09/01/2019 10:27 GMT+7

Trong nỗi sợ hãi, mong sự đổi thay

TRỊNH MINH GIANG
TRỊNH MINH GIANG

TTO - Những vụ tai nạn giao thông liên tiếp, khắp nơi tuần qua. Nỗi lo sợ, bất an lớn hơn, thường trực mỗi ngày ra đường...

Trong nỗi sợ hãi, mong sự đổi thay - Ảnh 1.

Xe chở các sinh viên năm cuối khoa du lịch Trường CĐ Kiên Giang bị tai nạn tại đèo Hải Vân chiều 8-1. Trong ảnh: đội cứu hộ đưa các nạn nhân từ vực lên - Ảnh: HOÀNG VĂN DŨNG

Khi đi xe ôm, bác tài chạy tạt ngang đầu ôtô, vượt đèn đỏ, lấn sang làn ôtô, chạy ngược chiều cho nhanh, chạy lên vỉa hè… bạn có nhắc tài xế cần chạy đúng luật không?

Nếu có nhắc mà người lái xe vẫn không điều chỉnh, bạn có đủ "mạnh tay" buộc dừng xe và hủy chuyến xe đó không?

Vì sao ta im lặng?

Nếu đi xe buýt, tài xế chạy sai làn đường, dừng xe bất chợt không đúng vạch dừng ở trạm, nổi nóng bấm còi inh ỏi…, bạn có nhắc tài xế tôn trọng người ngồi trên xe và người tham gia giao thông khác không?

Nếu tài xế vẫn phớt lờ, bạn có đòi dừng xe để đón xe khác hay báo về đơn vị quản lý hoặc cơ quan chức năng không?

Nếu đi xe khách đường dài, tài xế chạy vượt tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, vượt xe khác ở nơi nguy hiểm, tranh giành khách với xe khác…, bạn có mạnh dạn nhắc tài xế không?

Nếu đã nhắc mà tài xế vẫn không thay đổi, bạn có nghĩ là "trên xe có mấy mươi người chứ đâu có riêng mình mình" hoặc "tài xế chắc quen đường" rồi im lặng?

Nếu người thân của bạn chạy xe sai luật, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác, ngồi phía sau bạn có nhắc nhở không? Liệu bạn có kiên trì thuyết phục người nhà mình điều chỉnh hành vi không?

Đặt ra vài tình huống như vậy để thấy rằng hầu hết trong chúng ta chưa quyết liệt với hành vi gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Chúng ta càng thiếu quyết liệt hơn với hành vi vi phạm luật giao thông của ai đó khi chúng ta là người đồng hành, người trong cuộc. Và chúng ta thường thờ ơ khi thấy chuyện không có liên quan gì đến mình.

Cho nên nhiều người không ngần ngại chở con nhỏ ra đường không đội mũ bảo hiểm, chạy vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo lên vỉa hè… không chỉ nguy hiểm mà còn nêu gương xấu cho con.

Lắm khi ta phê bình người khác, ít tự nhìn nhận mình cũng từng hành động tương tự. Nếu có rủi ro xảy ra, hậu quả không phải chỉ dành cho người cầm lái.

Vì mình, vì người…

Nhiều người đã nói: người không biết tự lo thân mình thì trông gì lo được cho người khác (chẳng hạn người thân của mình). Khi người ta bất cẩn với chính mạng sống của mình thì có thể sẽ bất cẩn với mạng sống của người thân và thiếu sự tôn trọng đến mạng sống của người khác.

Khi xảy ra rủi ro, tai nạn, thiệt hại vật chất đến cả tổn thất sức khỏe, sinh mạng không chỉ dành cho riêng ai.

Mỗi người trước hết phải tôn trọng sinh mạng và sự an toàn của bản thân! Tôn trọng thực sự, chứ không phải chỉ là khẩu hiệu dán trên xe cho có trong khi vẫn phóng xe bạt mạng.

Có người nói người Việt hồn nhiên với mạng sống của mình. Gác vấn đề giao thông sang một bên mà nhìn ở nhiều góc khác cũng sẽ thấy như vậy.

Không ít người không biết sợ với các rủi ro chực chờ, mà luôn có hành vi mạo hiểm theo kiểu "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" hoặc "chắc không sao đâu".

Ăn uống cũng bất cẩn, nhậu nhẹt sa đà vừa xong đã phóng xe hoặc tranh cãi, đánh lộn. Trong sinh hoạt, việc gì thấy tiện thì làm, ít quan tâm đến các rủi ro tiềm ẩn. Nhận thức, thói quen đó thể hiện ra trong vấn đề giao thông cũng không có gì lạ.

Có nhìn nhận như vậy mới thấy rõ nguồn gốc sâu xa của vấn đề vi phạm luật giao thông hay coi thường sinh mạng khi tham gia giao thông.

Cho nên để bảo đảm an toàn giao thông, bên cạnh giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cần tập thói quen tuân thủ luật giao thông từ nhỏ và nâng cao ý thức của người lớn là hết sức quan trọng.

Thói quen và ý thức trước tiên là vì sự an toàn của mình. Sức khỏe, sinh mạng mỗi người là vốn quý nhất, không yêu quý, không tôn trọng thì liệu có thể yêu quý, tôn trọng gì nữa!

Tuyên truyền mọi người cẩn trọng hơn với sự an toàn và sinh mạng của mình - đây là cuộc chiến thực sự và là một cuộc chiến trường kỳ để góp phần thay đổi từng hành vi khi tham gia giao thông, để đi đứng đàng hoàng hơn ngoài đường.

Trật tự giao thông từ đó cũng sẽ cải thiện, tai nạn sẽ được giảm dần, mỗi ngày. Mong được vậy!

Thay đổi chính mình

Đà Nẵng: một phụ nữ đi xe máy chuyển làn đột ngột, hai xe máy khác vì né xe đi sai luật này thành đâm nhau, ngã, ôtô trờ tới…

TP.HCM: xe tải cố vượt đèn vàng, tông vào 5 xe máy; xe ben chở cát tránh 2 xe máy băng qua đường, xe ben lật ngang đè chết người.

Hà Nội: ôtô không dừng được tông vào đuôi taxi và nhiều xe máy.

Lào Cai: xe du lịch lật, đè chết người.

Mới nhất là tai nạn trên đèo Hải Vân, thương vong hơn 20 người…

Quá nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ, tiếp sau vụ xe container "lùa" xe máy đang dừng đèn đỏ ở Long An.

Và hôm qua, hôm nay, ngoài đường vẫn lắm kiểu xe máy tạt ngang rợn người cắt mặt xe tải, khắp nơi vẫn đầy hành vi ngang nhiên sai luật. Vẫn có những tài xế ôtô, xe tải lên xe ôm vôlăng trong trạng thái tinh thần không tỉnh táo…

Hiểm nguy không loại trừ một ai. Và hầu hết đều do lỗi chủ quan, bất cẩn của con người. Giờ đây ra đường mỗi ngày chỉ mong cầu bình an. Từ những tai nạn liên tiếp, xin nhắc nhau cẩn trọng, ý thức hơn.

Cùng với nỗi sợ cũng là cơ hội để mỗi người thay đổi hành vi chính mình.

HỮU THẮNG

TRỊNH MINH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên