Vải đều là "hàng tuyển", được mệnh danh là đặc sản "vải tiến vua", giá lên tới 150.000 đồng/kg. Sau 5 ngày triển khai đã có khoảng 3 tấn vải được tiêu thụ, cũng như mở rộng thêm ở các sàn khác.
Năm nay nông dân Hải Dương, Bắc Giang vui khi được mùa vải. Nhưng COVID-19 bùng phát ngay khi vải chín rộ đã đặt ra thử thách không lường trước được. Nông dân "đứng ngồi không yên". Cái khó luôn ló cái khôn, không thể ngồi kêu cứu, phải làm gì đó.
Và việc triển khai bán quả vải qua sàn thương mại điện tử đã mở thêm kênh tiêu thụ mới để ứng phó với những khắc nghiệt mà dịch bệnh gây ra.
Nói vậy nhưng mọi chuyện không hề đơn giản với nông dân.
Ông Mùi - hộ trồng vải ở Thanh Hà (Hải Dương) - từng chia sẻ dám mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mở rộng vùng trồng, nâng tiêu chuẩn quả vải từ VietGap sang GlobalGap để xuất khẩu, nhưng đưa quả vải lên sàn lại vượt quá sức bởi ông không quen công nghệ.
Phần lớn người trồng vải vẫn quen với mua bán trao tay truyền thống. Vào vụ, nông dân chờ thương lái từ Trung Quốc hay nhà phân phối đến đặt hàng, thu mua.
Trong khi đó, việc chủ động bán hàng qua các kênh hiện đại, sử dụng công nghệ còn hạn chế. Nguồn lực lại có hạn nên người nông dân chưa thể "vừa trồng vải ngon vừa bán khéo".
Như tại Bắc Giang, từ 1 tháng trước đó, Bộ Công thương đã phối hợp với địa phương xây dựng phương án đưa quả vải lên "Gian hàng Việt" để bán ở các sàn điện tử.
Nhưng làm sao để từ cái click chuột đặt hàng đến khi giao hàng, trong thời gian 4 tiếng hàng đến tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm? Công việc này thực ra thuộc lĩnh vực "logistics", vốn xa lạ với người nông dân.
Một đại diện của Bộ Công thương thừa nhận đã có các chương trình tập huấn cho người nông dân có thể trực tiếp bán hàng lên sàn nhưng hiệu quả không cao. Bởi khi đó, nhiều vấn đề đặt ra như thu hoạch, bảo quản, kho bãi, vận chuyển, bao gói... - toàn những việc hoàn toàn không thuận tay với nông dân vốn đã quen trồng và bán tại vườn.
Nhưng dù có khó cũng không thể bỏ qua một hình thức mua bán mới mà đại đa số người tiêu dùng đã quen cùng với đà phát triển như vũ bão của công nghệ cũng như dịch vụ giao hàng. Có thể nông dân trồng cấy ra sản phẩm ngon nhưng công đoạn bán khéo lại phải dựa vào những đơn vị khác.
Chỉ có liên kết giữa sản xuất - vận chuyển - phân phối như bao mặt hàng khác mới có thể đưa quả vải nói riêng và nông sản nói chung lên sàn điện tử. Chính liên kết mới tạo ra dưới mắt người tiêu dùng chuỗi kinh doanh trồng vải ngon còn biết bán khéo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận