14/01/2016 09:57 GMT+7

Trời cao đất thấp chúng ta thì...

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Khi bài hát Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được cấp phép chính thức trở lại với đời sống âm nhạc sau 40 năm, một trong những người cảm xúc nhất có lẽ là tác giả Trần Hữu Ngư - người nặng lòng với tân nhạc Việt Nam.

Sách do NXB Mỹ Thuật ấn hành - Ảnh: L.Điền
Sách do NXB Mỹ Thuật ấn hành - Ảnh: L.Điền

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trước tin trở lại của Ly rượu mừng khoảng hai tuần, Trần Hữu Ngư ra mắt tập sách mới: Trời cao đất thấp chúng ta thì..., trong đó ngay bài đầu tiên ông đã nêu ý kiến nên tạo điều kiện để ca khúc Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương chính thức trở lại trong đời sống âm nhạc nước nhà. Đó là một ý trong bài viết về Phạm Đình Chương - nhạc sĩ với âm hưởng của những dòng sông trong trường ca Hội trùng dương bất hủ.

Và Trần Hữu Ngư, với sở trường viết tùy bút về những ca khúc, mỗi bài viết của ông không chỉ có cảm nhận về ca từ, rung động, trải nghiệm về giai điệu, mà ông còn công phu tìm hiểu tư liệu về quá trình ra đời của mỗi bản nhạc, thân phận nhạc sĩ tác giả, những tình tiết hậu trường hay số phận của mỗi bài ca trong lịch sử...

Nỗi khổ công của ông đem lại thú vị cho người đọc và bổ ích nhất định cho những ai đam mê khảo cứu lĩnh vực tân nhạc Việt Nam. Những thông tin như ca khúc Vĩnh biệt của Đoàn Chuẩn vì sao còn có tên là Bài ca bị xé, hay như câu chuyện nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn sáng tác hồi thập niên 1960 thành ca khúc Những bước chân âm thầm thoạt đầu mang giai điệu boston rock, nhưng khi tác giả mang bản nhạc này đến Hãng đĩa Việt Nam thì hãng đĩa chỉ đồng ý mua với điều kiện phải đổi sang nhịp boléro cho phù hợp với thị hiếu lúc bấy giờ... là những “chuyện bên lề” thú vị nhưng không nhiều người biết.

Quan trọng hơn, đọc tùy bút Trần Hữu Ngư còn thấy cả một tấm lòng nặng trĩu với quê hương - mảnh đất Bình Tuy (nay là Bình Thuận) nắng gió nhưng đầy kỷ niệm của tác giả, thấy cảnh mưu sinh của người nhập cư từ quê lên Sài Gòn, thấy có cả chúng ta, cả những phận người qua mối liên tưởng bất ngờ với các ca khúc...

Thậm chí, tác giả còn có ý tưởng đề xuất học lịch sử qua ca khúc: “Có lẽ trước 1954, mỗi nhạc sĩ có ít nhất là một bài sử ca, xét về mặt tích cực thì chính sử ca đã góp phần không nhỏ trong cuộc trường kỳ kháng chiến.

Những bài sử ca như: Hùng Vương (Thẩm Oánh), Ngày xưa (Tô Vũ), Bóng cờ lau, Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng (Lưu Hữu Phước), Gò Đống Đa, Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)... vẫn mãi mãi âm vang trong nhiều thế hệ”.

Và tập sách Trời cao đất thấp chúng ta thì... có hàng trăm bài viết như vậy, đáng đọc quá chứ, phải không?

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên