Một tình huống xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ |
Bài viết Cho cảnh sát giao thông quyền trưng dụng tài sản người dân là trái luật? khẳng định đối chiếu với quy định của Hiến pháp, Bộ luật dân sự và đặc biệt là Luật trưng mua, trưng dụng được Quốc hội ban hành năm 2008 thì quy định việc cho CSGT có thẩm quyền trưng dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân như trên là trái luật.
Quy định của pháp luật tại Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công An (có hiệu lực từ ngày 15-2) cho phép cảnh sát giao thông (CSGT) được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đang gây phản ứng của dư luận. |
Lo ngại lạm quyền
Chị Tuyết Nhung (Q.7, TP.HCM) hoang mang: “Gần đây, nhiều người đã sử dụng điện thoại di động quay và phản ảnh lại một số hình ảnh làm việc sai trái của CSGT. Đọc thông tư mới, tôi hiểu rằng từ nay trở đi CSGT có quyền thu thiết bị kĩ thuật, bao gồm cả điện thoại nếu họ không thích bạn quay phim?”.
Trong khi đó, anh Minh Tuấn thắc mắc: “Làm sao phân biệt được khi nào CSGT yêu cầu dừng xe do có tin tố cáo, khi nào không? CSGT cứ vô tư dừng rồi bảo có tin tố cáo tội phạm thì dân phải làm thế nào?”.
Anh Thành Nhân (Tiền Giang) cho rằng: “Một số quy định chưa hợp lý như việc trưng dụng các phương tiện liên lạc của người tham gia giao thông. Thông tư này liệu có vi phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân ”.
Một bạn đọc cho rằng thông tư cấm quay phim CSGT làm việc trước đây của Bộ Công an ban hành năm 2013 đã bị bác bỏ. Hi vọng, ban kiểm tra quy phạm của quốc hội xem xét thật kĩ thông tư này.
Kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện thì rõ rồi nhưng còn áp dụng với người trên phương tiện đang kiểm soát thì quyền hạn của CSGT có quá rộng hay không? Điều kiện áp dụng trưng dụng còn chung chung.
Một số quy định trái pháp luật
Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM - cho biết: “Thông tư này đã quy định nhiều quyền hạn của cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông. CSGT không chỉ được phép xử phạt vi phạm giao thông đường bộ mà còn được phép xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật khác".
Theo luật sư Hậu, điều này sẽ dẫn đến lo ngại khi được trao nhiều quyền hạn như vậy, lực lượng CSGT liệu có kham nổi, liệu có dẫn đến vượt quyền, lạm quyền hay không và liệu có cơ chế nào để kiểm soát một bộ phận cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu hay không?
Thông tư còn có quy định trái với pháp luật hiện hành. Cụ thể là Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 và Hiến pháp năm 2013 về quyền trưng dụng tài sản.
Ông Hậu phân tích: “Thông tư chỉ quy định là CSGT được trưng dụng các loại phương tiện, thiết bị mà không quy định trường hợp nào thì được trưng dụng những tài sản đó của nhân dân. Trong khi đó, Điều 32 Hiến pháp 2013 đã khẳng định, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Nhà nước trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
Việc trưng dụng tài sản (trong đó có phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác) phải được thực hiện dựa trên các điều kiện, nguyên tắc theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
Luật cũng quy định rõ chỉ những người có thẩm quyền bao gồm: Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình mới được quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Như vậy, vô hình chung, thông tư đã xâm phạm đến tài sản của người tham gia giao thông, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được hiến pháp và pháp luật quy định.
Không mới nhưng phải cân nhắc
Luật sư Lê Quang Vũ - Phó trưởng Văn phòng luật sư người nghèo - cho biết: “Những quy định trong thông tư mới thực chất đã có từ thông tư 65 năm 2012 của Bộ Công an. Quy định mới chỉ có một số thay đổi như CSGT được dừng xe khi tuần tra kiểm soát theo kế hoạch của Trưởng phòng tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc C67, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên”.
Theo tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) dù nội dung không mới nhưng những băn khoăn của người dân về thông tư là có cơ sở.
Ông Trạch phân tích: “Với nội dung thông tư thế này dễ tạo kẻ hở cho những kẻ xấu lợi dụng nhằm thực hiện những hành vi tiêu cực.
Do vậy, Bộ Công an cần có những hướng dẫn cụ thể để người dân biết được khi nào CSGT đang thực thi nhiệm vụ, tránh trường hợp kẻ gian giả dạng CSGT. Về phía người dân, phải luôn tự ý thức chấp hành pháp luật. Nếu không vi phạm luật An toàn giao thông thì khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, người dân có quyền phản hồi trong khuôn khổ nhất định, không gây gổ dẫn đến mất kiềm chế.
Riêng băn khoăn về việc CSGT dừng xe do có tin tố giác tội phạm, luật sư Trạch lưu ý: CSGT là lực lượng thực hiện nhiệm vụ điều tiết, tuần tra giao thông. Vì vậy khi xảy ra trường hợp đó, nhất thiết bên cạnh CSGT phải có thêm một lực lượng phối hợp như cảnh sát hình sự.
“Mỗi người tuân thủ luật lệ giao thông thì không phải lo lắng với những thông tư thế này”, ông Trạch cho biết.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Anh Thành Nhân
>> Luật sư Lê Quang Vũ
>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu
>> Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận