiết kế cơ sở do Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng nêu chính xác ba xã.
"Vướng mắc này là thiếu sót câu chữ trong quá trình triển khai dự án, nhưng chỉ một thiếu sót bên mua lại quyết định giam khoản tiền lớn mang tính sống còn của doanh nghiệp như vậy. Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất bổ sung chỉnh sửa cho nhất quán giữa chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi và các văn bản khác nhưng chưa được hỗ trợ", ông Tân chia sẻ.
"Phải trả lãi hằng ngày, hằng giờ..."
Lãnh đạo Trung Nam cho hay từ tháng 10-2020 đến 8-2022, doanh nghiệp này đã đẩy gần 700 triệu kWh điện mặt trời (nếu tính giá chuyển tiếp tương đương hơn 800 tỉ đồng) lên lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, Trung Nam vẫn chưa được thanh toán dù chủ đầu tư đưa ra đề nghị tạm thanh toán bằng 40% giá chuyển tiếp để doanh nghiệp "có cơ hội được sống, được trả lương cho nhân viên".
Còn đối với sản lượng phần chuyển tiếp từ năm 2023 đến nay, ông Tân cho hay EVN cũng chỉ thanh toán 40% giá trần (giá cao nhất - PV) của khung giá phát điện áp dụng đối với dự án chuyển tiếp (nhà máy điện mặt trời mặt đất có mức giá trần là 1.184,90 đồng/kWh - PV).
"Khi làm việc, EVN luôn nói phải chờ đợi các quy định mới có thể đàm phán. Trong khi doanh nghiệp không thể nắm bắt được quy định nào, khi nào có.
Nhưng việc trả lãi ngân hàng vẫn phải hằng giờ, hằng ngày. Đến tháng tiền nhà của nhân viên vẫn cần phải trả để có chỗ ở, do đó chúng tôi chờ EVN, chờ chính sách, vậy ai sẽ chờ đợi cho doanh nghiệp đây", ông Tân phân trần.
Do đó, ông Tân cho hay doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải kêu cứu.
Trung Nam cho hay dự án đường dây và trạm biến áp 500kV đi vào vận hành đã tháo gỡ nút thắt quan trọng trong tắc nghẽn truyền tải tại Ninh Thuận từ năm 2020 đến nay.
Dự án đã truyền tải hơn 12,3 tỉ kWh điện, giải tỏa công suất cho gần 40 nhà máy năng lượng, trong đó có cả nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Đề xuất cần sớm có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng
Ông Vũ Đình Tân - giám đốc Công ty điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (chủ đầu tư dự án) - cho biết việc phải viết thư cầu cứu là chuyện chẳng đặng đừng bởi doanh nghiệp cũng đã hết cách sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhưng chưa được hỗ trợ rốt ráo hoặc rơi vào "im lặng".
"Khi gặp vướng mắc khi rót vốn đầu tư, điều doanh nghiệp mong mỏi là cần sớm có các cơ chế, chính sách từ các cơ quan có thẩm quyền để gỡ vướng cho không chỉ Trung Nam mà các doanh nghiệp năng lượng nói chung đã đầu tư vào lĩnh vực này với mục đích là được bán điện với chi phí hợp lý, được thanh toán và thu hồi vốn để trả cho các bên cấp vốn cũng như giúp doanh nghiệp tồn tại", ông Tân khẳng định.
Theo tìm hiểu, việc EVN chưa thanh toán đối với một phần sản lượng điện đã được ghi nhận trên lưới là do dự án này chưa có đầy đủ giấy tờ về hoạt động điện lực đối với toàn bộ diện tích đã được xây dựng và đang chờ hướng dẫn.
Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo, EVN đã huy động toàn bộ sản lượng điện tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam.
Việc thanh toán tiền điện được thực hiện trên nguyên tắc ghi nhận sản lượng và tạm thanh toán đối với các nhà máy theo khung giá được Bộ Công Thương phê duyệt đối với các dự án điện mặt trời chuyển tiếp.
Đồng thời, dự án này phải chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc hoàn thiện các giấy phép hoạt động điện lực, cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận