07/07/2005 00:53 GMT+7

Trong thế giới "vàng son"

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TT - Những tưởng mớ áo mão vô tri không biết nói, song đó cũng lại là một thế giới riêng có lắm bi - hài lẫn những tiếng thở dài...

TAKtTz5C.jpgPhóng to

Trinh Trinh với bộ áo cầu kỳ (nhưng thật ra tương đối dễ làm với công nghệ mới) cho vai diễn Võ Tắc Thiên

TT - Những tưởng mớ áo mão vô tri không biết nói, song đó cũng lại là một thế giới riêng có lắm bi - hài lẫn những tiếng thở dài...

Khởi nguồn từ... Hong Kong

Đó là sự thật về lịch sử phục trang cải lương và hát bội từ những năm đầu thế kỷ 20 mà nhiều nghệ sĩ lớn tuổi và những người hiện đang làm nghề may phục trang, đóng hia, kết mão cho sân khấu như nghệ sĩ Ba Lâm, Bo Bo Hoàng, Công Minh, Phượng Nga xác nhận.

Mấy mươi năm về trước, từ thời những lão nghệ sĩ nay đã trăm tuổi như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Minh Tơ làm gánh hát, phục trang hầu hết được mua lại của những đoàn hát Quảng từ Hong Kong, Quảng Châu (Trung Quốc) sang VN biểu diễn.

Nước họ có truyền thống sản xuất phục trang cho nền sân khấu lâu đời nên đã thành dây chuyền chuyên nghiệp, mọi thứ có sẵn, mua bán dễ dàng. Lưu diễn ở VN trở về, họ bán rẻ phục trang lại cho các đoàn hát VN, vừa đỡ nặng nề hành lý vừa có điều kiện mua hàng mới. Đoàn hát VN thì cũng đỡ phải lặn lội đường xa, đỡ tiền tàu xe đi mua đồ hát.

Việc mua bán cứ thế thành thông lệ, kéo dài đến tận những năm trước 1975. Sau đó, vì hoàn cảnh lịch sử, không còn các đoàn hát Quảng sang, các nghệ sĩ cải lương, hát bội nước ta mới mày mò tự làm trang phục. Sau 1975, với những tuồng tích cải lương VN lừng lẫy (Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Rạng ngọc Côn Sơn, Tâm sự Ngọc Hân...) khâu phục trang được làm rất kỹ lưỡng với những nghệ nhân nổi tiếng như Tám Trống, Hai Cố Đô…

Nghệ sĩ nhân dân - họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu Lương Đống, đã thiết kế mỹ thuật cho hầu hết các đoàn cải lương ở TP.HCM, nguyên giám đốc Xưởng Mỹ thuật sân khấu của Bộ VH-TT, kể: “Lúc đó, mỗi lần dựng vở, họa sĩ của đoàn phải nghiên cứu rất kỹ, khảo sát tại các viện bảo tàng, rồi dựa theo tính cách, vai trò nhân vật mới vẽ thiết kế giống như những nhà thiết kế thời trang hiện nay, cuối cùng là tìm chất liệu phù hợp để may”.

Chính vì thế phục trang sân khấu giai đoạn này rất đẹp, rất sang bởi sự chăm chút và đúng mực: có cách điệu nhưng nhìn vào là nhận ra trang phục cổ của VN, không bị cảm giác sai lệch lịch sử.

Từ chiếc giáp nặng 50kg đến “công nghệ” may phục trang hiện đại

Nghệ sĩ hát bội - cải lương tuồng cổ Ba Lâm, sinh năm 1929, hiện đang kiếm sống bằng nghề làm hia sân khấu, cho biết: “Một bộ đồ hát ngày xưa phải may trên dưới một tháng mới xong. Một bộ giáp thường thì 4-5 mảnh, nhiều thì 7-8 mảnh, trước tiên phải vẽ, sau đó thêu đặc kín rồng, mây, hoa văn hoặc kết kim sa; tất cả đều làm bằng tay tỉ mỉ. Tính trung bình mỗi bộ khoảng 20-30kg, nặng có thể lên tới 40-50kg”.

Ông mở chiếc tủ gỗ xộc xệch lấy ra một chiếc mão vua cũ kỹ ông còn giữ được cho riêng mình. Không thể ngờ, trên tay chúng tôi một chiếc mão thôi đã nặng 5-7kg. Nó được làm bằng gọng kẽm, bồi giấy cứng, trang trí những lục lạc, tua ngù...

Lão nghệ sĩ nói thêm: “Phải làm như vậy mới đúng một bộ giáp thật. Hơn nữa ngày xưa đi lại khó khăn, không làm cứng cáp thì khi chất đồ lên tàu xe, ghe xuồng sẽ bị móp méo, hư hỏng không xài được. Những nghệ sĩ hát bội hát đình bây giờ cũng xài y như xưa, vì nghèo, đi xe cộ chật chội, làm kiểu xưa cũng xài bền…”.

Được biết đến trong số hiếm hoi những người còn làm phục trang sân khấu hiện nay là vợ chồng nghệ sĩ Công Minh, chị em Phượng Nga và Bảo Ly. Khi chúng tôi đến nhà, vợ chồng Công Minh cho biết vừa bán một chiếc long bào phục trang loại cũ, kết kim sa rất nặng, rất kỹ lưỡng, gìn giữ đã mấy chục năm cho một người Đài Loan làm nghiên cứu với giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Họ bảo: “Chúng tôi rất thích làm đồ kiểu ngày xưa, coi sần sùi vậy nhưng lên sân khấu rất chiếu, rất đẹp, mặc bền đến vài chục năm, nhưng thời buổi công nghiệp, phải nhanh, nghệ sĩ cũng không thích mặc đồ kiểu xưa nữa…”. (Có lần Kim Tử Long đã thử mặc một bộ giáp xưa, mới diễn được một màn anh đã ra mồ hôi như tắm, thở không nổi... Song từ thế hệ Thanh Bạch, Bạch Lê, Thanh Tòng, Trường Sơn trở lên lại quen thuộc khi múa hát với những bộ giáp nặng trịch như thế).

Chính vợ chồng Công Minh đã nghĩ ra cách in lụa trên vải để thêu hoặc kết. Dần dà mọi người chuyển sang thêu máy, vẽ kim tuyến, dán keo kim sa thay vì kết từng hột... Một bộ phục trang kỹ thì làm trong vài ngày, gấp chỉ nội trong ngày đã xong. Kiểu dáng thì phăng đủ màu đủ cách, chủ yếu lấy từ phim Hong Kong, từ những catalogue đồ hát Quảng gửi từ Hong Kong về. Vải vóc không trừ một loại nào từ bố, nhung, lụa, xoa truyền thống đến katê, kaki, vải quần tây thời hiện đại với đủ màu sắc hoa văn như sọc, carô...

Những tiếng thở dài kín đáo...

Sau liveshow cải lương Vươn tới tương lai, người ta đồn rùm beng về chiếc thắt lưng gắn hột xoàn của Vũ Luân. Thật ra đó chỉ là chiếc dây nịt gắn hột đá Mỹ anh mua từ nước ngoài với cái giá cũng... rất hết hồn: 2.000 USD.

Vũ Luân có những phục trang giá 20-30 triệu đồng/bộ bằng vải mắt gà kết đặt mua từ Mỹ giá 100 USD/m. Có những bộ đồ trong liveshow của anh rất độc đáo, do nhà thiết kế vẽ mẫu riêng.

Chỉ diễn có vài suất vở Võ Tắc Thiên, không thuộc hàng ngôi sao giàu có, Trinh Trinh cũng dám bỏ ra cả chục triệu đồng may đồ riêng cho thật lộng lẫy, đặc sắc… Còn 15 năm về trước, nổi tiếng khó tính, kỹ và đặt may phục trang nhiều để quay video có nghệ sĩ Mỹ Châu và Bạch Tuyết.

Chị Yến Phương kể: “Chị Mỹ Châu luôn yêu cầu đẹp, sang mà không cầu kỳ. Chị Bạch Tuyết thì nói chỗ nhược hình thể của mình để khắc phục, yêu cầu các chi tiết mẫu phải hoàn toàn chính xác, rất khó nhưng cũng rất dễ”.

Với giới chủ, làm nghề này phải chịu chôn vốn. Nhìn sơ qui mô kho đồ ngồn ngộn của vợ chồng Công Minh đã thấy ngợp. Để giữ mối làm ăn lâu dài, nơi nào yêu cầu may đồ cho họ thuê làm vở mới cũng phải đáp ứng ngay. Nhưng kinh phí khách hàng khoán bao giờ cũng lỗ; phần lời là số đồ thu hồi để cho thuê sau này. Một đôi lông trĩ thật (trong nước không có, phải nhập từ Trung Quốc) giá 1-2,5 triệu đồng, phải trữ ít nhất 5-7 đôi.

Số nghệ sĩ đặt may đồ riêng không nhiều, thị trường chủ yếu là cho các đoàn hát, đoàn làm phim cải lương - ca nhạc - phim truyện, đài truyền hình, các trường sân khấu, những hội diễn văn nghệ, những chương trình sân khấu hóa... thuê. Thời sân khấu diễn và video cải lương thịnh, nghề này sống được.

Giờ cả hai đều eo sèo, mỗi đêm hát tiền thuê phục trang cho cả đoàn từ vài chục đến cả trăm bộ chỉ vài trăm ngàn trồi sụt theo doanh thu đêm diễn, nghề này càng sống khó. Chỉ thấy vẻ sung túc nơi cơ sở Phượng Nga khi chúng tôi đến đúng thời điểm nơi đây có một số hợp đồng may đồ Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp... theo đơn đặt hàng của nghệ sĩ hải ngoại; còn vợ chồng Công Minh hiện phải sống thêm bằng nghề tay trái.

Chị Yến Phương - vợ nghệ sĩ Công Minh - nói mà như thở dài: “Làm ăn thì phải chiều khách, sân khấu cũng rất cần màu sắc để có cái cho khán giả xem, thấy thích thú, nhưng làm quá đáng khán giả sẽ chê cười, họ chỉ biết mình may phục trang chứ đâu hiểu được nội tình. Nghệ sĩ nhiều người cứ đòi thêm cái này cái kia, đóng vai tì nữ mà đòi may trang phục màu sắc rực rỡ, tay bướm quí phái thì anh Công Minh đành lắc đầu. Dù gì ảnh cũng là con bầu Minh Tơ, cũng có hiểu biết, cần phải giữ lại chút gì cho nghề tổ!”.

Chị Nga, chủ cơ sở phục trang Phượng Nga, cũng thở ra: “Phục trang sân khấu đang bị hạn chế vì phía đoàn đầu tư kinh phí ít, nghệ sĩ trẻ có tiền đầu tư thì lại ít hiểu biết, chỉ muốn làm theo ý mình. Tôi rất nể nghệ sĩ Bạch Tuyết, với những vở lịch sử Việt như Thái hậu Dương Vân Nga, đặt tôi may phục trang, chị biết tường tận kiểu mẫu hồi xưa như thế nào với con rồng thời đó ra sao, mấy móng, nằm ở đâu… Làm việc với những nghệ sĩ như thế tôi thấy rất vui và say mê!”.

Nghệ sĩ nghèo có thể cả đời không sở hữu được một đôi lông trĩ tiền triệu, xài toàn đồ thuê, vuốt gãy phải đền; hoặc có một đôi xài vài chục năm từ đời cha qua đời con. Nghệ sĩ nổi tiếng có người có đến vài đôi lông trĩ trong nhà, vuốt hay bị gãy, phải thay hoài…

Thế nên mới có chuyện trên sân khấu “ngôi sao” đóng vai tướng mặc đồ rực rỡ hơn cả vua; nghệ sĩ nổi tiếng đóng vai Lương Sơn Bá có gia cảnh thường thôi nhưng mặc đồ đẹp, sang gấp mấy lần Mã Văn Tài con quan thái thú do nghệ sĩ dàn bao đóng. Những tiếng thở dài vẫn còn đó...

----------------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 3: Khát vọng bị đánh cắp- Kỳ 2: Thế giới của “mây đen”- Kỳ 1: Chuyện của "ngôi sao"

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên