19/11/2018 14:18 GMT+7

Trong tôi, những đường ấy Cao Bằng…

NGUYỄN SĨ ĐẠI
NGUYỄN SĨ ĐẠI

Không hiểu sao, ấn tượng trong tôi về Cao Bằng là ấn tượng về con đường. Con đường ấy chạy từ ca dao, từ nỗi niềm của người lính thú: "Nàng về nuôi cái cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng …

Trong tôi, những đường ấy Cao Bằng… - Ảnh 1.

Thác Bản Giốc, Cao Bằng Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

"Đi Cao Bằng là xa lắm, là không dễ ngày trở lại, nên nàng về mà nuôi cái cùng con, nên đất nước này đâu cũng đá vọng phu, lịch sử nghìn năm tủi buồn nước tan, nhà mất".

Rồi một ngày, Cao Bằng trở thành nơi mở đầu con đường Giải phóng. Tháng 2-1941, Cao Bằng nở trắng hoa mơ vui đón Bác Hồ trở về sau 30 năm tìm đường cứu nước. Hội nghị Trung ương 8 tại Pắc Bó do Người triệu tập và chủ trì đã quyết định chuyển hướng cách mạng: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc», "Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang".

Và tại khu rừng Nguyên Bình, QĐND Việt Nam được thành lập với 34 chiến sĩ đầu tiên, trong đó có nhiều người con Cao Bằng. Đội quân ấy qua Phai Khắt, Nà Ngần, qua Điện Biên thành trùng điệp những quân đoàn tiến đến Mùa xuân Đại thắng 1975, giành toàn vẹn độc lập, thống nhất đất nước.

Con đường ấy là con đường tuổi trẻ "sẵn sàng" hiến dâng cuộc sống của mình cho Tổ quốc qua biểu tượng Kim Đồng - Nông Văn Dền, người đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam đầu tiên, người con Nà Mạ, Cao Bằng đã hy sinh vì cách mạng ở tuổi 14.

Lạng Sơn - Cao Bằng có Đường 4, "con đường chết chóc" của quân xâm lược Pháp, con đường vẻ vang trong lịch sử kháng chiến của Cao Bằng - Lạng Sơn, của quân đội ta; gắn với tên tuổi Đặng Văn Việt, một trong hai Trung đoàn trưởng đầu tiên của quân đội ta, được mệnh danh là "Hùm xám", là "Đệ tứ lộ Đại vương". Đặng Văn Việt nay ngoài 90 vẫn leo thang bộ 4 tầng lên nhà mình ở phố Minh Khai, vẫn đi xe máy phăm phăm trên đường Hà Nội…

Con đường 4a, con đường QL số 3 là con đường năm 1979 đơn vị chúng tôi ăn cơm nước suối, nước vũng quần nhau tơi bời với quân bành trướng. Những Đồng Mỏ, Đồng Đăng, Đình Lập, Na Sầm, Thất Khê, Đông Khê, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hòa An, Ngân Sơn… từ đó mà trở nên kỷ niệm. 

Năm ấy bạn tôi, người lính chống Mỹ Hoàng Nhuận Cầm cũng ở Hòa An, có lẽ chỉ cách nhau một tầm súng nhưng không biết nhau, sau này mới nhận ra qua những câu thơ "Tôi không thể nào mang về cho em/ Trên những đồi biên cương chảy máu/ Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu/ Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hoà An…"

Qua việc những chiếc xe tăng quân Trung Quốc xâm lược sơn sao vàng giả trang tiến vào Cao Bằng gây chết chóc một cách bất ngờ; một cách đau thương; qua câu thơ của Cầm lựu đạn bay lẫn trong bầy chim sẻ, từ Cao Bằng, tôi thấm thía thêm một bài học cảnh giác…

Thông minh, khảng khái, mạnh mẽ, anh hùng, đổi mới không ngừng - đó là khí chất của người Cao Bằng. Ngày ở khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội), ở cạnh nhà Anh hùng La Văn Cầu, tôi thấy anh vẫn hì hục với những công việc của đời thường. 

Với anh, cuộc sống là hôm nay, ngày mai, không chỉ là câu chuyện của nhiều năm trước. Ở phường Him Lam, Điện Biên, năm 1994 tôi gặp Đại tá Nông Văn Khầu. 

Ông là cựu chiến sĩ Điện Biên, là cán bộ cao cấp quân đội. Về hưu, thấy đồng đội mình khổ quá, ông xắn tay đóng gạch để xây nhà cho mình, cho đồng đội và kiếm tiền. Ông không giữ cái danh hờ, ông chỉ giữ phẩm chất Anh Bộ đội Cụ Hồ và biết "tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". 

Tôi gặp nhiều người Cao Bằng khác kiên cường lập nghiệp ở Tây Nguyên. Những con người ấy đã để lại những ấn tượng sâu sắc, dạy cho tôi biết: còn mình, còn chí và trí thì sẽ còn tất cả…

Cao Bằng, với tôi, còn là một con đường tình yêu chưa đến. Dù đã lên Trà Lĩnh, Trùng Khánh, dù đã qua đèo ngựa quỳ (Mã Phục), đã ở Nà Lẹng, Đoỏng Lẹng mà gương mặt em gái Tày – Nùng vẫn như dáng núi trong sương, lời ải - noọng bập bùng câu hát lượn. 

Tôi đã thấy người con gái Mông dìu chồng, thồ chồng say trên lưng ngựa ở Phong Thổ Lai Châu nhưng chưa thấy người con gái Tày Cao Bằng nào bế chồng phăm phăm lên núi như trong thơ Y Phương khi viết về mùa xuân : Mùa hoa, Mùa đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Thừa sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi…

Thế nên đành yêu Cao Bằng qua những câu thơ của bạn:

Ơi cái làng của mẹ sinh con

Có ngôi nhà xây bằng đá hộc

Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt

Có niềm vui lúa chín tràn trề

Có tình yêu tan thành tiếng thác

Vang lên trời

Vọng xuống đất

Tình yêu của tôi với Cao Bằng cũng có những ngày như tiếng thác, có thể vang lên trời, vọng xuống đất nhưng mấy mươi năm, chẳng mấy khi lên được với Cao Bằng. Là vì QL3 quá xa, quá xấu; vì chuyện mưu sinh nuốt lụi cả tháng ngày…

Tới đây, QL3 sẽ rộng hơn, đẹp hơn; con đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công và sớm đưa vào sử dụng, quãng đường Hà Nội - Cao Bằng chỉ tính bằng 4-5 giờ xe chạy, Cao Bằng sẽ xích lại gần hơn trong lòng đất nước. Các tỉnh biên viễn xưa sẽ trở thành những trung tâm phát triển, mọi nơi cùng phát triển thì lúc đó chúng ta mới có thể dùng từ "cất cánh".

Còn tôi, tôi đang hồi hộp chờ ngày về với Thất Khê, Đông Khê, Trà Lĩnh trên con đường ấy, cùng người thân soi mình trong màu nước biếc xanh như nước Hồ Gươm của Hồ Thang Hen trên nghìn mét cao sâu của biển và trời…

Tôi không thể không ao ước được thấy những đổi thay lớn của Cao Bằng với một Bí thư Tỉnh ủy mà tôi quen biết đã quyết tâm là một con người hành động, một con người biết kế thừa và phát huy các giá trị “Bây giờ, tôi làm Bí thư cũng phải kế thừa những cái của người tiền nhiệm, cái gì xác định là điểm nghẽn phải tháo gỡ ngay thì Cao Bằng mới phát triển được”… Cao Bằng phải bằng người, phải cao hơn mình trong quá khứ, phải không anh?
NGUYỄN SĨ ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thác Bản Giốc