09/10/2017 19:19 GMT+7

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc (1927-2017), sáng mai 10-10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu đến công chúng trưng bày chuyên đề Ánh sáng từ Đường kách mệnh.

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 1.

Trang 1 tác phẩm Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc

Bảo vật quốc gia "Đường kách mệnh" là cuốn sách tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc dùng để đào tạo những cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Đây được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.

Thông qua Đường kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác - Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách dễ hiểu nhất.

Đường kách mệnh được xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu dưới dạng in thạch. Những bản in đầu tiên đó được bí mật chuyển về Việt Nam từ trước năm 1930.

Cuốn sách Đường kách mệnh đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bản gốc in năm 1927, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.

Đây cũng là cuốn Đường kách mệnh gốc duy nhất còn lại đến nay, gồm 100 trang in thạch, trên giấy nến, kích thước 22x15cm, trang bìa lót có kích thước 15x20cm đã ngả màu vàng.

Hành trình cuốn sách này là câu chuyện thú vị, khi có một tờ trình viết chữ Nôm bằng mực sơn kể về việc thu được cuốn sách: "Tên con là Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng hai". Tờ trình có chữ ký của phó lý Nguyễn Văn Tôn và dấu của tri huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương).

Theo tờ trình này, ngày 28-3-1930 (ngày 29 tháng hai năm Bảo Đại thứ 5), phó lý xã Hạ Trường bắt được cuốn sách "cấm" tại nơi cư trú và nộp "tang vật" kèm theo tờ trình.

Từ Hải Dương, cuốn sách được đưa vào hồ sơ sách cấm và được đưa về tòa án tối cao của thực dân Pháp ở Hà Nội lưu giữ.

Sau khi ta tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hoan - một lão thành cách mạng làm việc ở Tòa án tối cao, trong quá trình sắp xếp lại tư liệu đã phát hiện ra cuốn Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, sau đó đã chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Trưng bày còn giới thiệu nhiều hiện vật của các chiến sĩ cách mạng hoạt động trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng 8-1945.

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 2.

Đèn tọa đăng của gia đình Ngô Gia Tự, kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc kỳ đã dùng trong cuộc họp tháng 9-1928 ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1927, Ngô Gia Tự tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, sau đó được chỉ định vào Tỉnh bộ Bắc Ninh để gây dựng cơ sở ở địa phương.

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 3.

Đồng hồ của Nguyễn Đức Cảnh dùng trong những năm 1928-1932. Năm 1927 Nguyễn Đức Cảnh dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu. Cuối năm 1927 ông về nước, được cử làm bí thư tỉnh Đảng bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Hải Phòng, sau đó vào kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách trực tiếp Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Tháng 3-1929, là một trong những người thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội.

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 4.

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú soạn thảo được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, tháng 10-1930

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 5.

Áo gối, Nguyễn Thị Minh Khai làm từ vải áo tù để gửi tặng mẹ trong thời gian bị giam ở Khám Lớn, Sài Gòn, năm 1940

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 6.

Thẻ của Lê Hồng Phong dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, năm 1935

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 7.

Tráp (hòm) của Hà Huy Tập sử dụng khi ở Vinh, Nghệ An, năm 1939

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 8.

Ống cắm bút, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã dùng trong thời gian ở nhà cụ Nguyễn Duy Lại, xã Đại Đồng huyện Tiên Du, Bắc Ninh, những năm 1941-1943

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 9.

Vali, Bùi Ngọc Thành đựng tư trang dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc)

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 10.

Máy đánh chữ mà các ông Tô Hiệu và Lương Khánh Thiện đã sử dụng khi hoạt động cách mạng, 1936

Trưng bày Ánh sáng từ Đường kách mệnh - Ảnh 11.

Mõ mà ông Văn Tiến Dũng dùng cho việc cải trang thành nhà sư ở chùa Bột Xuyên, tỉnh Hà Đông, trong thời gian hoạt động cách mạng, năm 1936

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên