Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Quí (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) than thở: "Tôi kêu bán cả mười ngày nay nhưng vẫn chưa thấy công ty cho người xuống mua" - Ảnh: H.Đ. |
Sau hai năm khuyến khích nông dân trồng dứa, các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp và những doanh nghiệp thu mua dứa bây giờ lại bỏ mặc cho nông dân “tự bơi”.
Trồng nhiều, nợ nhiều
Với năm công dứa, chỉ riêng vốn đầu tư cho cây giống và phân tro đã gần 20 triệu đồng, nhưng ông Nguyễn Văn Quí (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) ước tính số tiền thu hoạch từ ruộng dứa của ông chỉ được 6-7 triệu đồng, chưa đủ bù tiền công. Điều làm ông Quí lo lắng là trái dứa sẽ chuyển sang vàng vỏ nếu kéo dài thêm vài ngày nữa, lúc đó chỉ có thể đem ra chợ bán “xô” với giá rẻ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cầm - chủ năm công dứa tại Lê Minh Xuân - sau khi chờ “đỏ con mắt” không thấy bóng dáng nhân viên công ty xuống thu mua, đành phải thu hoạch và đem bán đổ bán tháo với giá chỉ 500 đồng/trái.
Hầu hết những người trồng dứa cayenne tại khu vực Bình Chánh đều lâm vào tình cảnh dở khóc, dở mếu như vậy. Dốc tất cả vốn liếng và tiền vay ngân hàng vài chục triệu đồng đầu tư cho cây dứa để rồi bây giờ trắng tay. Ông Tư Thật - chủ ruộng dứa 1,6 ha và là người “may mắn” được công ty xuống thu mua dứa - cho biết tất cả các hộ trồng dứa đang trở thành con nợ của ngân hàng.
Theo ông Tư Thật, với sản lượng dứa “chọn” (đủ chuẩn) hơn 4 tấn được nhà máy thu mua, số tiền thu được chỉ hơn 6 triệu đồng, trong khi đó tổng vốn đầu tư cho ruộng dứa nhà ông lên tới 48 triệu đồng, tính ra gia đình ông đã lỗ 42 triệu đồng! “Phần vì do dịch bệnh, phần vì xử lý ra trái không đạt, số lượng dứa đậu trái trong ruộng rất thấp, năng suất ruộng dứa không cao” - ông Tư Thật giải thích.
Phần lớn ruộng dứa chỉ có thể đậu trái 20-30%, trong đó số lượng trái nhỏ không bán được chiếm tỉ lệ rất lớn. Trên những ruộng dứa đã thu hoạch mà chúng tôi có dịp tham quan, những trái dứa nhỏ chất hàng đống và vứt bừa bãi, số chồi dứa - được đánh giá sẽ đem lại nguồn thu lớn khi bán cho các hộ làm con giống - cũng bị bỏ lăn lóc tại ruộng dứa.
Một số người dân trồng dứa cho biết trước khi chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được triển khai, nhiều người nghe cán bộ ngành nông nghiệp khẳng định trồng dứa cayenne có thu nhập cao, lại có đầu ra ổn định do được các nhà máy thu mua.
Theo tính toán của các cán bộ, chỉ cần đầu tư khoảng 58 triệu đồng/ha dứa, sau vụ thu hoạch đầu tiên đã có thể thu được không dưới 70 triệu đồng/ha tiền bán trái, chưa kể tiền bán chồi giống. Cây dứa thu hoạch được ba mùa, vị chi người trồng dứa sẽ lãi 70-80 triệu đồng/ha! Sau nhiều vụ thất bát vì cây mía, nhiều nông dân tại khu vực Bình Chánh hăng hái đăng ký tham gia trồng dứa, chỉ riêng hai xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi diện tích đăng ký trồng dứa ban đầu 40-50ha!
Vì đâu nên nỗi?
“Khi vận động nông dân tụi tui trồng dứa cayenne, cán bộ hứa là sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, nhưng thực tế có thấy bóng dáng ai đâu!” - bà Võ Thị Liệu nói. Nằm trong diện gia đình khó khăn, bà Liệu được duyệt vay gần 20 triệu đồng và được một công ty tiêu thụ dứa “hỗ trợ” tiền cây giống hơn 4 triệu đồng, gia đình bà đầu tư trồng dứa cayenne trong bảy công đất.
Gần đến thời điểm làm trái, cây dứa trong ruộng bà Liệu cứ vàng dần rồi chết từng cụm. Sau năm lần bảy lượt gọi cán bộ bảo vệ thực vật xuống kiểm tra ruộng dứa nhưng chẳng thấy tăm hơi, đến khi có cán bộ chuyên môn xuống thì toàn bộ dứa đã chết sạch.
Theo những người trồng dứa, dứa cayenne là loại cây trồng khá mới mẻ, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc thích hợp, nhưng từ khi trồng cây giống và cả trong quá trình chăm sóc đều không nhận được hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Ông Tư Thật nói rằng trước khi xuống giống gia đình ông đã liên hệ với cán bộ chuyên môn, nhưng đến khi cây trồng đã xanh lá mới thấy cán bộ!
Ngay cả việc xử lý ra hoa cũng mỗi người một ý, có cán bộ khuyến nông cho rằng cần xử lý “diêm” (phân urê), người lại bảo không, nông dân chẳng biết theo ai. Ông Nguyễn Văn Cầm cho hay mỗi lần xảy ra dịch bệnh trên cây dứa nông dân đều báo cho ngành bảo vệ thực vật, song phải chờ 10-15 ngày sau mới thấy bóng dáng cán bộ bảo vệ thực vật. Đến khi cán bộ xuống tới nơi, nhìn thấy đám dứa bị bệnh vàng lá thì không còn làm gì được nữa.
Nhiều hộ trồng dứa cho biết việc vay vốn ưu đãi đầu tư cho cây dứa gặp rất nhiều khó khăn đã tác động không tốt đến việc chăm sóc ruộng dứa. Theo chương trình khuyến khích phát triển dứa cayenne, những người trồng dứa sẽ được vay vốn ưu đãi với lãi suất 0,4%, thời gian đầu được khuyến khích vay vốn ngân hàng trước (với lãi suất 0,9%), sau đó đưa vào danh sách vay ưu đãi sau. Thế nhưng sau gần hai năm chương trình được triển khai, chỉ mới có khoảng bốn hộ trong số những hộ trồng dứa tại xã Lê Minh Xuân được đưa vào diện vay vốn ưu đãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận