27/12/2005 11:33 GMT+7

Trong thơ ca, loài người là chủng tộc duy nhất

Theo Lao động
Theo Lao động

Paul Hoover - nhà thơ Mỹ hậu hiện đại, Giáo sư khoa Sáng tác văn học ĐH California ở San Francisco - đã coi Nguyễn Trãi như nhà thơ tầm cỡ thế giới!

k2GrJBWW.jpgPhóng to

Hai đồng dịch giả Paul Hoover và Nguyễn Đỗ.

Paul Hoover - nhà thơ Mỹ hậu hiện đại, Giáo sư khoa Sáng tác văn học ĐH California ở San Francisco - đã coi Nguyễn Trãi như nhà thơ tầm cỡ thế giới!

Sức lôi cuốn từ thơ Nguyễn Trãi đã khiến ông cùng nhà thơ Nguyễn Đỗ trở thành đồng dịch giả những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trãi, làm thành một tuyển thơ dự tính khoảng 150 bài, in ở Mỹ.

Dưới đây là cuộc trao đổi với Paul Hoover:

* Vì sao một nhà thơ sống cách đây 7 thế kỷ, ở một nền văn hoá khác, lại có thể làm một nhà thơ hậu hiện đại như ông rung động?

- Sau khi dịch chừng 4-5 bài thơ của Nguyễn Trãi, tôi nhận ra rằng chẳng có gì gọi là "tinh thần hiện đại" cả. Trí tuệ là trí tuệ, bất kể thời gian hay không gian nào. Nguyễn Trãi viết về bản chất của đời sống bằng ngôn ngữ của sự trải nghiệm cực kỳ sâu sắc và phổ quát như ý nghĩa của ánh sáng và bóng tối.

Tương tự như thế, khi đi vào trung tâm sự vật, các nhà thơ như Basho, Emily Dickinson, Octavia Paz đều có khả năng biểu đạt xuyên qua nhiều thế kỷ và thậm chí vượt ra khỏi giới hạn về văn hoá. Vì vậy, trong hầu hết mọi trường hợp, điều mà chúng ta cần biết về chính họ là nghĩa của từ "rượu" và "nhàn".

* Khi đọc những bản dịch của ông và Nguyễn Đỗ, có cảm giác ông hiểu văn hoá VN như người Việt.

- Tôi là người Mỹ gốc Đức và tổ tiên tôi là người Scotland và Ireland. Nhưng xác định về gốc gác thì rắc rối lắm, thông thường nó chẳng nói lên được điều gì cả. Gần đây, tôi biết rằng không có nguồn gene tạo ra một chủng tộc hay một dân tộc, mà sự khác biệt về gene chỉ qui định dòng giống cao hay thấp mà thôi.

Trong thơ ca, chỉ có một chủng tộc duy nhất, đó là loài người. Tất cả trải nghiệm của con người đều quy về những nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, yêu quê hương, yêu một ai đó, tự hào, sợ hãi hay cảm thông với người khác.

Thơ Nguyễn Trãi luôn luôn đương đầu với sự đơn độc và nỗi cô đơn trong phòng tối, nỗi nhớ nhà, hay cảm giác "nghèo tận xương". Giống như Nguyễn Trãi, tôi từng trải nghiệm qua những thăng trầm của cuộc đời, như từng bị bạn phản, cảm giác mất phương hướng, cái lạnh ùa đến bên khe cửa...

* Trong quá trình chuyển tải phong cách thể hiện trong thơ Nguyễn Trãi, những rào cản nào ông gặp phải: về ngôn ngữ (cổ ngữ), thể thơ hay vần điệu... ?

- Tôi không biết tiếng Việt. Nguyễn Đỗ dịch nghĩa, sau đó tôi mới bắt tay vào. Đỗ giải thích cho tôi về luật thơ đối xứng ở các dòng 3-4 và 5-6. Trong chừng mực cho phép, tôi cố giữ cho được sự đối xứng đó.

Dạng thơ này khiến tôi liên tưởng đến thể loại của bài thơ Đường "Hàn Sơn tự", thể hiện dưới dạng ngũ ngôn bát cú. Nguyễn Trãi dùng thể bát cú, nhưng số chữ trong mỗi dòng có thể thay đổi. Khó có thể giữ nguyên vần và mạch cảm xúc, nên tôi cố gieo vần trong tiếng Anh khi có thể trong một ngữ cảnh thơ. Tôi tìm tứ cũng như giọng điệu trong thơ mà thiếu nó thì không còn là bài thơ và truyền vào đó những cảm giác mà Nguyễn Trãi có được.

* Dự án này bao giờ hoàn tất và nơi nào in, thưa ông?

- Chúng tôi đang dịch trước những bài thơ ngắn của Nguyễn Trãi được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nay đã hoàn tất được 18 bài, sau đó sẽ dịch bài "Cáo bình Ngô" rồi làm thành một tuyển tập 150 bài. Mất khoảng chừng một năm để hoàn tất và in.

Trong khi chờ đợi, NXB University of Iowa đang thông qua tuyển tập "Thơ VN đương đại" dày chừng 175 trang, do tôi và Nguyễn Đỗ cùng thực hiện.

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên