Personal Shopper |
Chiếu ở VN, Trợ lý thời trang không bị cắt đoạn nhạy cảm nào, nhưng một số khán giả sẽ thất vọng vì cảnh nóng trong phim quá đẹp, đẹp đến mức rung động.
Thiếu những hình ảnh trần trụi ấy, Trợ lý thời trang (khởi chiếu 24/2) sẽ mất đi yếu tố siêu thực - điều làm nên giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất Cannes 2016!
Một ảo ảnh đương đại
Maureen - một cô gái trẻ sống bằng nghề stylist (định hình phong cách) cho bà chủ của mình là Kyra, một cựu người mẫu chuyển sang làm nhà thiết kế kỹ tính, đã có chồng nhưng vẫn cặp kè với gã biên tập của một tờ tạp chí thời trang danh tiếng.
Công việc của Maureen kiếm được khá nhiều tiền, giúp cô đi đây đó, ngắm nhìn và chạm vào những món đồ thời thượng đắt giá nhưng Maureen khá chán ngán, đôi khi ghen tỵ với bộ đầm, đôi giày… mà Kyra cấm cô không được thử vào người.
Trailer Trợ lý thời trang:
Đời sống cá nhân Maureen ngược lại khá phức tạp: cô có anh bạn trai đang công tác xa, họ chủ yếu trò chuyện qua mạng xã hội.
Sau cái chết vì bệnh tim của người anh song sinh, Maureen khao khát được “nhìn thấy” anh mình như một cách khẳng định cô có ngoại cảm đặc biệt, cũng như niềm tin vào thế giới bên kia.
Ước gì được nấy, mỗi lần cô đơn trong căn nhà mà cô và anh trai từng sống, những ám hiệu rùng rợn xuất hiện.
Ban đầu, Maureen nghĩ rằng đó là anh trai nhưng những gì cô nhìn thấy lại là một người phụ nữ giận dữ và đáng sợ.
Personal Shopper |
Ngay lập tức, Maureen bị kéo vào một cuộc “gặp gỡ” kỳ lạ với những dòng tin nhắn qua điện thoại cá nhân vì sự yếu đuối và mê tin. Maureen sẽ ra sao khi “hồn ma tin nhắn” gợi ý cách để thoát khỏi cuộc sống thực tại nhàm chán, cũng như cuối cùng cô có gặp được anh trai mình hay không? Hàng loạt câu hỏi sẽ có từng lời đáp riêng khi bạn xem phim.
“Tôi không thể làm phim này mà không có Stewart”
Khá nhiều cây bút phê bình hàng đầu dẫn chứng về Trợ lý thời trang và nói rằng phim phi thể loại vì nội dung tác phẩm không tập trung vào bất kì dòng phim cụ thể nào.
Từ tâm lý chuyển sang rùng rợn, từ ly kỳ chuyển sang tội phạm để rồi kết thúc như một phim về hồn ma.
Bằng những lớp lang chồng chéo nhưng khá dễ tháo gỡ và lý giải trong phim, Olivier Assayas mang đến tác phẩm gây tranh cãi ở Cannes, đặc biệt khi phim bị chê nhưng vẫn ẵm một trong những giải quan trọng.
Kristen Stewart và Olivier Assayas tại Cannes 2016 |
Olivier Assayas làm phim từ năm 20 tuổi với phong cách trữ tình chịu ảnh hưởng từ thần tượng là đạo diễn Hầu Hiếu Hiền của Đài Loan, trong Trợ lý thời trang không thiếu những khoảng lặng đặc biệt tinh tế và giàu tính điện ảnh.
Sự nghiệp của Olivier Assayas bắt đầu tỏa sáng khi ông bước sang tuổi 50 với một loạt tác phẩm có độ sâu nhất định về trải nghiệm từ đời sống cá nhân như Summer Hours (2008), Carlos (2010) hay Something in the Air (2012)…
Với Clouds of Sils Maria năm 2014, lần đầu tiên Olivier nhận được đề cử Cescar của Pháp cho Phim hay nhất. Cũng qua tác phẩm này, ông giúp Kristen Stewart làm nên lịch sử là diễn viên nước ngoài duy nhất giành giải Cesar cho vai nữ phụ.
Kristen Stewart - Cannes 2016 |
Vừa viết xong kịch bản Trợ lý thời trang, Olivier hay tin Kristen đang ở Paris và đã hẹn gặp cô để trao đổi về bộ phim. Sau lần trò chuyện đó, Olivier quyết định tác phẩm phải có sự xuất hiện của Kristen chứ không phải là diễn viên nào khác.
Cá nhân Kristen Stewart đang dần chuyển mình sau thành công thương mại của loạt phim ma cà rồng ăn khách Twilight từng khiến cô “chết dở” vì bị đánh đồng với “bình hoa di động”.
Sự nổi loạn ngoài đời (tự nhận mình là người lưỡng tính) đưa cô đến với các dự án quan trọng, trong đó Trợ lý thời trang là bước ngoặt lớn, phô diễn thực lực của Kristen, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn định kiến cho giới chuyên môn về vẻ đẹp lạnh lùng có phần vô hồn trên màn ảnh.
Personal Shopper |
Bước ngoặt mới cho thị trường phim nghệ thuật ở VN? Quyết định phát hành Trợ lý thời trang là có toan tính nhưng lại khá mạo hiểm, đối với thị trường điện ảnh cũng như với cả tư duy xem phim của số đông. Kristen Stewart có tiếng tăm nhưng chưa đủ mạnh để lôi kéo fans đến rạp. Các cảnh C18 như đã nói, hoàn toàn không phục vụ cho những đối tượng tò mò, thích thú cùng suy nghĩ “đây là phim gợi cảm thuần túy”. Nhưng với những ai đam mê nghệ thuật thứ 7, việc các tác phẩm đoạt giải ở những Liên hoan phim lớn về được với rạp chiếu bóng nước nhà như Nhiếp Ẩn Nương, Trợ lý thời trang… đã là tín hiệu vui, đa sắc thái cho tình hình rạp chiếu chỉ toàn phim tình cảm hài nhảm, phim làm lại hoặc các thể loại bom tấn chém giết. Sau cú flop của mô hình Cinema Arthouse (CGV) thì liệu sự quảng bá bài bản, rầm rộ như Trợ lý thời trang và (hi vọng) những phim đẳng cấp và có trình độ về sau, có giúp cho một bộ phận người yêu điện ảnh lớn mạnh, nhất là vào giai đoạn mà người trẻ tiệm cận với thời trang, xu hướng nghệ thuật… nhiều như hiện tại? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận